Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ


Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

(Tố Hữu – Từ ấy)

Gợi ý làm bài

1. Mở bài

– Từ ấy, tên bài thơ, cũng là tên tập thơ đầu tay của Tố Hữu, là tiếng hát tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc của người thanh niên vốn giàu khát khao, giàu mơ ước lại gặp được ánh sáng của lí tưởng cách mạng, của chủ nghĩa cộng sản.

– Những câu thơ mở đầu bài thơ Từ ấy như một tiếng reo ca thể hiện niềm hạnh phúc ngập tràn khi người thanh niên trẻ tuổi bắt gặp ánh sáng lí tưởng của đời mình.

2. Thân bài

Có thể trình bày những cảm, nhận riêng của cá nhân về bốn câu thơ, song cần nêu được một số ý cơ bản sau:

– Đây là đoạn thơ mở đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. Hai chữ "từ ấy" mở đầu đoạn thơ như một điểm nhấn của cảm xúc, một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ Ca của Tố Hữu.

– Cảm nhận về sức mạnh và tác động diệu kì của ánh sáng lí tưởng đối với cuộc đời nhà thơ: một loạt từ ngữ mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng, có giá trị gợi tả và biểu cảm mạnh mẽ (bừng nắng hạ, chói qua tim, mặt trời chân lí), thể hiện cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi đón nhận lí tưởng cách mạng. Ánh sáng của lí tưởng cộng sản là một nguồn sáng vĩ đại, tác động mạnh mẽ không chỉ tới lí trí mà cả trái tim của nhà thơ. Khoảnh khắc ấy, giây phút ấy, thiêng liêng và hạnh phúc vô ngần, đã choán ngợp cả con tim và khối óc của chàng trai trẻ.

>> Xem thêm:  Đoạn văn tả con đường đi học hay nhất

– Niềm hạnh phúc được thể hiện cụ thể qua những hình ảnh, hương sắc, thanh âm (Hồn tôi là một vườn hoa lá -Rất đậm hương và rộn tiếng chim). Nghệ thuật so sánh, hình ảnh thơ tươi sáng, giọng thơ sảng khoái, say mê, nhịp thơ dồn dập, hăm hở đã tô đậm niềm vui lớn của Tố Hữu khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

– Đoạn thơ thể hiện hình ảnh một "cái tôi" trẻ trung, sôi nổi, say đắm với cảm hứng lãng mạn tràn đẩy. Có thể so sánh với những vần thơ ảo não "Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời" của Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,… lúc bấy giờ để thấy tác động diệu kì của ánh sáng lí tưởng cộng sản đối với cuộc đời và thơ ca Tố Hữu.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận, ấn tượng, bài học mà đoạn thơ mang lại cho cá nhân.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan