Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng


Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu (Chiếc lược ngà) của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Bài làm

Tình mẫu tử thiêng liêng được biểu hiện sâu sắc nhất không khi nào khác đó là thời chiến. Hình ảnh cậu lính xa quê về thăm bầm, hình ảnh Lão Hạc mong ngóng con trai, hình ảnh chị Dậu thắt ruột gan đem con đi bán… lấy đi nước mắt của bao người Việt nhiều thế hệ. Đến “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng một lần nữa nhân vật bé Thu lại làm chúng ta cảm động vì tình yêu thương cha cũng như nét trong sáng, hồn nhiên, giàu tình thương.

Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), người An Giang, là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Quang Sáng có nhiều dấu ấn với các tác phẩm truyện ngắn đạt giải thưởng cao và một số kịch bản phim đặc sắc.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” (1966) là một trong những tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi của Nguyễn Quang Sáng. Truyện ngắn tập trung khắc họa diễn biến giữa hai cha con ông Sáu – bé Thu, cao trào tác phẩm ở chỗ bé Thu (8 tuổi) không thể nhận ra ông Sáu vừa từ chiến trường trở về bởi vết sẹo trên mặt ông Sáu. Nút thắt mở ra khi Thu òa khóc nhận ra ông Sáu trước lúc ông Sáu lên đường ra chiến trường. Trong một trận càn, ông Sáu hi sinh, chiếc lược ngà ông làm tặng con gái được gửi cho một người bạn để mang về cho Thu. Câu chuyện cảm động của hai cha con đã dần dần khắc họa hoàn chỉnh vẻ đẹp và tính cách, tâm hồn bé Thu cũng như cho thấy tài năng, phong cách của Nguyễn Quang Sáng.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về lễ hội đua thuyền

Nhân vật bé Thu trước hết hiện lên là một cô bé có nhiều đau thương khi từ nhỏ đã bị chia cắt với người cha. Chiến tranh khiến Thu không có một tuổi thơ yên ấm, bảo bọc. Thu chỉ biết mặt cha qua các bức ảnh treo trên tường trong nhà. Thu gửi gắm toàn bộ tình cảm yêu thương, mong chờ vào những bức ảnh đó. Điều đó chứng tỏ bé Thu là con người giàu tình cảm, nội tâm sâu sắc.

cam nhan ve nhan vat be thu trong truyen chiec luoc nga cua nguyen quang sang - Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Cảm nhận về nhân vật bé Thu

Mặt khác, bé thu cũng là một cô bé cá tính, cương liệt. Tình huống truyện bé Thu không nhận ra ông Sáu khi ông Sáu từ chiến trường trở về đã góp phần tạo tiền đề để nhân vật bộc lộ tính cách. Bé Thu khước từ ông Sáu. Đó không phải là hành động một đứa con khước từ cha mình mà là vì quá yêu cha nên Thu không chấp nhận coi một người không hề giống cha trở thành cha của mình. Sự hiểu lầm trẻ con ấy cho thấy Thu là cô bé trong sáng, hồn nhiên và hành động rất cảm xúc.

Hàng loạt các hành động bướng bỉnh của Thu càng tỏ rõ phẩm chất cứng cỏi của Thu. Lần đầu tiên hai ba con gặp mặt, đáng lí ra ông Sáu và bé Thu được thỏa nỗi mong nhớ phải ôm lấy nhau thắm thiết thì trái lại bé Thu vụt chạy đi, sợ hãi gọi “má, má”. Ông Sáu “nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai cánh tay buông xuống như bị gãy”. Trong đoạn gia đình ngồi ăn cơm, bé Thu đã có nhiều hành động phản kháng rõ rêt. Thu chỉ nói trống không “vô ăn cơm! Cơm chín rồi” và không chịu gọi ba “con kêu rồi mà người ta không nghe”. Khi ông Sáu gắp thức ăn cho Thu, Thu gạt phăng khiến cơm rơi tung tóe khắp nhà. Giận quá, ông Sáu đánh Thu một cái. Một đứa trẻ thông thường sẽ òa khóc để mọi người chạy đến mà thương, mà vỗ về an ủi thì Thu ngược lại gắp lại miếng thức ăn vào bát và im lặng đi ra ngoài. Phản ứng lạnh lùng ấy là một cách ứng xử rất người lớn, rất cá tính, chứng tỏ Thu vừa tức giận lại vừa thất vọng. Thu quyết giữ trọn tình thương cho người cha nó vẫn nhìn thấy trên ảnh.

>> Xem thêm:  Xã em và Công ty Thiên Nông thống nhất đặt đại lí tiêu thụ sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu

Thu là một cô bé biết phân biệt đúng sai, biết sống chân chính. Sự hiểu lầm, giận dỗi chỉ là nhất thời quá thương cha mà thành. Khi về nhà ngoại, nghe ngoại giải thích, Thu mới hiểu rõ sự việc và cảm thấy xấu hổ, ân hận, day dứt vô cùng. Lúc ông Sáu lên đường trở lại chiến trường. Thu bộc lộ tình cảm một cách bất ngờ và dào dạt, đầy cảm động. Thu thốt lên tiếng gọi thiêng liêng mà 8 năm nay Thu đã mong muốn được nói: “Ba a a ba!”. Thu nhào tới bên ông Sáu mà vồ vập: chạy tới, dang chặt hai tay, ôm cổ, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má… Nụ hôn cuống quýt bù đắp lại 3 ngày qua cũng là bù đắp cho bao năm tháng xa cách. Một cô bé dám yêu dám ghét!

Cuối cùng sự kiên quyết không nhận cha chuyển thành sự cương quyết không cho ông Sáu đi. Một mong muốn thật trẻ con nhưng cũng thật trong sáng. Rốt cục Thu vẫn chỉ là một đứa bé chỉ sống giữa tình yêu và khát vọng được yêu thương. Chiến tranh không hề khiến tâm hồn bé Thu bị vấy bẩn.

Nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã được thể hiện thành công nhờ cách thể hiện diễn biến nội tâm của tác giả. Bé Thu sẽ mãi là đứa trẻ đẹp nhất tựa chú chim non bé bỏng của vùng nước mặn đầm phá miền Nam.

>> Xem thêm:  Phân tích hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao đến với tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức

Hoài Lê

Bài viết liên quan