Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi
Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.
Bài làm
“Quốc âm thi tập” là một trong những tập thơ Nôm đặc sắc nhất trong sự nghiệp thơ ca Nguyễn Trãi nói riêng và nền văn học chữ Nôm nói chung. Trong đó, bài “Cảnh ngày hè” khá tiêu biểu:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nguyễn Trãi là một con người tài hoa trong sáng tác văn học nghệ thuật cũng là một vị quan văn nổi tiếng trong lich sử nước ta. Nguyễn Trãi làm quan qua nhiều triều đại, chứng kiến không ít những tang thương của dân chúng và biến cố đảo điên của thời thế. Có những lúc bất lực, Nguyễn Trãi đành buông bỏ chốn quan trường để sống gần gũi với thiên nhiên. Bài thơ “Cảnh ngày hè” ra đời trong hoàn cảnh đó, thay Nguyễn Trãi nói lên tiếng lòng tha thiết với thiên nhiên và thương cảm cho chính bản thân mình cũng như tình cảnh đói khổ của nhân dân bấy giờ.
Bài thơ bắt đầu với tâm thế rất “ngày hè”:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Với những người cảm được và yêu mến thơ ca Nguyễn Trãi có lẽ sẽ không bất ngờ mấy khi bắt gặp một câu thơ 6 chữ trong một bài thơ thất ngôn của Nguyễn Trãi. Bởi lẽ, đây là phong cách thường thấy trong “Quốc âm thi tập” cũng là cách để Nguyễn Trãi phá cách quy luật Đường thi quen thuộc.
Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè
Nguyễn Trãi dùng từ “hóng mát” để miêu tả trạng thái của nhân vật trữ tình lúc bấy giờ. Đây là hình ảnh rất quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam vào mùa hè. Các cụ già thường ngồi hóng gió dưới lũy tre làng, vô cùng thanh bình, yên ả. Tâm trạng con người vô lo vô nghĩ, tận hưởng khí trời. Kết hợp với đó là “ngày trường” tức là ngày dài không dứt. Từ “rồi” xuất hiện đầu bài thơ như để dẫn ra vế sau của đời người. Vế trước là công việc nước, việc triều đình. Có lẽ thi nhân đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Vế sau là cuộc đời nhàn tản, vui vẻ với thiên nhiên.
Câu thơ lục ngôn như đường dẫn chậm rãi mở ra không gian mùa hè tươi mới:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Tác giả đã sử dụng cả thị giác và thính giác để cảm nhận bức tranh mùa hè sinh động. Cái giác quan “xanh rờn” của thi sĩ bắt gặp ba gam màu: xanh, đỏ và hồng; bắt gặp ba động thái: đùn đùn, phun và tiễn. Ta có thể thấy màu xanh của lá hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của cánh sen nhưng làm sao có thể nhìn thấy được sự gia tăng về kích cỡ và số lượng của chúng? Ấy vậy mà thi nhân lại nhìn được những cành lá hòe “lớn nhanh như thổi”, từ ngọn cây “đùn” ra hàng ngàn chất diệp lục khiến không gian như rợp màu xanh. Tiếp, bông hoa lựu nở nhanh tới mức cứ như là ngọn núi phun trào chất đỏ túa ra không gian. Còn sen, thi nhân nhìn được cả hương sen đang lan tỏa khắp mọi nơi nhưng chậm rãi vô cùng tựa đang lưu luyến tiễn biệt đài sen. Sự tinh nhạy trong quan sát và sự sâu sắc trong cảm nhận đã tạo ra một bức tranh hè đang chuyển động ngầm. Tuy vậy, đây vốn là bút pháp lấy động tả tĩnh, càng nhận thấy được những biến thái tinh vi của cảnh vật càng chứng tỏ rằng thi nhân đang vô cùng cô đơn, không gian vô cùng yên tĩnh.
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Bút pháp lấy động tả tĩnh tiếp tục được thi nhân sử dụng để làm nổi bật lên tậm trạng của mình – sự cô đơn, lạc lõng.
Ở đây, Nguyễn Trãi dùng âm thanh của chợ cá để thể hiện. Rõ ràng biết là chợ cá – nơi đông đúc, ồn ào, huyên náo nhưng lại đứng sau tính từ chỉ âm thanh “lao xao”. Nó là thứ âm thanh từ xa vọng lại, không rõ rệt, cũng rất khó xác định. Như vậy, Nguyễn Trãi đang ở một nơi tuyệt đối thiếu vắng hơi thở con người.
Từ “chợ cá” rất thuần Việt, lại đi kèm với từ “làng ngư phủ” rất Hán Việt khiến cho tứ thơ vừa quen vừa lạ. Mặt khác, hình ảnh chợ cá này được lặp lại giống như để biểu tượng cho xa hội lúc bấy giờ vô cùng loạn lạc, nhiễu nhương. Nếu liên tưởng như vậy thì tiếng ve ở lầu tịch dương kia chắc hẳn là thi nhân. Thi nhân tự thấy mình như tiếng ve cô độc nơi đây cố gắng át đi tiếng lao xao của xã hội ngoài kia, cố “dắng dỏi” mà ca khúc ca riêng của mình. Thật có khác nào một mình Nguyễn Trãi một mình đấu tranh với cả chế độ bảo hộ cho lũ quan lại tham lam, độc đoán. Khúc đàn Ngu cầm (“Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề” – “Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của”) thuở xưa vua Nghiêu Thuấn tấu lên ngợi ca thiên thời thái bình thịnh trị ấy bao giờ Nguyễn Trãi mới được đánh một khúc đây? Dân bao giờ mới no đủ, yên ấm đây. Câu hỏi tu từ cuối bài chính là lòng nhân đạo và thương dân sâu sắc của Nguyễn Trãi.
Tóm lại, bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi không chỉ dừng lại ở miêu tả bức tranh ngày hè đơn thuần mà còn là tiếng lòng tha thiết của thi nhân lên án chế độ xã hội và thương sầu cho nỗi khổ của dân. Bài thơ là nước mắt xót xa mà cả đời Nguyễn Trãi không ngừng nhỏ xuống vì nỗi đau của người khác.
Hoài Lê