Bài 28 – Ca Huế trên sông Hương


Bài 28 – Ca Huế trên sông Hương

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Vài đặc điểm tiêu biểu của xứ Huế:

Huế là cố đô của triều đình nhà Nguyễn. Thành phố Huế nằm bên bờ sông Hương, một con sông đẹp dào dạt chất thơ. Ở Huế có thôn Vĩ Dạ, một làng xóm nhiều bóng cau, bóng trúc đã in dấu ấn trong thơ Hàn Mặc Tử. Ở Huế cung vua vẫn còn và gần đây được tu bổ lại – Đại Nội với sân rồng, nơi các quan trong triều tới để chầu vua, dâng sớ tấu.Huế còn có nhiều lăng tẩm, nơi chôn cất các bậc quân vương như lăng Khải Định, lăng Tự Đức. Chợ Đông Ba của thành phố Huế bán nhiều món ăn riêng của địa phương. Nón Huế, những chiếc nón bài thơ mỏng mảnh, trắng ngà luôn làm tôn thêm vẻ đẹp thướt tha của tà áo dài xứ Huế.

2. – Các làn điệu dân ca xứ Huế: chèo cạn, bài thai, hò đưa linh, hò giã gạo, ru em, bài chòi, bài tiệm, nàng vụng, hò lơ, hò ô, hò xay lúa, hò nện, lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam…

Các dụng cụ âm nhạc: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tì bà, nhị (tức là đàn cò), đàn tam, đàn bầu, sáo, cặp sanh tiền.

3. Sau khi đọc bài văn trên, ta được biết thêm các làn diệu dân ca và các nhạc cụ dân tộc của xứ Huế thật vô cùng phong phú. Cách đi thuyền trên sông trong đêm thanh vắng để toàn tâm toàn ý lắng nghe tiếng hát tiếng đàn sâu lắng, gợi cảm, thiết tha là một thú chơi thật thanh tao của người đất cố đô đa cảm.

>> Xem thêm:  Bài 18 - Tìm hiểu chung về văn nghị luận

4. a) Ca Huế được hình thành từ cuộc sống lao động bền bỉ, cần lao của nhân dân xứ Huế, vì thế mà có các điệu hò cày cấy, hò gặt hái, hò giã gạo, hò giã vôi, hò chèo đò, hò xay lúa…

b) Các điệu ca Huế được nhắc tới trong bài văn vừa sôi nổi tươi vui, vừa trang trọng uy nghi vì trong đó có sự kết hợp giữa dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình.

c) Có thể nói nghe ca Huế là một thú tao nhã vì đây là một thú vui tinh thần. Tiếng đàn nhạc và lời ca đầy sức quyến rũ, làm xao động tận đáy tâm hồn, làm người ta cảm nhận được tâm tư tình cảm sâu lắng của người xứ Huế, cảm nhận được vẻ đẹp của sông Hương, núi Ngự, làm người ta thấy thêm yêu người mến cảnh của xứ Huế thân thương và đó cũng chính là cơ sở của tình yêu đất nước.

Ghi nhớ:

Cố đô Huế nổi tiếng không phải chỉ có các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử mà còn nổi tiếng bởi các làn điệu dân ca và âm nhạc cung đình. Ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hóa – âm nhạc thanh lịch và tao nhã; một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát triển.

LUYỆN TẬP

Vài làn điệu dân ca địa phương: lí kéo chài, lí con chuột, lí cây bông, hò Đồng Tháp, lí cây khế, lí cây chanh…

>> Xem thêm:  Bài 28 - Tìm hiểu chung về văn bản hành chính

Kết quả cần đạt

  • Thấy được vẻ đẹp của một sinh hoạt văn hóa ở cố đô Huế, một vùng dân ca phong phú về nội dung, giàu có về làn điệu và những con người rất đỗi tài hoa.
  • Hiểu thế nào là phép liệt kê, tác dụng của phép liệt kê, các kiểu liệt kê thường gặp.
  • Đánh giá đúng ưu, khuyết điểm của bài tập làm văn số 6 theo yêu cầu của bài văn lập luận giải thích.
  • Nắm được những hiểu biết chung về văn bản hành chính: mục đích, nội dung, yêu cầu và các loại văn bản hành chính thường gặp trong cuộc sống.

Mai Thu

Bài viết liên quan