MS353 – Thuyết minh về con trâu có sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật


Đề bài: Thuyết minh về con trâu có sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật

Bài làm

Từ bao đời nay, loài trâu chúng tôi đã gắn bó thân thiết với con người. Mỗi khi nhắc đến làng quê, bạn sẽ nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi xuất hiện trong cả thơ ca, nhạc họa: bạn thường thấy hình ảnh chú bé mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng những chú trâu. Hẳn bạn đã quen với những điều này rồi. Nhưng bạn đã biết về cuộc sống của loài trâu chưa? Nếu chưa, hãy để tôi kể bạn nghe:

“Tổ tiên của trâu nhà có nguồn gốc từ trâu rừng. Lúc chưa được thuần hóa, trâu rừng rất hung hãn chứ không hề hiền lành như trâu nhà chúng tôi. Sau này, trâu rừng dần được con người thuần hóa và huấn luyện, từ đó xuất hiện trâu nhà. Chúng tôi hiền lành, chăm chỉ và cần cù. Tuy vậy, vẫn có nhiều trâu có tính hung hãn như tổ tiên của tôi, họ được gọi là trâu chọi. Họ rất hiếu chiến và hung dữ, vì vậy bạn đừng nên lại gần họ, họ sẽ làm bạn bị thương.

Chúng tôi thuộc họ Bò, vì vậy khi so sánh tôi và anh bò, bạn sẽ thấy cả hai có rất nhiều điểm giống nhau: chúng tôi đều thuộc phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng, bộ Guốc chẵn, lớp Thú có vú.

thuyet minh ve con trau - MS353 - Thuyết minh về con trâu có sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật

Da của họ nhà trâu chúng tôi rất dày, và dưới lớp da có một lớp mỡ. Lớp mỡ này rất quan trọng, chúng giúp tôi tránh nắng khi hè về, chống rét khi đông đến và tránh bị côn trùng cắn. Trên da bao phủ một lớp lông thưa, màu xám đen hay đen tuyền. Loài trâu có thân hình thấp, ngắn nhưng rất vạm vỡ. Các “cô” trâu có bầu vú nhỏ, mông dốc. Trâu còn có chiếc sừng hình lưỡi liềm, nhìn giống như mặt trăng đầu tháng hay cuối tháng.

>> Xem thêm:  MS307 - Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác

Trâu đực chúng tôi rất nặng, trung bình khoảng 400 kilôgam đến 450 kilôgam( anh trâu nhẹ nhất nặng khoảng 350 kilôgam và anh trâu to nhất có cân nặng khoảng 700kilôgam). Trâu cái nhẹ hơn, cân nặng trung bình của họ từ  350 đến 400 kilôgam( cô trâu bé nhất nặng khoảng 300 kilôgam, còn cô lớn nhất nặng khoảng 600 kilôgam). Số cân nặng đã nói lên chúng tôi rất khỏe, phải không nào?

Trâu cái đến 3 tuổi là đã có thể đẻ lứa đầu, vợ tôi cũng thế. Vợ tôi đẻ có mùa vụ, và cô ấy đã cho tôi 4 đứa bé rồi. Các bé con xinh xắn, nặng từ 22 kilôgam đến 25 kilôgam. Và chúng không gọi là trâu con, mọi người gọi chúng là nghé.

Loài trâu chúng tôi chỉ có một hàm răng dưới, nên chúng tôi chỉ có thể ăn cỏ, rơm, rạ. Đôi răng cửa giữa cố định bắt đầu mọc khi chúng tôi được 3 tuổi và kết thúc sinh trưởng khi chúng tôi được 6 tuổi, lúc ấy trâu sẽ có 8 chiếc răng cửa. Và, bạn có biết tại sao chúng tôi có thể ăn cỏ, rơm được không? Vì dạ dày trâu bò có 4 túi, trong đó có một túi là dạ cỏ. Dạ cỏ sản sinh ra các chất có thể tiêu hóa rơm rạ và hấp thụ chất xơ trong các loại thực vật ấy.

Chúng tôi ăn không nhiều, nhưng lại rất là khỏe. Trâu có lực kéo rất lớn. Trên đồng ruộng, lực kéo trung bình là 70-75 kilôgam, tương đương 0,36-0,4 mã lực. Trâu loại A cày được 3 đến 4 sào/ ngày, trâu loại B cày được 2-3 sào/ ngày và loại C cày được 1,5-2 sào Bắc Bộ. Trâu còn giúp con người kéo xe nữa đấy các bạn. Trên đường xấu, trâu kéo được xe hàng nặng 400-500 kilôgam; trên đường tốt là 700-800 kilôgam; đường nhựa với bánh xe hơi: tải trọng lên đến 1tấn!

>> Xem thêm:  Phần 2 Đề 32: Kể về quê hương.

Không chỉ vậy, trâu còn có thể cho thịt. Khả năng cho thịt của trâu cái là 42%, trâu thiến 45% và trâu đực trưởng thành 48%. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Thịt trâu còn dai và ngon nữa. Với các nàng trâu, khả năng cho sữa là 400-500 kilôgam sữa trong 1 chu kì vắt. Hàm lượng mỡ trong sữa từ 9-10%. Khả năng cho phân của loài trâu: trâu 2 răng cho 10 kilôgam, trâu 4 răng cho 12-15 kilôgam, trâu trưởng thành cho 20-25 kilôgam.

Ngoài các công dụng mới kể trên, trâu còn có nhiều lợi ích lắm. Da trâu dày và bền nên thường dùng làm mặt trống. Sừng trâu dùng làm đồ thủ công mĩ nghệ để trang trí, hoặc dùng làm những chiếc lược xinh xắn. Ngoài ra, trâu còn xuất hiện trong các lễ hội. Nổi tiếng ở nước ta là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Những chú trâu chọi to lớn, hiếu chiến và hiếu thắng luôn làm người xem hứng thú. Ở một vài dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, họ có lễ hội đâm trâu. Con trâu to béo, khỏe mạnh nhất sẽ được là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no, để mừng ngày mùa hay để mừng chiến thắng. Tuy bị đau, nhưng trâu chúng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ khi nhìn thấy nụ cười tươi của người. Chúng tôi đã nguyện ý làm tất cả vì người.

>> Xem thêm:  Bài 5 - Sọ Dừa

Chúng tôi vì người mà cần cù chăm chỉ, nhưng loài trâu không cần nơi ở đẹp, thức ăn ngon. Chúng tôi chỉ cần tình yêu, sự yêu quý của người là đã thấy vui lắm. Chúng tôi chỉ cần mỗi sáng, người mang cho chúng tôi cỏ non, nước uống và cười nói: “ Hôm nay trâu phải cố gắng nhé, nay nhiều việc lắm.” Chỉ cần khi trời nóng, người cho chúng tôi đầm mình trong bùn để tránh nóng, người bắt ve cho chúng tôi. Trâu chỉ mong khi đông đến, người sẽ ra thăm chúng tôi, giúp chúng tôi sửa sang lại chuồng để tránh rét. Chỉ vậy thôi, nhưng trâu tôi đã vui mừng lắm.

Loài trâu chúng tôi tuy chỉ là một loài vật, nhưng chúng tôi nguyện vì người mà làm việc suốt đời, không màng vất vả, khó khăn. Tôi biết rằng, bây giờ cuộc sống hiện đại, máy móc đã thay thế chúng tôi trên các cánh đồng, và năng suất làm việc của chúng cao hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng, trâu vẫn trung thành với người, vẫn sẽ cố gắng đem lại cho người thật nhiều lợi ích. Trâu chỉ mong được làm một người bạn thân thiết của người mãi mãi.”

Lý Thu Hương

Lớp 9A7 – Trường THCS Trà An, Tp Cần Thơ

Bài viết liên quan