Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của thi sĩ tài hoa Quang Dũng


Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng

Bài làm

Nếu ví thơ ca kháng chiến là đống thóc mẩy vàng của một vụ mùa bội thu thì mảnh đất gieo trồng nên nó lại là máu, mồ hôi và nước mắt của cả dân tộc. Chính trên mảnh đất ấy, Quang Dũng đã ươm mầm cho “Tây Tiến” nảy nở.

Quang Dũng (1921-1988) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Quang Dũng vừa là người lính vừa là nghệ sĩ đa tài với nội tâm hết sức phóng khoáng, hồn hậu và cái tôi thanh lịch, hào hoa.

Bài thơ “Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp và của sự nghiệp thơ Quang Dũng. Trong bài thơ, Quang Dũng đã xây dựng lên hình tượng người lính Tây Tiến không chỉ oai hùng, kiêu dũng mà còn có một tâm hồn rất mực hào hoa, lãng mạn bên cạnh một bức tranh thiên nhiên cũng không kém phần ảo mộng, hùng vĩ.

Quang Dũng bắt đầu “Tây Tiến” bằng tiếng gọi vang vọng khắp núi rừng mênh mông, dàn trải trên cánh hoa rừng và ôm trùm lên thung lũng phiêu du:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Hai câu thơ đầu mang nỗi nhớ da diết, chơi vơi về Tây Tiến đồng thời nhắc lại hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Đó là vào một ngày xuân mưa lay phay trên đỉnh Phù Lưu Chanh năm 1948, Quang Dũng trước bức tranh thiên nhiên rộng lớn chợt xúc động khi nghĩ về những ngày cuối năm 1947 khi được tham gia hoạt động trong binh đoàn Tây Tiến. Con đường hành quân dọc con sông Mã chảy ngược dòng cùng cái tên gọi chung “Tây Tiến” đã trở thành kí ức sâu đậm trong lòng tác giả.

Cách gọi “Tây Tiến ơi” kết hợp với từ “chơi vơi” và điệp ngữ “nhớ” tạo nên aamm hưởng thiết tha và giọng điệu trữ tình cho câu thơ.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh chị về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca

cam nhan ve bai tho tay tien cua thi si tai hoa quang dung - Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của thi sĩ tài hoa Quang Dũng

Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến

Quang Dũng tiếp tục bày tỏ nỗi nhớ về con đường hành quân trong 6 câu thơ tiếp:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Nỗi nhớ về con đường hành quân được thể hiện qua thao tác liệt kê các địa danh Sài Khao (Sơn La), Mường Lát (Hòa Bình), Pha Luông (Sơn La), Mường Hịch (Hào Bình), Mai Châu (Hòa Bình) đều là những địa danh có thật của những vùng đất xa xôi, hoang dại nhưng thân thương, mộc mạc. Hình ảnh “Sài Khao sương lấp” lãng mạn nên thơ đi liền với hình ảnh rất hiện thực là “đoàn quân mỏi” đã cho thấy cảm hứng bi tráng nổi bật trong bài thơ.

Quang Dũng đã dùng những câu thơ đa số là thanh trắc để diễn tả độ dốc của đường núi và hơi thở dồn dập của người lính. Điệp từ “dốc” và tính từ “thăm thẳm”, “khúc khuỷu” thể hiện sự gập ghềnh, hiểm trở và cao lên vô tận. Hiện thực quả là khắc nghiệt nhưng được tác giả cảm nhận rất lãng mạn, đặc biệt là “súng ngửi trời”. Cách nói “súng ngửi trời” thay vì “súng chạm trời” đã cho thấy vóc dáng vừa tếu táo, vừa tinh nghịch, vô cùng ngang tàn của những người lính Tây Tiến.

Tiếp theo, Quang Dũng tập trung khắc họa hình ảnh người lính bi tráng trên đường hành quân trong 6 câu thơ tiếp:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

 

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Chân dung người lính hiện lên thông qua các từ “dãi dầu”, “gục”, “không bước nữa”, “bỏ quên đời” nghe rất nhẹ, rất bình thản nhưng đều diễn tả cái chết, sự hi sinh. Kết hợp với đó là không gian mở của “chiều chiều” và “đêm đêm” có tiếng thác gầm và cọp rống đã cho thấy hiện thực đau thương, nghiệt ngã.

>> Xem thêm:  Vẻ đẹp lãng mạn và tính chất bi tráng của hình tượng người lính Tây tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng

Đan xen với hiện thực khắc nghiệt là cảm hứng lãng mạn “nhớ ôi”. Những hình ảnh thân thương, gần gũi như khói bếp, cơm nếp mới, người em gái thôn sơn gợi về những mùa hoài niệm, bản làng xa xôi tạo chất lắng đọng bay bổng, sưởi ấm không gian.

Trong 8 câu thơ tiếp theo, một bức tranh thiên nhiên Tây Tiến mĩ lệ, thơ mộng và con người duyên dáng, hào hoa:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Đêm liên hoan văn nghệ giống như lễ hội hoa đăng với hình ảnh “bừng lên” và “hội đuốc hoa” tạo cảm giác vừa bất ngờ, vừa lung linh, vui nhộn. Nhân vật “em” xuất hiện trong bộ xiêm y lộng lẫy cùng điệu khèn man mác trở thành hình ảnh trung tâm trong bức tranh. Em có thể là người con gái trong bản cũng có thể là do chính các chiến sĩ hài hước giả trang. Điều này cho thấy những chiến sĩ Hà thành vô cùng hào hoa, tinh tế.

Bức tranh chiều sương thi vị đọng lại trong màu sắc cổ điển của thuyền độc mộc và hoa lau. Hiện thực là sông nước còn ảo mộng là sương khói. Hiện thực là con người trên thuyền và ảo mộng là bóng hoa đong đưa trong dòng nước. Cảnh và người tình tứ, đồng điệu đến say mê. Do đó, bức tranh thiên nhiên hoang dại mà cuốn hút kì lạ.

Quang Dũng xây dựng bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến vô danh:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 

>> Xem thêm:  Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Dáng vẻ người lính rất khác thường: “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng”. Phải sống nơi núi rừng rừng thiêng nước độc, núi cao, sông sâu, thú dữ… vô cùng gian khổ lại vừa phải đối mặt với kẻ thù và bệnh sốt rét rừng nhưng vượt lên tất cả họ vẫn giữ cho mình một tâm hồn mơ mộng và ý chí quyết bảo vệ Tổ quốc.

Tư thế lên đường vì lí tưởng bao bọc bởi cảm xúc lãng mạn và bi tráng. Trước mắt người đọc, cái chết hiện hữu trên những nấm mồ nơi viễn xứ xa xôi, cô liêu, hiu hắt. Thế nhưng, đôi cánh của lí tưởng đã nâng bước người lính tiến về phía trước thật ngạo nghễ – “chẳng tiếc”. Những từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ”, “áo bào”, “độc hành” gợi dáng hình của những chiến sĩ bình Nguyên thời loạn sẵn sàng hi sinh nơi sa trường. Nhờ đó, bức tượng đài vô danh Tây Tiến mang tầm vóc sử thi.

Cuối cùng, Quang Dũng kết thúc bài thơ bằng lời hẹn ước:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

Đoạn thơ tựa như một lời thề của các chiến sĩ vệ quốc quân cùng với quyết tâm “nhất khứ bất phục hoàn” của tác giả. Từ đó, người lính thực sự đã bất tử. Đau thương mà không bi lụy, mất mát mà vẫn giữ trọn lời thề.

Bài thơ “Tây Tiến” với sự kết hợp giữa chất lãng mạn và bi tráng, hình ảnh thơ đa nghĩa, ngôn từ súc tích đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên đa dạng miền Tây và bức tượng đài người lính hào hùng, hào hoa.

Hoài Lê

Bài viết liên quan