Bình luận về câu nói “Học đi đôi với hành”
Đề bài: Em hãy bình luận về câu nói "Học đi đôi với hành"
Bài làm
Từ trước đến nay, việc học tập được xem trọng hàng đầu. Trong xã hội hiện đại phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc giáo dục con người luôn luôn là quốc sách hàng đầu của một đất nước. Tuy nhiên, học điều gì và phương pháp học như thế nào thì còn cần rất nhiều yếu tố. Xung quanh vấn về này xuất hiện một quan điểm được phần lớn mọi ủng hộ. Đó là ý kiến: “học đi đôi với hành”.
Chúng ta vẫn hiểu rằng: “học” chính là quá trình tích lũy kiến thức, kĩ năng của con người. “Hành” ở đây được hiểu là việc vận dụng những kiến thức, kĩ năng được học đó vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Việc học luôn được đề cao. Nhưng việc vận dụng lại càng được chú trọng. Bởi lẽ, nếu chỉ chăm chăm học kiến thức sách vở mà không có trải nghiệm thực tế sẽ khó có được kĩ năng và tri thức một cách toàn diện.
Việc chỉ học kiến thức mà không có kĩ năng chính là một hiện tượng phổ biến thường gặp trong quá trình giáo dục của một số nước chậm phát triển và đang phát triển. Việt Nam của chúng ta là một ví dụ điển hình. Chúng ta từng dở khóc, dở cười với một bài văn của học sinh tiểu học miêu tả con trâu nhưng không khác nào con chó, con mèo trong nhà. Nguyên nhân chỉ vì đây là một sinh ở nội thành, chỉ được nhìn thấy con trâu qua phim ảnh, sách báo, lời giảng của thầy cô chứ chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến. Hay như việc sinh viên ra trường nhiều, đỗ điểm cao nhưng khả năng làm việc lại không được các công ty nước ngoài đánh giá cao. Bởi lẽ, phần lớn kiến thức họ học được là kiến thức của giáo trình. Có những cuốn sách được viết đã có thời gian hàng chục năm. Vì thế, nó chỉ đúng ở một thời điểm chứ chưa phù hợp với thực tế khi mà xã hội phát triển không ngừng. Ngày hôm trước là ti vi màn hình phẳng, ngày hôm sau đã là thời đại của màn hình cong. Ngày hôm qua vừa ca ngợi công nghệ 3D, vài tháng sau công nghệ 4D, 5D, trải nghiệm thực tế ảo đã lên ngôi. Thử hỏi, một sinh viên thuộc ngành kĩ thuật, nếu chỉ chăm chăm đọc các quyển sách giáo trình, cách để chế tạo một chiếc điện thoại thông thường trong khi xã hội đã phát triển đến điện thoại cảm ứng vân tay, điều khiển bằng giọng nói thì chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Cho dù sinh viên đó ra trường với tấm bằng giỏi hay xuất sắc. Việc áp dụng kiến thức với thực hành trong thực tế còn quan trọng trong cả việc học ngoại ngữ. Đáng buồn khi chúng ta vẫn nói rằng, người Việt học tiếng Anh để nói chuyện với người Việt. Nghĩa là, phần lớn người Việt không đủ khả năng giao tiếp với người nước ngoài trong khi họ am hiểu về ngữ pháp, thuộc từng vựng. Bởi lẽ, vào trong hoàn cảnh thực tế, ngôn ngữ có thể biến đổi. Hơn nữa, chưa kể đến việc mất tự tin, thiếu bản lĩnh khi chưa có cơ hội giao tiếp nhiều. Việt Nam còn đứng đầu các nước có tốc độ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ nhiều nhất thế giới. Một năm, Việt Nam có rất nhiều người được cấp bằng thạc sỹ, tuy nhiên không phải ai trong số họ cũng có khả năng làm việc. Điều này thấy rõ khi các loại máy móc phục vụ trong nông nghiệp phần lớn lại do nông dân, những người trực tiếp lao động phát minh, sáng chế chứ không phải là các anh kĩ sư, thạc sỹ “giấy”.

Bình luận về câu nói "Học đi đôi với hành"
Thấy được thực trạng của xã hội khi học không đi liền với thực tế trải nghiệm thì mới hiểu hết được những hậu quả của nó mang lại. “Sản phẩm” của một nền giáo dục nặng nề về kiến thức, coi nhẹ thực tế dẫn đến những cá nhân chỉ biết nói sáo rỗng, bằng cấp nhiều nhưng lại không thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Và ngược lại, nếu như con người biết áp dụng hợp lí kiến thức sách vở với kiến thức thực tế sẽ đem lại nhiều kết quả ngoài mong đợi. Bởi lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà ông bà ta có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng không”. Càng gắn bó với thực tiễn thì càng củng cố thêm kiến thức mà chúng ta đã được học, khiến cho nó phát triển và mở rộng thêm.
Để áp dụng việc học gắn với thực tiễn là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng trước tiên là sự tự giác của mỗi cá nhân. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy tận dụng những kiến thức mà thầy cô giảng dạy vào việc áp dụng với đời sống xung quanh. Với các môn khoa học xã hội là các kiến thức xã hội: học lịch sử không phải chỉ để thi qua môn mà để am hiểu quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông. Học ngữ văn không chỉ để viết các tác phẩm văn mẫu mà còn là học làm người, cách đối nhân xử thế, sống cho chan hòa nhân ái. Với các môn khoa học tự nhiên là kiến thức áp dụng vào chính thực tiễn: vật lý giúp chúng ta sửa các bảng điện đơn giản trong gia đình, hóa học giúp chúng ta biết đường còn có tên gọi là gì, toán học giúp việc tính toán nhanh hơn…vv…Hơn thế, các nhà quản lí giáo dục cũng nên xây dựng các chương trình giáo dục gắn liền với thực tiễn. Vài năm trở lại đây, khi thấy rõ được hậu quả khi con người được đào tạo mà thiếu đi áp dụng thực tiễn, các cơ sở giáo dục của nước ta, chỉ đạo là Bộ giáo dục đã xây dựng những chương trình cụ thể và dài hạn nhằm đem kiến thức áp dụng một cách gần gũi và thực tế hơn.
Rất mong rằng sau bài viết này, chúng ta sẽ hiểu được quan điểm: “học đi đôi với hành” – học gắn liền với áp dụng thực tế là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta sẽ tự có ý thức để hoàn thiện tri thức của bản thân hơn. Giống như tiêu chí mà UNESSCO đã đưa ra: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Nhẫn Đông