Cảm nghĩ về bố của em
Đề bài: Cảm nghĩ về bố của em.
Bài làm
Chiều nay, cơn mưa rào cuối hạ đến bất chợt khu trọ tập thể của chúng tôi khiến người ta vẩn vơ nhiều suy nghĩ trong đầu. Con bé Phương Lan cùng phòng đang ông ổng đọc bài “Bố của Xi-mông” của một tác giả người Pháp từ cuốn sách giáo khoa mượn của chị lớp trên. Lòng tôi nao nao nhớ về bố.
Những ngày mưa rào cuối hè, lượng mưa và thời gian mưa thất thường, khi ào ào tựa thác đổ, khi lụp bụp bùng nhùng bong bóng trên sân gạch đỏ, nước xối từ trên trời xuống cuồn cuộn chảy theo các rãnh nước, tắm mát không gian, cây cỏ. Gió ào ào đập cửa và hạt nước li ti bắn đầy hiên nhà. Đó cũng là lúc bố xách đó, rọ tôm, rọ bát quái cùng một ít mồi thơm, khoác lên vai cái bình điện to sụ, đội nón lứa chuẩn bị ra đồng. Mưa sắp dứt, bước chân trần lạch bạch bắt đầu công việc.
Bố là người nông dân chính hiệu. Tận dụng những ngày nông nhàn, bố làm đủ thứ việc. Từ đất, từ ruộng, mương, sông, hồ… bố nào là kết thúc vụ đông – xuân thì đi bắt chuột đồng thịt, nước lên đi bắt ốc, đánh cá, nước rút đi mò trai… Mỗi mùa bố lại có một công việc khác nhau. Tôi thường hay đi phụ bố. Chỉ có điều từ ngày lên cấp 2, đi học bán trú, tôi không còn được như thế nữa.
Cảm nghĩ về bố của em
Bố tôi đẹp. Làn da nâu sậm của một con người quanh năm dãi nắng dầm mưa, ngày nắng bóng lộn, ngày mưa mồ hôi và nước mưa thấm đẫm chiếc áo màu đục. Cơ thể của một người đàn ông cường tráng với cơ bắp chắc nịch và bước đi vững chãi khiến ai nhìn cũng thấy đáng tin cậy. Sau vành mũ lứa rộng là khuôn mặt lúc nào cũng cuồi khà khà thích chí và vô tư với mọi sự biến thiên của cuộc đời. Khi cười, hàm răng ố vàng vì hút thuốc lào nhiều lại làm bố đẹp chân chất nông dân. Làm việc kiếm sống nhưng với bố nó cũng chẳng khác nào một thú vui, bố tìm thấy niềm vui của sự vất vả. Vậy nên bố luôn cười dù giọt mồ hôi túa ra trên trán, trên cổ đang lăn dài trên làn da dạn dày sương gió.
Nếu còn ở nhà, chắc chắn tôi sẽ lon ton, mè nheo đòi đi theo bố. Mẹ sẽ mắng tôi hư, đi nguy hiểm vì đường đồng trơn trượt. Rồi bố sẽ nói cho nó đi, đi để biết sự đời. Lon ton chạy theo bước chân dài của bố, tôi thích lắm. Cái bóng cao lớn và vết bàn chân in lại trên đoạn đường đất khiến tôi từng nghĩ rằng bố giống như người khổng lồ trong phim hoạt hình có sức mạnh vô địch.
Bố đánh cá điệu nghệ tới mức tôi còn tưởng cả thế giới chỉ có bố làm giỏi như thế. Đặt đọ vào những nơi cố định, bố tiếp tục khoác bình điện đi dọc con mương và rãnh nước để kích điện đánh cá. Đôi tay bố hạ hai chiếc vợt lưới từ từ dò vào lòng mương, bình điện hoạt động kêu è è, âm thanh ấy in sâu trong tâm trí tôi. Một con cá riếc mắc điện tê liệt nổi lều phều trên mặt nước. Bố lập tức dừng dòng điện rồi lựa cá vào lưới hất lên không trung, tay kia lập tức giơ chiếc rọ ra hứng lấy con cá. Con cá nằm lọt gọn trong rọ rồi mới tỉnh điện nhảy lên tanh tách. Cứ thế, bố làm nhuần nhuyễn, thuần thục và uyển chuyển vô cùng. Tôi đã từng rất thần tượng bố.
Giờ đây học bán trú, cuối tuần tôi mới về thăm nhà. Chưa quen môi trường mới, thiếu vắng người thân chăm sóc, tôi đâm ra nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ những ngày theo bố đi làm tha thiết. Cơn mưa xối mạnh khiến tôi thấy tự ái, tổn thương một chút. Tôi mở cuốn sách ra – cuốn sách “Nhật kí của Mèo Mốc” bố tặng tôi hôm trước khi nhập học ở đây. Tôi đọc từng câu chuyện nhỏ, tôi tự hỏi Mèo Mốc có nhớ ba mẹ nó hay không?
Bố thân yêu của tôi, tôi nhớ và yêu bố nhiều lắm. Ước gì lúc này tôi được về bên bố được nghe tiếng cười sảng khoái và được thấy đôi mắt hấp háy của bố. Cuối tuần này về nhà, tôi sẽ ôm bố một cái thật lâu.
Hoài Lê