Cảm nhận của em về đoạn trích Trao Duyên (Truyện Kiều) của Nguyễn Du


Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn trích “Trao duyên” trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Bài làm

Duyện phận vốn được trời định sẵn, con người luôn tin rằng như vậy. Thế nhưng, đã có kẻ tước đoạt quyền năng của trời để quyết định duyên phận chính mình và duyên phận kẻ khác – Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Thông qua đoạn trích “Trao duyên” trích từ tác phẩm này, Nguyễn Du đã tái hiện một cuộc “trao duyên” kì lạ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.

Đoạn trích “Trao duyên” nằm trong phần thứ II có tên “Gia biến và lưu lạc” trong “Truyện Kiều”, là sự khởi đầu cho 15 năm bi kịch của đời Kiều.

Đoạn thơ bắt đầu bằng lời kẽ và hành động kì lạ của Thúy Kiều với em gái Thúy Vân. Kiều tìm cách thuyết phục, nhờ cậy Thúy Vân tiếp nhận lời cầu khẩn của mình bằng những lí lẽ rất sắc sảo và thái độ trịnh trọng:

 “Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

Những hành động như “cậy”, “lạy”, “thưa” thông thường chỉ áp dụng khi bề dưới kính cẩn trước bề trên. Nay, Kiều lấy thái độ đấy để ứng xử với chính em gái ruột. Điều này cho thấy tầm quan trọng và nghiêm túc trong lời nhờ cậy.

Đó là gì? Đó là vì “đứt gánh tương tư” nên mong Vân “chắp mối tơ thừa” giúp Kiều. Hình ảnh này gợi lại sự kiện gia đình Kiều gặp đại họa lúc đó. Trong khi đó người tình của Thúy Kiều là Kim Trọng đang gấp rút về quê làm tang mẹ, không rõ sự tình. Từ “đứt” diễn tả toàn bộ sự tan vỡ, chia cắt trong bàng hoàng, xót xa của Kiều. Lúc này Kiều phải bán mình chuộc cha, do đó mong Vân giúp Kiều trả nợ duyên tình cho Kim Trọng bằng cách tiếp mối duyên phận này giúp nàng.

>> Xem thêm:  Kể lại câu chuyện tưởng tượng về cô Tấm đang ở nhà bà hàng nước, nhớ nhà, nhớ vua, mong được đoàn tụ- Văn 10

cam nhan cua em ve doan trich trao duyen truyen kieu cua nguyen du - Cảm nhận của em về đoạn trích Trao Duyên (Truyện Kiều) của Nguyễn Du

Cảm nhận của em về đoạn trích Trao Duyên

Lời nhờ cậy oan trái này làm sao Vân nhận đây? Kiều phải dùng nhiều lí lẽ để thuyết phục. Đó là “Hiều tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?” và “Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ, thay lời nước non”. Kiều lấy lí do vì làm tròn chứ hiếu mà Kiều bất đắc dĩ phải như vậy. Và Vân cần giúp Kiều vì chúng ta có chung “tình máu mủ”. Tuổi xuân của Vân còn dài, trái lại tính mạng Kiều lúc nào cũng treo lơ lửng, không biết đến ngày mai, vậy nên Vân chính là người duy nhất có thể giúp Kiều. Với lí lẽ ấy, Vân có đồng ý hay không?

Toàn bộ cuộc trao duyên diễn ra độc lời lẽ của Kiều. Sự im lặng của Vân không đồng nghĩa với nhận lời nhưng nó chứng tỏ lí lẽ của Kiều sắc sảo tới mức Vân không thể từ chối.

Tiếp theo, Kiều tiến hành trao kỉ vật cho Vân kèm vài lời dặn dò. Kiều lần lượt trao cho Vân kỉ vật khi xưa nàng và Kim Trọng đã có với nhau đó là “thoa” và “tờ mây”:

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung”

Bốn chữ “vật này của chung” đã bộc lộ toàn bộ tâm tư trong lòng Kiều. Đó là sự tiếc nuối. Kiều tiếc nuối một mối duyên đẹp tới mức cũng muốn được ích kỉ giữ riêng chút gì đó cho mình.

>> Xem thêm:  Phân tích thái độ nhân vật Huấn Cao

Những lời dặn dò của Kiều cũng chất chứa những luyến lưu:

“Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!”

Kiều vẽ ra tương lai của Vân với hình ảnh tốt đẹp “nên vợ nên chồng” để rồi tự hình dung ra viễn cảnh cuộc đời mình đầy oan trái, tang thương như “mất người”, “hương”, “hồn”, “nát”, “khuất”, “cách”, “thác oan”… Vậy mà Kiều vẫn mong Vân “xót người mệnh bạc”, xót thương cho oan hồn nếu không may một ngày Kiều ra đi trong uất ức. Kiều chết đi nhưng vẫn mong người còn sống hãy nhớ đến Kiều mà xót thương cho Kiều. Cảm giác Kiều cố mong mỏi xen lẫn trong cuộc sống hạnh phúc của Kim – Vân chính là tâm sự rất thật, rất lo-gic mà Nguyễn Du đọc được trong nội tâm nhân vật.

Cuối cùng, Nguyễn Du mặc sức cho Kiều bộc bạch. Lời độc thoại nội tâm của Kiều cuối bài thơ cho thấy trái tim Kiều thực sự đã tan nát theo mỗi tình đã từng rất đẹp:

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Nếu như ở đầu bài thơ, Kiều ý thức được mối duyên tình đẹp đã “đứt”, đã chia đôi thì nay thực sự đã vỡ “tan” cả rồi. Hành động “gửi lạy” Kim Trọng là sự hổ thẹn và xin lỗi chân thành vì đã phụ tình người yêu. Từ trách mình, Kiều trách đời, trách thân phận “bạc như vôi” của người phụ nữ, trách quy luật “nước chảy hoa trôi” ở đời. Đời Kiều khác nào một bông hoa phải chịu cho dòng nước bạc bẽo cuốn trôi đi xa mãi về nơi chín suối cô liêu. Lời than “ôi”, “hỡi” khép lại bản tình ca buồn về một kẻ buộc phải trở thành người “phụ tình”, ích kỉ.

>> Xem thêm:  Phân tích bài ca dao: Làng ta phong cảnh hữu tình

Tóm lại, đoạn trích “Trao duyên” của Nguyễn Du vừa mang những đặc sắc nghệ thuật chung của tác phẩm “Truyện Kiều” như xây dựng thể thơ; ngôn từ độc đáo, giàu sức biều đạt; giọng thơ đa dạng… thì đoạn thơ còn thành công trong việc xây dựng diễn biến nội tâm nhân vật cũng như lí lẽ logic, sắc sảo. Thông qua đoạn trích này, độc giả có thể cảm nhận được tài năng, phong cách cũng như tâm hồn vô cùng nhân văn, nhân đạo của Nguyễn Du.

Cuộc “trao duyên” trong “Truyện Kiều” sẽ còn lấy đi nước mắt của nhiều thế hệ độc giả yêu thơ hôm nay và mãi mãi về sau.

Hoài Lê

Bài viết liên quan