Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (dàn ý và bài làm chi tiết)


Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

I, Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, phạm vi phân tích

1, Tác giả:

– Là lá cờ đầu của phong trào thơ ca Cách Mạng Việt Nam

– Các sáng tác của ông luôn gắn liền với sự nghiệp Cách Mạng

– Là nhà thơ trữ tình chính trị,

– Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc

2, Tác phẩm:

-Bài thơ “Từ ấy” rút từ phần “Máu lửa” trong tập thơ cùng tên “Từ ấy”.  “Từ ấy” là tập thơ đầu tay của Tố Hữu, tập hợp những sáng tác của ông từ năm 1937 đến năm 1946

3, Nội dung phân tích: bài thơ là khúc hát say mê, hứng khởi của người chiến sĩ trẻ tuổi khi bắt gặp lý tưởng cộng sản

II, Thân bài:

1, Khái quát:

– Hoàn cảnh sáng tác: tháng 7 năm 1938, ra đời nhân một sự kiện có ý nghĩ quan trọng với nhà thơ. Đó là khi Tố Hữu được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản.

2, Phân tích:

a, Khổ 1: Tâm trạng vui sướng của nhân vật trữ tình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản (trích thơ)

-Thời điểm “Từ ấy”: là khi Tố Hữu được giác ngộ Cách Mạng, được dẫn dắt vào con đường giải phóng dân tộc

– Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lý”: thể hiện niềm vui khi tìm thấy lẽ sống cao đẹp cho cuộc đời trong buổi đầu đến với Cách Mạng

– Những từ ngữ “chói”, “bừng”, “rộn”, “rất đậm” khẳng định lý tưởng cộng sản mở ra cho thế giới tâm hồn một nhận thức mới khiến tâm hồn vui tươi phơi phới

=> Khổ thơ là tiếng reo vui đầy phấn trấn  của tác giả khi được giác ngộ lý tưởng cộng sản

b, Khổ 2: Lý tưởng cộng sản làm thay đổi nhận thức sâu sắc của nhân vật trữ tình (trích thơ)

-Đại từ nhân xưng “tôi”: bộc lộ sâu sắc ý thức cá nhân

– Từ “buộc”, “trang trải”: thể hiện sự gắn kết, chia sẻ  của nhà thơ  với quần chúng cần lao

– Các từ “Mọi người”, “trăm nơi”, “hồn khổ”: chỉ đối tượng là quần chúng lao khổ trên mọi miền đất nước

– Hình ảnh ẩn dụ “khối đời”: khiến khái niệm về cuộc đời vốn trừu tượng trở nên hữu hình

=>  Khổ thơ là sự gắn kết của cái tôi cá nhân với cái ta cộng đồng. Khi cái tôi hòa vào cái ta chung sẽ tạo nên một cuộc đời gắn bó, tạo nên một sức mạnh lớn lao.

c, Lý tưởng cộng sản giúp nhà thơ vượt qua những tình cảm ích kỉ, hẹp hỏi để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

– Kết cấu định nghĩa “tôi…là” được sử dụng xuyên suốt khổ thơ tạo nhịp điệu khỏe khoắn, nhấn mạnh ý thức vững vàng của nhà thơ khi gắn kết với cộng đồng

– Điệp từ “của” kết hợp với hệ thống từ xưng hô chỉ quan hệ máu mủ “anh”, “em”, “con”: tình cảm của nhà thơ với quần chúng nhân dân gần gũi, khăng khít như anh em ruột thịt

– Điệp từ “vạn” kết hợp với các hình ảnh “vạn nhà”, “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ”:  thể hiện những số phận cơ cực, vất cả, nhỏ bé trong xã hội. Từ đó nói lên tình nhân ái bao la, mang tính giai cấp

=> Tố hữu tự nguyện chọn một chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi mình là một thành viên ruột thịt trong gia đình quần chúng cần lao.–> thể hiện tinh thần dân tộc, tính nhân đạo sâu sắc

3, Đánh giá:

a, Nghệ thuật:

– Sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, so sánh đặc sắc

– Nhịp điệu thơ dồn dập, da diết

– Diễn tả tâm trạng vui sướng, say mê của nhà thơ khi đón nhận lý tưởng cộng sản

b, Nội dung:

– “Từ ấy” là bản tuyên ngôn về nhận thức và quan điểm sáng tác của Tố Hữu

+ Tuyên ngôn về nhận thức: nhà thơ nguyện đi theo ánh sáng của Đảng, gắn bó với quần chúng lao khổ

+ Tuyên ngôn về nghệ thuật: sáng tạo văn học không mơ mộng, viển vông, người nghệ sĩ phải đứng trong hàng ngũ, gần gũi với quần chúng nhân dân

+ Từ đây, Tố Hữu chính thức định hình phong cách của một ngòi bút trữ tình chính trị

III, Kết bài: Tóm gọn nội dung vấn đề và nêu suy nghĩ của bản thân

phan tich bai tho tu ay - Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (dàn ý và bài làm chi tiết)

Cảm nhận về bài thơ Từ ấy

Bài làm tham khảo

Tố Hữu là lá cờ đầu của phong trào thơ ca Cách Mạng Việt Nam. Thơ ông gắn liền với từng chặng đường của Cách Mạng Việt Nam. Trong nhưng trang thơ ông viết, người đọc đều cảm nhận được chất men say hứng khởi với lý tưởng cộng sản. Bài thơ “Từ ấy” trích trong tập thơ cùng tên của tác giả là một trong những tác phẩm như thế. Với “Từ ấy”, Tố Hữu đã cất lên khúc hát say mê, tràn đầy niềm tin của người chiến sĩ trẻ tuổi khi bắt gặp lý tưởng cộng sản.

Bài thơ “Từ ấy” được sáng tác vào tháng 7 năm 1938, nhân một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nhà thơ. Đó là thời điểm nhà thơ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản. Khổ thơ đầu mở ra bằng tâm trạng vui sướng của tác giả khi bắt gặp lý tưởng cộng sản:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

Thời điểm “từ ấy” là khi Tố Hữu được giác ngộ Cách Mạng, được dẫn dắt vào con đường giải phóng dân tộc. Vì thế, hai tiếng “từ ấy” trở nên vô cùng thiêng liêng. Đó không chỉ là nhan đề, là tứ thơ mà còn là điểm tựa cho sự phát triển của cả bài thơ. Để thể hiện niềm vui dạt dào say mê khi tìm thấy lẽ sống cao đẹp, Tố Hữu đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp: “nắng hạ”, “mặt trời chân lý”. Hình ảnh “mặt trời chân lý” như một lời khẳng định lý tưởng cộng sản như ánh mặt trời đem lại sự sống cho khắp thế gian, từ đó bộ lộ thái độ thành kính, trân trọng của người thanh niên trẻ tuổi. Không chỉ vậy, nhà thơ còn so sánh tâm hồn mình với một khu vườn đầy hoa lá, rộn rã ấm thanh và rực rỡ sắc màu. Những từ ngữ “chói”, “bừng”, “rộn”, “rất đậm” khẳng định lý tưởng cộng sản mở ra cho thế giới tâm hồn một nhận thức mới khiến tâm hồn vui tươi phơi phới. Khổ thơ đầu như một khúc nhạc rộn ràng , ngân vang niềm tin yêu, hứng khởi. Từ đây, một thế giới mới mở ra, một chân trời hồng trải rộng. Sang khổ thơ thứ hai, người đọc cảm nhận được sự tác động mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản đã làm thay đổi nhận thức của nhân vật trữ tình:

>> Xem thêm:  Bình giảng khổ thơ đầu trong bài "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng, Đây mùa thu tới, mùa thu tới, Với áo mơ phai dệt lá vàng

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồng tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Khổ thơ bắt đầu bằng đại từ nhân xưng “tôi” bộc lộ sâu sắc ý thức cá nhân của tác giả. Từ “buộc”, “trang trải” thể hiện sự gắn kết, chia sẻ  của nhà thơ  với quần chúng cần lao. Nhà thơ tự nguyện buộc lòng mình với mọi người để gắn kết, chia sẻ, để hòa nhập vào cái ta chung của toàn dân tộc. Các từ “Mọi người”, “trăm nơi”, “hồn khổ” chỉ đối tượng là quần chúng lao khổ trên mọi miền đất nước. Trên con đường hòa nhập ấy là sự cảm thông chân thành với bao hồn khổ, là ý thức sâu sắc về sức mạnh của khối đời. Hình ảnh ẩn dụ “khối đời” khiến khái niệm về cuộc đời vốn trừu tượng trở nên hữu hình hơn bao giờ hết. Khổ thơ là sự gắn kết của cái tôi cá nhân với cái ta cộng đồng. Khi cái tôi hòa vào cái ta chung sẽ tạo nên một cuộc đời gắn bó, tạo nên một sức mạnh lớn lao. Sự biến đổi trong nhận thức ấy chính là tình nhân ái của chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh đó, lý tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có lẽ sống mới, mà còn giúp nhà thơ vượt qua những tình cảm cá nhân để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ:

>> Xem thêm:  Văn nghị luận: Bình luận về “Vàng thật hay vàng thau”

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

 Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ”.

Kết cấu theo lối định nghĩa “tôi…là”được sử dụng xuyên suốt khổ thơ tạo nhịp điệu khỏe khoắn, nhấn mạnh ý thức vững vàng của nhà thơ khi gắn kết với cộng đồng. Hơn thế nữa, điệp từ “của” kết hợp với hệ thống từ xưng hô chỉ quan hệ máu mủ “anh”, “em”, “con” còn cho thấy tình cảm của nhà thơ với quần chúng nhân dân gần gũi, khăng khít như anh em ruột thịt. Điệp từ “vạn” kết hợp với các hình ảnh “vạn nhà”, “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ” thể hiện những số phận cơ cực, vất cả, nhỏ bé trong xã hội. Lý tưởng Cách Mạng đã cho người cộng sản trẻ tuổi một tâm hồn lãng mạn Cách Mạng chứa chan tình yêu với cuộc sống và quần chúng lao động. Tố hữu tự nguyện chọn một chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi mình là một thành viên ruột thịt trong gia đình quần chúng cần lao. Tất cả đã thể hiện rất rõtinh thần dân tộc, tính nhân đạo sâu sắc.

Về nghệ thuật, bài thơ đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, so sánh đặc sắc. Nhịp điệu thơ dồn dập, da diết, diễn tả tâm trạng vui sướng, say mê của nhà thơ khi đón nhận lý tưởng cộng sản. Về nội dung, tác phẩm không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời Cách Mạng mà còn là bản tuyên ngôn về nhận thức và quan điểm sáng tác của Tố Hữu. Nhà thơ nguyện đi theo ánh sáng của Đảng, gắn bó với quần chúng lao khổ. Tố hữu sáng tạo văn học không mơ mộng, viển vông. Người nghệ sĩ phải đứng trong hàng ngũ, gần gũi với quần chúng nhân dân. Từ đây, Tố Hữu chính thức định hình phong cách của một ngòi bút trữ tình chính trị.

“Từ ấy” được sáng tác trong những ngày đầu Tố Hữu đến với Cách Mạng nên bài thơ mang giọng điệu lạc quan, tin tưởng, tràn đầy hy vọng. Sự lạc quan, tin tưởng ấy đã giúp người thanh niên trẻ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc đời hoạt động Cách Mạng sau này. Bài thơ giúp các thế hệ sau có cơ hội hiểu rõ hơn về một thời khó khăn nhưng đáng tự hào của dân tộc.

Phạm Ngọc Khuê

Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội

Bài viết liên quan