MS116 – Con người cá nhân trong văn học Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 qua đoạn trích “Trao duyên” và “Chí khí anh hùng” của Nguyễn Du


Con người cá nhân trong văn học Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 qua đoạn trích “Trao duyên” và “Chí khí anh hùng” của Nguyễn Du

Bài làm

Đã từng có một thời trên mảnh đất văn chương hữu tình, con người nép mình sau màn chữ hữu ý, che đậy bản tính cá nhân, giấu đi “cái tôi” để bước những bước chân nhạt nhoà giữa cái chung của hai từ “phi ngã.” Nếu khi ấy, không có những cây bút can đảm bước ra khỏi khuynh hướng chung của thời đại, có lẽ văn học trung đại mãi chỉ trượt dài triền miên trong khuôn phép – nơi ngòi bút thi nhân chưa dám chạm tới thẳm sâu hồn người. Từ khoảng 18 đến nửa đầu 19, từ trong bóng tối của xã hội suy đồi, người ta thấy lấp lánh trên văn đàn những vì tinh tú đậm màu cá thể. Chúng bừng sáng, toả rạng, mạnh dạn khai nguồn tư tưởng “thương người, xót thân”. Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chính là một vì tinh tú như thế. Đi sâu vào hai đoạn trích “Trao duyên” và “Chí khí anh hùng”, ta sẽ thấy sau lớp trầm tích thời gian, bức chân dung con người cá nhân hiện lên vô cùng rõ nét.

“Văn học là nhân học, là khoa học về con người.” Dẫu thay màu qua từng giai đoạn lịch sử, tâm điểm của văn chương luôn chỉ là con người, luôn chỉ vì con người mà tồn tại. Con người, nghe có vẻ thật chung chung, nhưng con người cá nhân lại có phần độc lập hơn hẳn. Vậy, con người cá nhân trong văn học là gì? Đó chính là sự phản ánh cái tôi cùa tác giả, là sự giãi bày tình cảm, tâm tư, ý chí của người viết thông qua những tác phẩm mà người đó sáng tác.

Khái niệm về con người cá nhân vốn dĩ không xa lạ trong văn học. Nhưng nếu đem ướm cụm từ này vào dòng chảy văn học trung đại, người ta sẽ nhíu mày ngờ vực. Bối cảnh dưới xã hội thời trung đại không tạo điều kiện cho con người phát triển năng lực tự ý thức về mình. Tư tưởng của thời đại này giống như “tấm màng lọc” mà những biểu hiện cảm xúc trực tiếp của con người khó lòng lọt qua để thấm vào những trang thơ hay nhuộm màu dải lụa nghệ thuật. Chữ “thân” trong xã hội cũ là điều gì đó vượt xa khỏi ranh giới an toàn mà con người biết đến. Bởi sợ khác biệt, họ mới không đủ dũng cảm đi ngược xu thế chung. Bởi sợ khác biệt, mọi người đi lối chung, nhất nhất bản thân không dám tìm lối riêng để bước.

chi khi anh hung - MS116 - Con người cá nhân trong văn học Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 qua đoạn trích “Trao duyên” và “Chí khí anh hùng” của Nguyễn Du

Sau quãng thời gian trượt dài trong khuôn khổ, xã hội phong kiến rơi vào khủng hoảng, ý thức hệ lung lay. Đạo lý, luân thường lệch khỏi khuôn thước. Nho giáo dẫu độc tôn song không còn được tôn thờ như trước. Đứng trên phương diện đất nước, đây là thời kỳ đen tối của dân tộc, song đứng trên lập trường văn học, chính biến động thời đại đã dóng hồi chuông hối bước con người đi tìm bản ngã. Thoát khỏi phạm vi của những bức tranh thuỷ mặc, những non nước hữu tình, “ngư tiều canh mục”, các tác giả thời đại này bạo dạn len ngòi bút vào tận cùng tâm khảm một con người. Phát hiện và nhìn thấu những uỷ khuất mà trước nay chưa mấy ai dám mang vào thơ văn. Con người cá nhân từ đó hình thành, đậm nét dần qua từng giai đoạn. Cá nhân, nhưng không hề cực đoan. Song hành cùng chủ nghĩa nhân đạo, con người cá nhân ấy hiện lên là một cá thể, vừa đớn đau phận mình, vừa xót thương phận người.

>> Xem thêm:  Hãy nhớ lại và viết thành một bài văn về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường của mình

Nhắc đến ý thức tự thân, ta không thể không nhắc tới Tố Như. Phải biết, ông không phải người đầu tiên khắc hoạ con người cá nhân trong văn học trung đại. Trước Nguyễn Du, đã có Đặng Trần Côn với “Chinh phụ ngâm”, thay những người phụ nữ giãi bày nỗi sợ hãi thanh xuân chóng tàn và nói lên khát vọng về một gia đình hạnh phúc. Sang giai đoạn 1784-1789, ta có “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều là bản cáo trạng lên án gay gắt chế độ cung nữ tàn nhẫn. “Truyện Kiều” xuất hiện sau những thành tựu rực rỡ ấy, nhưng không vì thế mà trở nên mờ nhạt.

Chiều sâu của con người cá nhân trong “Kiều” được vun đầy bởi nhiều lẽ. Tài hoa là một yếu tố. Nhưng trên hết, nếu Nguyễn Du không có một tâm hồn bị sóng gió vùi dập, lồng ngực không mang một trái tim hồi hộp trước thói đời vô nhân bạc nghĩa thì nghệ sĩ dẫu có tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không dễ mà tìm ra những âm điệu, vần thơ khiến người đọc, tuy chỉ là kẻ ngoài cuộc, nghe qua lại như khóc như than như uất ức như oán hờn thoát ra tự trong tâm. Nghe. Mà đứt từng đoạn ruột. Sở dĩ con người này có thể thấu tường thấu tận, có được cái bút lực “tả ra như máu chảy ở đầu ngọn bút” ấy là bởi ông nhận ra loài người vốn thực nhỏ bé trong càn khôn vũ trụ. Nào đâu là cái “ta” mãnh liệt, cuộn trào khoẻ khoắn. Nguyễn Du nhìn con người như một cá nhân phân hoá khỏi cái chung, vốn dĩ yếu đuối giữa muôn trùng giông bão.

Thông qua những nhân vật đã xây dựng, Nguyễn Du không chỉ kể thật xúc động câu chuyện về thân phận nàng Kiều mà còn gửi gắm đằng sau những hình tượng ấy bao nhiêu trăn trở, khát khao dành cho nhân thế, cho cuộc đời đầy rẫy bất công.

>> Xem thêm:  MS171 - “Chiếc thuyền ngoài xa”- Những trăn trở về nghệ thuật và nghiệp cầm bút qua trang văn của Nguyễn Minh Châu

Những nhân vật của ông, “phong lưu mà tiết hạnh.” Từ nàng Kiều, vì chữ hiếu trót sa thân vào nơi thanh lâu nhơ nhuốc cho đến vị anh hùng Từ Hải vốn là một tướng cướp, lại canh cánh trong lòng ý chí lập công danh. Cả hai đến với nhau, thấu hiểu nhau bằng tình cảm tri âm tri kỉ thiêng liêng. Cùng nhau bước lên từ tầng lớp thấp kém trong xã hội, bỏ mặc cuộc đời có quay lưng, ruồng rẫy, họ can trương trước giông tố cuộc đời, kiêu hãnh vẫy mình ra khỏi lớp bùn nhơ bám trên thân thể và rồi, giá trị thực toát ra từ con người họ được dịp ngời sáng hào quang bất diệt.

Lấy cảm hứng từ người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Trong “Chí khí anh hùng”,Nguyễn Du đã vẽ lên một Từ Hải oai phong, lẫm liệt. Hai tiếng “trượng phu” đã cho thấy thái độ trân trọng của tác giả đối với nhân vật này. Một tên tướng cướp bị người đời coi khinh? Không. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, Từ Hải đã rũ mình khỏi lớp áo tầm thường của một tên tướng cướp để khoác lên mình tầm vóc vũ trụ của một người anh hùng: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”

Sau nửa năm tình chàng ý thiếp mặn nồng, Từ Hải vội vàng rời khỏi cuộc sống ấm êm để cất bước lên đường lập nghiệp.

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.”

Chữ “thoắt” đã đánh đúng nhịp, rơi đúng vào vị trí cần rơi. Bậc trượng phu họ Từ không vì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mà lãng quên đi món nợ công danh còn chưa trả đủ. Không áo mão cân đai, không phẩm hàm văn võ, nhưng Từ Hải trong “Truyện Kiều” không phải kẻ người khác có thể tuỳ tiện xem thường. Chí khí anh hùng luôn hừng hực cháy trong con người Từ Hải, biến chàng thành “người của trời đất, của bốn phương”. Cũng giống như nhiều nhà thơ khác, ý thức hệ về trọng trách của đấng nam nhi vẫn còn sức ảnh hưởng đối với Nguyễn Du. Ta nhớ đến hai câu thơ đắc nhân tâm của Nguyễn Công Trứ:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.”

Nếu không phải người có bản lĩnh, có ý chí cầu tiến, làm sao có thể dễ dàng rời bỏ cuộc sống hạnh phúc để chuốc lấy bao nhiêu thách thức, gian nan? Từ Hải ý thức rõ ràng vị trí của bản thân, nắm chắc trong tay thanh gươm, Từ thẳng đường hướng về nơi “trời bể mênh mang.” Tính cách cùng chí khí hơn người của Từ Hải được khắc hoạ hoàn hảo trong từng lời nói. Kiều có ý xin tòng phu, Từ nói, như trách cứ nhưng thực ra lại chan chứa thâm tình:

>> Xem thêm:  Soạn bài chữa lỗi diễn đạt

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Chàng và nàng, chẳng phải đã quá thấu hiểu nhau rồi hay chăng? Từ Hải là người thế nào, không ai hiểu rõ hơn Kiều cả. Chàng muốn một tay mình lập nên sự nghiệp vẻ vang để có thể trở về đón Kiều trong tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường. Không cho Kiều đi theo không phải sợ Kiều làm vướng bận, Từ Hải vì lo nàng phải cùng mình chịu cực, chịu khổ nên mới quả quyết dứt áo ra đi một mình.

Những lời chàng nói về tương lai rực rỡ, thốt ra chắc như đinh đóng cột. Đây không phải là sự tự đắc của một kẻ tầm thường, đây là thái độ tự tin của một người phi thường. Chàng ấn định luôn, là rằng trễ nhất thì một năm sau sẽ về.

“Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì.”

Trong cuộc biệt ly này, qua từng câu từng chữ, từng cử chỉ đều thể hiện Từ Hải sở hữu tâm thế vằng vặc sao khuê. Một bậc trượng phu với tư thế ngẩng cao đầu, hiên ngang, lẫm liệt. Chàng tin rằng chỉ một năm thôi, chàng sẽ quay về thật vẻ vang, từ đôi bàn tay trắng làm chủ một cơ đồ lớn. Đoạn trích khép lại bằng hình ảnh cánh chim bằng cưỡi gió vượt muôn dặm khơi. Một cuộc chia tay bi tráng

“Dứt lời quyết áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Hai thanh trắc “dứt” và “quyết” đã tô đậm thái độ quả quyết ra đi của người anh hùng. Thấp thoáng sau áng thơ, là niềm phấn khích của một người được thoả chí tung hoành.

“Truyện Kiều” cũng giống như cuộc đời một người – biệt li rồi tái ngộ. Nàng Kiều hay bất kì ai trong chúng ta, dù muốn dù không cũng phải một lần nghẹn ngào hát khúc ly ca trong đời. Song mỗi cuộc chia tay, lại mang theo những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nếu cảnh biệt ly với Thúc Sinh, cả không gian như chìm vào bạt ngàn vỡ nát với vầng trăng xẻ đôi, với bóng hình một người độc bước cô liêu trên muôn dặm đường xa vắng thì cuộc chia tay với Từ Hải, có luyến lưu, có bịn rịn nhưng không bi luỵ một gam nào. Vì sao lại có sự khác biệt này? Bởi tính chất cuộc giã từ với Từ Hải là tiễn người lên đường theo đuổi con đường công danh. Buồn vương vài sợi vì xa chàng, nhưng Kiều cũng hiểu nàng không thể cầm chân một người ở lại bên nàng, sống một đời nhạt màu, hèn yếu.

Văn Thị Thanh Trân

shikayosandgra@gmail.com

Bài viết liên quan