Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học Đọc Tiểu Thanh kí, các đoạn trích Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc. (Yêu cầu viết bài văn)


Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học Đọc Tiểu Thanh kí, các đoạn trích Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc. (Yêu cầu viết bài văn)

Gợi ý

Thơ hay phải là thơ cất lên được tiếng nói về thân phận con người một cách ám ảnh, da diết. Thơ hay là nhụy của cuộc sống. Khi hiện thực sống của xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công ngang trái, thì thơ phải là tiếng kêu thương phản ánh những bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đọc Tiểu Thanh kí, các đoạn trích Chinh phụ ngâmCung oán ngâm khác đều là những tác phẩm lớn vì đã cất lên tiếng nói bi kịch ấy.

Trong xã hội cũ, phụ nữ là những người có thân phận bé mọn nhất. Từ những người phụ nữ trong ca dao vòn chỉ tự nhận mình là cá giữa rào, hạt cơm nguội, cái chổi đầu hè, hạt thóc… đến những người phụ nữ trong văn học trung đại với bi kịch của tài sắc và của hạnh phúc. Họ không chỉ khổ về chế độ nam quyền trọng nam kinh nữ, tước đoạt của người phụ nữ hạnh phúc, tình yêu mà họ còn khổ về chiến tranh phi nghĩa, vì chế độ đa thê, vì chế độ cung nữ… Nhìn một cách khái quát, đó là bi kịch của hạnh phúc lứa đôi dang dở. Tuy thế, số phận bất hạnh của họ có những biểu hiện riêng khác nhau xuất phát từ thân phận khác nhau.

Điểm chung của người phụ nữ trong các tác phẩm trên là ở chỗ họ điều là những con người tài sắc. Nàng Tiểu Thanh là một người thông tuệ khác thường lại có tài thơ phú. Nàng cung nữ vốn là một người con gái đẹp, giỏi cầm, kì, thi họa. Còn người chinh phụ là một người mẹ, người vợ, người con dâu hiền thảo, nết na, thủy chung…

>> Xem thêm:  Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Sống trong xã hội công bằng, tài sắc của người phụ nữ sẽ đem đến cho họ một địa vị cao quý. Nhưng dưới chế độ phong kiến đầy bất công, tài sắc ấy là những mầm móng cho những hậu quả mà họ gánh chịu. Nàng Tiểu Thanh tài sắc nên bị vợ cả ghen tuông hành hạ cho đến chết. Thân phận là lẽ đã không được hưởng một chút hơi ấm nào, lại phải chịu biết bao đày đọa, ngay cả đến tính mạng của mình cũng không thể giữ nỗi. Mới mười tám tuổi mà nàng đã thiệt phận. Di vật nàng lưu lại là một vài bài văn thơ cũng bị đốt cho đến thành tro. Không chỉ Nguyễn Du mà người đọc cũng phải rơi lệ trước số phận của nàng: “Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương vô mệnh đốt còn dư”.

Nhờ tài sắc vẹn toàn, người cung nữ mới được chuyển vào cung, nhưng đó cũng nguyên nhân gây nên bi kịch của cuộc đời nàng. Nàng phải sống buồn thảm, âm thầm như chiếc bóng trong cung cấm lạnh lẽo đếm từng ngày dần trôi qua: “Lạnh lùng thay giác cô miên/ Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u”. Nàng bị đày đọa trong ước vọng lứa đôi đời thường, trong khát khao hạnh phúc giản dị.

Bên cạnh đó, họ còn gặp phải bi kịch của khát khao hạnh phúc lứa đôi không thành. Sống trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không dược quyền quyết định hạnh phúc của mình. Hạnh phúc đối với họ thật nhỏ nhoi và mỏng manh vì chế độ đa thê, chế độ cung nữ, vì chiến tranh rình rập… Suốt cuộc đời làm lẽ mọn của mình cho đến lúc chết, nàng Tiểu Thanh phải sống trong cô đơn và gánh chịu những âm mưu hành hạ, vùi dập của người vợ cả. Người phụ nữ là nạn nhân đau đớn ê chề của chế độ đa thê. Hạnh phúc nhỏ bé bị chia năm xẻ bảy khiến Hồ Xuân Hương đã phải uất ức kêu lên: “Chém cha cái kiếp chồng chung/ Kẻ đắp chăng bông, kẻ lạnh lùng”.

Người chinh phụ chỉ có một mong ước giản dị là được sống bên người chồng của mình. Nhưng chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã cướp đi hạnh phúc đó. Chồng nàng phải ra đi chiến trận, phải xả thân mình cho phong ấn hầu để minh nàng lẻ loi nhà với cảnh một thân nuôi già trẻ. Cả đoạn trích mở ra một thế giới tâm trạng của người chinh phụ với 35 câu nhưng tất cả như ngưng đọng trên một mối sầu. Cùng với nỗi sầu là những buồi tủi, cô đơn của một cuộc sống đơn điệu, hết dạo hiên vắng lại đốt hương, gảy đàn, trang điểm nhưng chỉ khiến hồn mê mái, lệ châu chan. Ám ảnh trong tâm hồn nàng là nỗi nhớ chồng, là khát khao hạnh phúc nguyệt hoa – hoa nguyệt. Cuộc chiến tranh ấy có mục đích chân chính ở chỗ nào nếu nó đày đọa, cướp đi hạnh phúc và tuổi trẻ của con người? Qua khát khao hạnh phúc cháy bỏng của chinh phụ, lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa cất lên sâu sắc biết bao!

Người cung nữ là nạn nhân của chế độ cung nữ bất công. Hàng nghìn cung tần mĩ nữ mới có một ông vua để trông ngóng. Có những người cung nữ cả đời chôn vùi tuổi xuân trong cung cấm không một lần được vua đoái hoài, có những cung nữ được vài lần vua ngó ngàng tới cũng chẳng hơn gì. Cuộc sống của họ là một chuỗi chờ đợi, hi vọng. Mệt mỏi với hi vọng, chờ đợi, họ cất lên những tiếng nói tố cáo phẫn uất, chì chiết róng riết:

>> Xem thêm:  Phân tích bài ca dao sau “Cưới nàng anh toan dẫn voi ..”- Văn 10

Khoảnh làm chi hỡi chúa xuân

Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi

Giết nhau chẳng cái lưu cầu

Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!

Từ đó, bay lên khát khao được phá cũi sổ lồng, khát khao được giải phóng:

Đang tay muốn dứt tơ hồng

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!

Chế độ cung nữ là sự vô nhân đạo nhất của xã hội phong kiến, là nấm mồ để chôn tuổi xuân của những người con gái.

Không cam chịu những bất công này, người phụ nữ đã cất lên những tiếng nói phản kháng với xã hội xưa. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đầy bản lĩnh phản kháng những luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến đã triệt tiêu quyền sống và hạnh phúc của con người, nhất là người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã đòi quyền bình đẳng của người phụ nữ với nam giới: “Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hung há bấy nhiêu”.

Phản ánh những bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ, các nhà thơ đã tiếp nôi mạch nguồn của ca dao than thân. Phản ánh được những bi kịch đó đã mang đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho các tác phẩm văn học trung đại, đặc biệt là văn học cuối thế kỉ XVIII — đầu thế kỉ XIX. Người phụ nữ ngày hôm nay đã được giải phóng khỏi ràng buộc của chế độ phong kiến và có được cuộc sống công bằng hạnh phúc.

Thông qua những bi kịch của người phụ nữ, các nhà thơ đã thể hiện tấm lòng đồng cảm, trân trọng, bảo vệ quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Đó là gốc rễ nhân đạo sâu sắc nhất của văn thơ và nó làm nên sức sống của các tác phẩm trên với thời gian.

Sachtailieu.com

Bài viết liên quan