Cảm nhận của em về bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Bài làm
“Đất nước tôi thon tha giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi
Hai lần khóc thầm lặng lẽ…”
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng một lần nghe và không khỏi xúc động trước những lời tự tình ngọt ngào trong bài hát “Đất nước” của Tạ Hữu Yên. Theo suốt chiều dài lịch sử, đất nước đã trở thành nhịp cầu bắt nối trái tim bao thi sĩ để làm nên những vần thơ tuyệt đẹp cho đời. Thi phẩm “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bài thơ hay nhất về đất nước.
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm ảnh hưởng từ mảnh đất Thừa Thiên Huế nên vừa sâu kín vừa loáng thoáng chút mơ hồ bí ẩn và đằm sâu chất dân gian. Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trữ tình – chính luận do chất suy tư, cảm hứng lắng đọng và mang tính trí tuệ sắc sảo.
Bài thơ “Đất Nước” thuộc thể loại trường ca, có cốt truyện và giàu chất tự sự. Bài thơ thuộc chường V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, ra đời với nhiệm vụ thức tỉnh trí thức, thanh niên Sài Gòn tách khỏi lối sống thực dụng và tư tưởng nô dịch đế quốc đồng thời cổ vũ chiến trường nóng bỏng Bình – Trị – Thiên năm 1971. Bài thơ “Đất Nước” gồm hai nội dung chính đó là những cảm nhận mới mẻ về đất nước của tác giả và tư tưởng đất nước của nhân dân.
Cảm nhận của em về bài thơ Đất Nước
Khi cảm nhận về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cách định nghĩa đất nước qua nguồn gốc, từ đó trả lời câu hỏi “Đất nước có từ bao giờ?”.
Đó là một đất nước lâu đời, từ trong những câu chuyện dân gian:
“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xưa mẹ thường hay kể”
Tác giả như muốn khẳng định một sự thật rằng đất nước tồn tại rất hiển nhiên như những trầm tích văn hóa.
Đất nước còn là những gì gần gũi, quen thuộc, thậm chí rất thiêng liêng:
“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
Miếng trầu phải chăng là điểm đến để nhà thơ tìm cuội nguồn xa xưa của đất nước?
Đất nước có từ bao giờ đây? Theo nhà thơ, đất nước gắn với truyền thống tinh thần dân tộc. Đó là truyền thống đánh giặc giữ nước:
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Đó là truyền thống ân nghĩa thủy chung:
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
Đó là truyền thống lao động sản xuất:
“Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng…”
Tác giả còn mong muốn trả lời câu hỏi: Đất Nước là gì? Trên hành trình giải đáp, Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận đất nước gắn với nhiều phương diện.
Gắn với không gian địa lí, đất nước vừa gần vừa xa xôi, vừa nhỏ bé lại vừa trải dài bao la. Khi thân thuộc thân thuộc như “nơi anh đến trường”, “nơi em tắm”, “chiếc khăn”, “nỗi nhớ thầm”… khi mênh mông trời bể theo chiều dài và rộng của cánh chim “bay về hòn núi bạc” và cá ngư ông “móng nước biển khơi” và hội tụ tuyệt đối trong “những ai đã khuất – những ai bây giờ”.
Theo phương diện lịch sử:
“Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…”
Tác giả dựa vào truyền thuyết về nguồn gốc nguyên thủy của loài người để khẳng định dân tộc ta là dân tộc con rồng cháu tiên cao quý và là anh em một nhà nên phải tự hào và gắn kết với nhau.
Từ đó, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định trách nhiệm của chúng ta:
“Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình sứ xở”
Từ “phải biết” vừa như mệnh lệnh vừa như lời dặn dò tha thiết của tác giả với mỗi thế hệ chúng ta.
Sang phần sau của tác phẩm, tư tưởng đất nước của nhân dân cũng được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận qua nhiều chiều. Trước hết, đất nước là sự kết tinh tâm hồn tình cảm của nhân dân qua cái nhìn mới mẻ trong chiều sâu địa lí:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước mình núi Vong Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên Hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp sức mình dựng đất tổ Hùng Vương”
Một vài câu trích trên đây đủ cho thấy vai trò sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đất nước. Bằng tình nghĩa, tâm hồn, thân xác… của người vợ, người chồng, người học trò nghèo, ông Đốc… của con rồng, con cóc, con gà, con voi… tưởng chừng nhỏ bé, vô nghĩa lại in đậm trong bóng hình đất nước. Bút pháp điển hình hóa của tác giả rất có giá trị.
Trong phương diện lịch sử, đất nước do nhân dân chiến đấu và bảo vệ:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”
Những cặp từ đi liền nhau sống – chết, giản dị – bình tâm cùng nội dung biểu đạt đã cho thấy phẩm chất anh hùng của con người.
Ở chiều sâu văn hóa, đất nước do nhân dân gìn giữ và lưu truyền:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái”
Điệp từ “họ” lặp lại đầu câu thơ nhấn mạnh vai trò của con người khi đã để lại mọi giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp cho người Việt. Đất nước tựa như cuộc chạy dài tiếp sức không mệt mỏi, mỗi thế hệ chạy một quãng đường rồi trao lại cho thế hệ tiếp theo, cứ như thế đất nước hình thành và phát triển bền vững từ công lao của những người vô danh.
Có thể coi bài thơ “Đất Nước” giống như một bài tùy bút mà Nguyễn Khoa Điềm đã huy động cả một kho tàng tri thức phong phú mang tính tổng hợp, chất liệu dân gian được sử dụng nhuần nhuyễn sáng tạo qua đó bộc lộ tư tưởng, thái độ trân trọng đất nước và thức tỉnh thế hệ trẻ xuống đường cứu nước.
Hoài Lê