Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ của Tú Xương


Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Thương Vợ” của Tú Xương – Trần Tế Xương

Bài làm

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa được phản ánh trong các tác phẩm văn học đã lấy đi không ít nước mắt và lòng thương cảm của người đời. Thi phẩm “Thương vợ” của Tú Xương là một trong số những tác phẩm khá ấn tượng đối với em. Bài thơ xây dựng lên chân dung một người phụ nữ, người mẹ và người vợ đảm đang, chịu khó, giàu đức hi sinh để từ đó tác giả ngợi ca, bênh vực người phụ nữ và lên án chế độ xã hội bấy giờ:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Tú Xương hay Trần Tế Xương (1870-1907), người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tú Xương vốn là người hiếu học, có chí lớn, bền bỉ theo con đường công danh. Tuy nhiên, sự đời ngang trái, Tú Xương ứng thí 8 lần chỉ đỗ được tú tài. Chán nản với con đường công danh, Tú Xương trở về mở lớp dạy học và sáng tác thơ ca.

Bài thơ “Thương vợ” xoay quanh cuộc sống chuân chuyên, bấp bênh, cực khổ của bà Tú – vợ Tú Xương khi phải gánh vác trên mình mối lo cơm áo gạo tiền của cả gia đình. Mặt khác, thông qua đó Tú Xương đã bày tỏ bất bình của xã hội và thân phận người phụ nữ cũng như thể hiện nỗi hổ thẹn của nhà thơ khi bất lực trước tình cảnh đó.

>> Xem thêm:  Phân tích câu ca dao: Làm trai cho đáng sức trai... lớp 10 hay nhất

Bà Tú được miêu tả chân dung thông qua công việc kiếm sống trong 4 câu thơ đầu tiên:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Ở đây, bà Tú như rơi vào vòng xoáy của công việc. Ta không thấy một người phụ nữ đẹp, cũng chẳng có một dáng hình thục nữ hay đằm thắm. Điều ta thấy là cái bóng đen chới với của người phụ nữ trong hai không gian đối lấp.

cam nhan ve bai tho thuong vo cua tu xuong - Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ của Tú Xương

Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ

Cái bóng đen chới với ấy được thể hiện trong nền không gian “mom sông”, “quãng vắng” và “mặt nước”. Đây đều là những nơi đầu sóng ngọn gió, ba bề bốn bên là nước vây bủa, dễ dàng sa chân ngã bất cứ khi nào.

Về thời gian, đó là vòng tuần hoàn “quanh năm” không bao giờ dứt. Một vòng tuần hoàn của đêm sang ngày, ngày về đêm, đêm lại sang ngày cứ như thế suốt năm suốt đời. Tác giả không nói ban ngày nhưng “buổi đò đông” đã cho ta thấy một sáng sớm đông đúc, lao nhao. Tác giả không nhắc ban đêm nhưng lại thấy một “thân cò” đang “lặn lội” kiếm ăn khác nào cánh cò trong ca dao xưa:

“Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Công việc của bà Tú là “buôn bán” – một nơi có đủ mọi loại người, rất phức tạp và bọn chen. Nó không hề hợp với người phụ nữ vốn “con nhà dòng” như bà Tú. Ấy vậy mà bà Tú giỏi quá! Bằng công việc ấy bà Tú đã “nuôi đủ”, nuôi không thừa cũng không thiếu cả gia đình. Điểm kì lạ là ở chỗ người ta thì kiếm tiền nuôi con, bà Tú đã nuôi 5 đứa con lại còn đèo bòng thêm ông chồng. Điểm kì lạ hơn nữa là người ta đếm mớ rau, bát cơm, bát gạo… chứ ai lại đi đếm con, thậm chí còn đếm cả chồng. Do vậy, trong suy nghĩ của ông Tú, bản thân giống như một gánh nợ đời mà gánh nợ còn nặng bằng cả 5 đứa con. Điều này thể hiện qua việc tác giả đặt thế đối xứng giữa 5 con và 1 chồng thông qua từ “với”. Những từ láy tượng thanh “lặn lội”, “eo sèo” thể hiện nỗi cực khổ, nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh khó khăn của người phụ nữ.

>> Xem thêm:  Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vân. Em hãy viết văn bản kể lại câu chuyện đó theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba (mở rộng truyện Chuyện ngươi con gái Nam xương của Nguyễn Dữ)

Bốn câu thơ sau, Tú Xương mượn tiếng chửi thói đời để thay bà Tú giải tỏa nỗi bất bình, oan ức mà bản thân phải chịu. Qua đó, tấm lòng nhân ái, bao dung, giàu đức hi sinh của bà Tú được thể hiện sâu sắc:

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Đoạn thơ vận dụng thi liệu dân gian rất linh hoạt tạo nên cảm giác vừa quen thuộc vừa mới lạ. Ta bắt gặp âm hưởng của nhiều câu ca dao, dân ca:

“Một duyên, hai nợ, ba tình,

Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh.”

“Hai sương một nắng”

“Lưu ly nửa nước nửa dầu,

Nỗi lo phận bạc, nỗi sầu duyên đơn.”

Tác giả đã để cho nỗi vất vả của bà Tú nhân lên gấp đôi khi dùng cặp số từ một – hai và năm – mười cho “mưa”, “nắng”, “duyên” và “nợ”. Đối lập với nỗi vất vả ấy, bà Tú lại chọn cách chấp nhận rất chân thành “âu đành”, “dám quản”. Điều này cho thấy bà Tú là người biết nhẫn nhịn và hi sinh. Thể hiện điều này, đồng thời Tú Xương cũng bày tỏ nỗi xấu hổ, trăn trở khi bản thân không giúp ích được cho bà Tú ngược lại còn trở thành gánh nặng.

Tiếng chửi thề “cha mẹ thói đời” là cách để Tú Xương thay bà Tú kêu lời bất bình. Nỗi vất vả này không biết phải trách ai, chỉ biết trách thói đời. “Thói đời” là biểu tượng cho chế độ xã hội bấy giờ nhiễu nhương, suy đồi khiến con người lao vào cuộc chiến mưu sinh và dần bị biến chất. “Thói đời” ấy còn là chính ông Tú khi sống như một ông chồng “hờ”, có chỉ để danh nghĩa còn thực tế thì “như không”.

>> Xem thêm:  Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở môt mình rồi tự vẫn

Tóm lại, bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương rất thành công về nghệ thuật khi sử dụng ngôn ngữ nhân dân nhưng có nhiều sáng tạo mới lạ tạo nên nét hấp dẫn đồng thời cách xây dựng tứ thơ và giọng thơ rất thú vị, mang màu sắc châm biếm. Bài thơ đã góp phần làm đẹp hơn vẻ đẹp người phụ nữ cũng như có giá trị phê phán sâu sắc. Tấm lòng trăn trở, lo âu của Tú Xương cũng được giãi bày.

Hoài Lê

Bài viết liên quan