Bài 28 – Kiểm tra Văn
Bài 28 – Kiểm tra Văn
Hướng dẫn
MỘT SỐ ĐỀ BÀI GỢI Ý THEO SÁCH GIÁO KHOA
1. Tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng trong đoạn trích hồi kí Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.
2. Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố và qua đó làm rõ ý nghĩa nhan đề của đoạn trích.
3. Phân tích một đoạn văn hay một chi tiết trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao mà em có ấn tượng sâu sắc nhất.
4. Hãy dùng lời của mình kể lại chuyện một nhân vật (tuỳ chọn) trong một đoạn trích tiểu thuyết hoặc truyện ngắn nước ngoài đã học ở lớp 8.
5. Chứng minh rằng ông Giuốc-đanh ở lớp kịch Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là nhân vật nực cười trước mắt khán giả.
6. Dựa vào hai bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông của Phan Bội Châu và Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh, hãy viết một bài văn khoảng 2 trang ca ngợi tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của các chiến sĩ cách mạng đầu thế kỉ XX.
7. Hãy phân tích nỗi “nhớ rừng" của con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
8. Những nét đặc sắc trong bức tranh quê hương thể hiện trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
9. Qua hai bài thơ Tức cảnh Pác-Bó và Ngắm trăng, em thấy hình ảnh Bác Hồ hiện ra như thế nào?
10. Hãy nêu lên những nét chung và riêng cửa tinh thần yêu nước được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô (Lí Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) và Nước Đại Việt ta (trích Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi)
Gợi ý làm bài
1. Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng với người mẹ bất hạnh của mình được thể hiện chủ yếu ở hai điểm:
– Tâm trạng đau đớn, uất hận cực điểm của chú bé trước những lời lẽ thâm độc của người cô và những thành kiến nặng nề của mọi người đối với mẹ mình: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục dã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi’.
– Cảm giác sung sướng tột cùng của chú bé khi được ở trong lòng mẹ. Chú cảm thấy thấm thía cực điểm cảm giác được bồng bềnh trong một thế giới của ánh sáng, màu sắc, hương thơm vừa lạ lùng vừa gần gũi, một thế giới dịu dàng kỉ niệm và đầy ắp tình mẫu tử thiêng liêng.
Với thể hồi kí, chất trữ tình thấm đượm chan hòa ở nội dung chuyện kể, ở dòng cảm xúc phong phú, thống thiết cao độ của nhân vật và ở cả cách thể hiện từ giọng điệu đến lời văn của tác giả.
2. Khi bọn tay sai sầm sập tiến vào, anh Dậu ốm yếu vì quá khiếp đảm đã lăn đùng ra, hoảng quá, không nói được câu gì. Chỉ còn chị Dậu một mình đối phó với lũ ác nhân.
Ban đầu chị cố “van xin tha thiết” rất lễ phép nhằm khơi gợi từ tâm và lương tri của ông cai.
Nhưng đến khi hắn không đếm xỉa mà lại đáp lời chị bằng những
quả “bịch” vào ngực và cứ xông tới trói anh Dậu, chị Dậu mới “hình như tức quá không thể chịu được”, đã “liều mạng cự lại”.Thoạt đầu chị dùng lí lẽ: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Chị đã xưng tôi không còn xưng cháu, nghĩa là đã đứng thẳng lên ngang hàng với đối thủ, nhìn thẳng vào mặt hắn.
Đến khi cai lệ vẫn không trả lời mà “tát vào mặt chị một cái đánh bốp” rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu thì chị Dậu vụt đứng dậy, chị nghiến hai hàm răng: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Lần này, chị xưng bà, gọi tên cai lệ bằng mày. Thế là chị túm lấy cổ tên cai lệ ấn dúi ra cửa làm hắn “ngã chỏng quèo trên mặt đất”. Tiếp đó, chị Dậu túm tóc tên người nhà lí trưởng lẳng cho một cái, làm hắn “ngã nhào ra thềm”. Lúc mới xông vào, hai tên này hùng hùng hổ hổ dữ tợn bao nhiêu thì giờ đây chúng thảm hại xấu xí và hài hước bấy nhiêu.
Đủ thấy chị Dậu là người phụ nữ nông dân tuy mộc mạc, hiền dịu, vị tha, khiêm nhường, nhẫn nhục nhưng hoàn toàn không yếu đuối mà trái lại vẫn ẩn chứa một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, “Tức nước vỡ bờ,” khi bị đẩy tới đường cùng, chị đã phải vùng lên chống lại để tự cứu mình. Đó cũng là ý nghĩa khách quan toát ra từ tác phẩm Tắt đèn và cũng chính là của nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích.
3. Có thể chọn đoạn văn:
“Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão bảo ngay:
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
– Cụ bán rồi?
– Bán rồi! Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
– Thế nó cho bắt à?
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”
(Nam Cao — Lão Hạc)
Chỉ với sự việc lão Hạc sang nhà ông giáo báo tin là đã bán cậu Vàng, nhưng Nam Cao đã khéo léo kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm. Nhà văn tập trung khắc họa chân dung đau khổ của lão Hạc với những chi tiết đặc sắc, độc đáo từ: nụ cười như mếu, mắt lão ầng ậng nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại, ép cho nước mắt chảy ra đến cái đầu lão ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, lão hu hu khóc…
Chính những nét đặc trưng đầy biểu cảm ấy đã khắc sâu vào lòng người đọc chân dung một lão Hạc sắc nét với một ngoại hình khôn khổ đặc biệt là một nội tâm đau đớn, quằn quại trong một khoảnh khắc xót xa, ân hận vì “già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”.
Khi phân tích đoạn văn, chú ý nên gắn với việc cảm nhận cái đặc sắc của đoạn văn như vừa nói.
4. Có thể chọn một nhân vật nào đó trong các đoạn trích tiểu thuyết hoặc truyện ngắn nước ngoài đã học ở lớp 8 như Đánh nhau với cối xaỵ gió, Cô bé bán diêm, Chiếc lá cuối cùng… Khi kể, chú ý tập trung chủ yếu vào nhân vật mình đã lựa chọn và đặc biệt là phải nhớ dùng lời kể của mình chứ không được lấy nguyên lời kể trong truyện
5. Ông Giuốc-đanh là một tay trưởng giả tuy dốt nát nhưng làm sang. Ông ta ngớ ngẩn nên để cho mọi người lừa bịp dễ dàng.
Ở cảnh đầu của lớp kịch, khán giả nực cười ở chỗ ông Giuốc-đanh bị bác phó may lợi dụng.
Còn ở cảnh sau, khán giả lại nực cười ở chỗ ông bị các thợ phụ tâng bốc bằng các danh vọng hão để moi tiền. Đặc biệt là cảnh ông Giuốc-đanh bị bốn tay thợ phụ lột quần áo ra, mặc cho bộ lễ phục lố lăng theo nhịp điệu sắc màu dớ dẩn, lại may ngược hoa, ấy thế mà ông ta vẫn vênh vang ra vẻ ta đầy là nhà quý phái.
6. Để làm đề bài này, chúng ta phải dựa vào hai bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông của Phan Bội Châu và Đập đá Côn Lôn của Phan Châu Trinh. Hai bài thơ đã thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và khí phách anh hùng của các chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ. Cả hai đều được sáng tác trong tù. Nhưng đúng là nhà tù thực dân dù với tất cả những đầy đọa cực hình vẫn không thể nào khuất phục nổi ý chí kiên cường của các bậc anh hùng hào kiệt này: Những kẻ vá trời khi lỡ bước. Gian truân chi kể việc con con.
Đọc Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đóng ta như hình dung được hình ảnh cụ Phan Bội Châu, nhà yêu nước vĩ đại hiên ngang bất khuất trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt. Tình cảm yêu nước sôi nổi thiết tha, khí phách hiên ngang, bất khuất, niềm tin sắt son vào sự nghiệp của cụ lôi cuốn người đọc chúng ta bằng những hình ảnh, ngôn ngữ đầy khẩu khí, khoa trương của văn học đương đại.
Còn bài Đập đá Côn Lôn, mượn cảnh đập đá gian khổ của những người tù cách mạng, nhà thơ bày tỏ khí phách ngang tàng lẫm liệt, coi thường gian nan vất vả. Toàn bộ bài thơ thuần một giọng điệu hùng tráng gân guốc, rắn rỏi cùng những hình ảnh vừa mang ý nghĩa cụ thể, vừa mang ý nghĩa biểu tượng gây ấn tượng thật mạnh mẽ nơi người đọc.
Tuy sáng tác trong tù, nhưng cả hai bài thơ đều có giọng điệu tự tin chủ động, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, khí phách khẳng khái hiên ngang, ý chí chiến đấu bền bỉ của các chí sĩ đầu thế kỉ XX.
7. Mượn lời con hổ nhớ rừng và thái độ của con vật này đối với cảnh vườn bách thú, Thế Lữ đã kí thác tình cảm căm ghét đối với cuộc sống nhạt nhẽo, tầm thường và niềm tin khao khát tự do mãnh liệt của con người bị giam cầm, nô lệ.
Tâm trạng con hổ ở đây cũng chính là tâm trạng của thi sĩ nói riêng và của một lớp thanh niên thời bấy giờ nói chung. Thấu hiểu nỗi nhục vong quốc, uất hờn với thân phận người dân nô lệ nhưng trong lòng còn ngời sáng quá khứ anh hùng của dân tộc: một thời phạt Tống, đuổi Minh, phá Thanh rực rỡ… Nhiệt tình yêu nước ở họ không thiếu, vẫn dạt dào trôi chảy trong huyết quản nhưng chưa thể vứt bỏ cuộc sống tầm thường để dấn thân vào con đường cách mạng đầy hiểm nguy, gian khổ được.
Tóm lại, đó cũng là tâm sự thầm kín của người Việt Nam mất nước đang khao khát độc lập tự do lúc bấy giờ.
8. Bức tranh quê hương thể hiện trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh là một bức tranh quê hương tươi sáng, khỏe khoắn và đầy gợi cảm.
Cảnh thiên nhiên trong bức tranh này trong trẻo, tươi tắn thật thi vị “trời trong", “gió nhẹ", “sớm mai hồng". Đặc biệt là cảnh đám trai tráng trong làng “bơi thuyền đi đánh cá" lúc bình minh lên và cảnh “ồn ào trên bến đỗ”, “tấp nập đón ghe về” trên bến ngày hôm sau với “cá đầy ghe", “thân bạc trắng" đầm ấm, rộn ràng. Trên bức tranh quê hương của Tế Hanh còn có những hình ảnh vừa chần thật vừa lãng mạn hùng tráng từ hình ảnh “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng", đến hình ảnh người dân chài “làn da ngăm rám nắng”, “Có thân hình nồng thở vị xa xăm..”.
Bài thơ Quê hương bộc lộ tình cảm của tác giả. Khi xa quê, Tế Hanh đã nhớ thương da diết cuộc sông lao động khỏe khoắn, mạnh mẽ của quê hương mình. Tình cảm đó của nhà thơ trong sáng, thắm thiết và khỏe khoắn biêt bao. Đó cũng là tình cảm hiếm thây trong thơ trước lúc bấy giờ.
9. Qua hai bài thơ Tức cảnh Pác Bó và Ngắm trăng chúng ta có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời của Bác Hồ. Ta bắt gặp ở đây tâm trạng của một con người yêu thiên nhiên say đắm, cảm thấy thoải mái, vui thích được sống giữa thiên nhiên của đất nước mình. Tâm hồn nghệ sĩ ấy đã bồn chồn náo nức trong một đêm trăng đẹp giữa chốn lao tù: "Đối thử lương tiêu nại nhược hà”.
Tuy có tâm hồn nghệ sĩ nhưng Bác Hồ trước sau vẫn là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Qua hai bài thơ này của Người, ta thấy toát lên một tinh thần lạc quan, một nghị lực cách mạng phi thường vượt lên mọi gian khổ vật chất để tìm thấy niềm vui lớn lao, chân chính, sảng khoái ung dung trong công việc cách mạng. Giữa hang sâu trong rừng vắng, Người vẫn là “sang”. Bị giam trong ngục, Người vẫn say sưa ngắm trăng.
Như thế, qua hai bài thơ nhỏ đã cho thấy một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn: Bác Hồ vừa là chiến sĩ cách mạng vừa là một nghệ sĩ.
10. Những nét chung và riêng của tinh thần yêu nước được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô (Lí Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuân), và Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi).
Nét chung của các văn bản trên trước hết đó là những áng chính luận mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt, gắn liền với những sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng và bảo vệ nước nhà. Cả ba tác giả đều là những nhân vật lịch sử chói lọi tuổi tên. Cả ba tác phẩm đều là kết tinh của tinh thần ý chí của cả dân tộc trong những thời đại oanh liệt. Cả Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta đều nêu bật ý thức về chủ quyền dân tộc, đều toát lên lời khẳng định nền độc lập của dân tộc. Nhưng ở mỗi văn bản ít nhiều nội dung yêu nước âấy có nét riêng.
Nổi bật ở Chiếu dời đô là khát vọng về một đất nước độc lập thống nhất và khí phách của dân tộc đang trên đà lớn mạnh. Còn ở Hịch tướng sĩ nổi bật lên là lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Cuối cùng, ở Nước Đại Việt ta nêu bật lên lời tuyên ngôn độc lập: nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử, và kẻ thù xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.
Mai Thu