MS540 – Khi một nhà văn mới bước vào làm văn., điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là: Anh sẽ mang lại điều gì mới cho người đọc.
“Khi một nhà văn mới bước vào làm văn., điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là: Anh sẽ mang lại điều gì mới cho người đọc”.
Bằng những hiểu biết của mình về truyện ngắn “Chí Phèo”, anh chị hãy thay mặt nhà văn Nam Cao trả lời câu hỏi trên.
Bài làm
Văn học chính là nhân học, văn học song hành cùng đời sống và tái hiện những xúc cảm chân thực của con người trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Ngược dòng lịch sử của văn học Việt Nam, đã từng có một giai đoạn vàng son in dấu ấn rực rỡ của các tác phẩm văn học hiện thực phê phán như Số đỏ, Tắt đèn, Lão Hạc… đó là giai đoạn văn học 1930 – 1945. Ở đó, ta bắt gặp nhiều nhất trong những tác phẩm là cái cảnh:
Đói xo khắp xóm khắp làng
Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ
Buồn trông đồng trắng bãi ngô
Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi!
(Đói! Đói! – Tố Hữu)
Những năm tháng ấy là những ngày tháng đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam, mọi miền quê, mọi mái nhà dường như bị rút sạch sự sống bởi cái đói, cái nghèo. Thế nhưng, với Chí Phèo – một tác phẩm được xếp hàng kiệt tác trong danh tác Việt Nam, cái tên Nam Cao đã trở nên sáng ngời và dành một câu trả lời xứng đáng cho câu hỏi của đại văn hào Lép Tôn-xtôi: “Khi một nhà văn mới bước vào làm văn, điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là: anh sẽ mang lại điều gì mới cho người đọc”
Giai đoạn văn học 1930 – 1945 đã sản sinh ra những cây đại thụ của làng văn học Việt Nam. Có thể kể tới như “Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm” Vũ Công Hoan, “ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hóa Quốc ngữ” Ngô Tất Tố hay “văn chương của người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh” Vũ Trọng Phụng,… Thế nhưng, như nhà văn Lê Định Kị đã nhận định: “Trong văn xuôi trước Cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao”. Sinh ra trong một vùng quê nghèo, được tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của nhân dân ta những năm trước 1945, những tình cảm yêu thương con người kín đáo và con mắt tinh tế, sắc sảo của một nhà văn theo lối hiện thực đã sớm nảy nở trong tâm hồn Nam Cao. Và đỉnh cao của sự nghiệp văn học của Nam Cao – truyện ngắn Chí Phèo đã lần đầu ra mắt bạn đọc vào năm 1941. Bắt đầu làm nghề cẩm bút từ những năm 18 tuổi thế nhưng, phải đến khi truyện ngắn Chí Phèo được ra mắt bạn đọc, cái tên Nam Cao mới thực sự sáng ngời trong nền văn học Việt Nam.
Đại văn hào của thế giới Lép Tôn-xtôi có một câu hỏi rất hay: “Khi một nhà văn mới bước vào làm văn., điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là: anh sẽ mang lại điều gì mới cho người đọc”. Văn học mượn chất liệu của thực tại nhưng cái tài thực sự của một nhà văn đó là giữa những gì mình thấy, những gì người ta thấy tìm được điều mới mẻ hơn, đặc sắc hơn. Văn học tái hiện cuộc sống nhưng để nuôi dưỡng sức hấp dẫn của nó đối với người thường thức, văn học cần nhiều hơn cả chính là sự tìm tòi, khác biệt. Bằng một câu hỏi rất đơn giản những Lep Tôn- xtôi đã đặt ra một vấn đề rất thiết thực cho văn học: một cây bút mới muốn tạo được tiếng vang cần một tiếng nói mới. Và với một quan niệm sáng tác đầy văn minh, tiến bộ: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” bằng truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao đã cất tiếng trả lời một cách đầy thuyết phục cho câu hỏi của đại văn hào.
Ảnh minh họa
Những năm trước Cách mạng, VN rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” – vừa bị “hút máu” bởi Thực Dâm Pháp, vừa bị Phát xít Nhật “xẻ thịt”, thậm chí còn phải địu thêm cả một chế độ phong kiến đã mục nát, thối rữa từ lâu. Và quả thực, nạn nhân đau đớn nhất của thời kì này chính là những miền quê và những người nông dân. Anh Pha phải đi làm thuê vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no (Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan), chị Dậu phải bán cả con ruột của mình, bán cả đàn chó vừa mới mở mắt (Tắt đèn – Ngô Tất Tố),… tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất: kéo dài sự sống lay lắt giữa một xã hội bất công, đói khổ cùng cực. Đó chính là hiện thực cuộc sống nổi bật nhất khiến những cây bút hiện thực phê phán phải chắp bút. Thế nhưng, trên mảnh đất màu mỡ ấy, khi các nhà văn khác đều cày sâu cuốc bẫm vào cuộc đời bi thảm, đói cơm rách áo của những người nông dân thì Văn Cao lại chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là tái hiện bi kịch của những kiếp người bị xã hội bất công làm cho tha hóa, biến chất.
Bên cái lò gạch cũ của làng Vũ Đại, giữa những năm đói nghèo nhất, người ta tình cờ nhặt được một đứa trẻ bị bỏ rơi “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp”. Đứa trẻ ấy tên Chí Phèo. Ban đầu Chí Phèo là một anh canh điền chất phác, thực thà làm thuê cho nhà Bá Kiến. Ở tuổi đôi mươi nhưng anh ta đã có một nhận thức tỉnh táo về bản thân mình. Anh ta cảm thấy “nhục hơn là thích”, nhận ra bản chất “con quỷ cái” của bà ba nhà Bá Kiến khi bị bà ta gọi vào bóp chân, ve vãn. Thế nhưng, dưới một xã hội mục rữa, những kẻ cường hào có tiền là có quyền thì những người như Chí Phèo đâu được yên. Bá Kiến là một cường hào già, háo sắc và rất hay ghen tuông, khi biết được vợ ba của mình có ý đồ với Chí Phèo, hắn đã nổi máu ghen và dùng quyền thế của mình đẩy Chí Phèo vào tù. Và rồi sau những năm tháng ở tù xã hội đã nuôi dưỡng ra một Chí Phèo rất khác: anh chắc cũng từng có “chí” đấy, nhưng lại “phèo”. Anh ta xuất hiện trở lại với một ngoại hình rất du côn, gớm ghiếc: “cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết, cái ngực phanh, đầy những nét trạm trổ rồng phượng cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Hai lần tác giả lặp lại cụm từ “trông gớm chết”, trong mắt Nam Cao – cha đẻ của nhân vật dường như cũng không thể chấp nhận nổi ngoại hình quá biến chất của Chí Phèo. Nhưng cái biến chất nhất của Chí Phèo có lẽ chính là ở tính cách. Từ một anh canh điền khi bị bà chủ sai làm một việc sai trái “vừa làm vừa run” thì nay đã tha hóa trở thành một kẻ côn đồ, đầu bò chính cống. Ngay mở đầu câu chuyện, Chí Phèo mặt mũi chưa thấy đâu nhưng mùi men rượu của một kẻ nát rượu đã bốc lên và tiếng chửi cũng bắt đầu vang lên: “hắn chửi trời, hắn chửi đời, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại”, chân dung Chí Phèo hiện ra chẳng khác gì một con quỷ dữ thích cắn càn, gây sự. Thế nhưng, cái tiếng chửi của kẻ du côn bét nhè ấy dường như ngoài cái đáng khinh ghét thì còn có một cái gì rất đáng tội nghiệp. Hắn chửi trời nhưng trời chẳng thèm nghe, hắn chửi đời, chửi người làng Vũ Đại nhưng ai cũng vờ như không biết “chắc nó trừ mình ra”, coi hắn như một kẻ điên hay thậm chí là loại hắn ra khỏi cuộc đời.
Nhưng đó chỉ là một phút đáng thương thoáng qua vì Chí Phèo đã hoàn toàn bán đi nhân hình và nhân tính của mình cho đồng tiền, cái ác. Việc đầu tiên hắn làm sau khi ra tù đó là trả thù Bá Kiến nhưng cách để hắn trả thù thì thật tệ hại, đáng khinh. Hắn đứng trước cổng nhà Bá Kiến hung hăng chửi đổng nhưng thấy Lí Cường – con trai Bá Kiến “nổi tiếng hách dịch” – trở về thì liền nằm vật ra đất rạch mặt ăn vạ. Ta hoàn toàn có thể hiểu cho hành động của Chí Phèo. Anh ta vì Bá Kiến mà ngồi tù, vì Bá Kiến mà lột xác thành một kẻ du côn nát rượu đầu đường xó chợ. Tuy nhiên, “chó cùng rứt dậu” nhưng “rứt không tới”. Chỉ bằng vài lời dỗ ngon dỗ ngọt, nhận họ xằng bậy “gì chứ anh với nó còn có họ” của Bá Kiến mà Chí Phèo đã mềm lòng, trở thành một tay sai đắc lực, một con quỷ dữ làm mọi điều ác theo lời sai bảo của kẻ cường hào nham hiểm Bá Kiến. Anh ta sống bằng “cướp giật, dọa nạt”, sống bằng “đập đầu, rạch mặt và đâm chém người”. Bằng một ngòi bút sắc sảo và những chi tiết được miêu tả chân thực, sống động, Nam Cao đã thành công khắc họa lên hình ảnh một con người nhưng bán đi nhân hình: sẵn sàng rạch mặt, xăm mình như một kẻ đầu bò, du côn và bán cả nhân tính: trở thành một con quỷ dữ đội lốt người, sống bằng cái nghề đâm thuê chém mướn. Nếu không vì đói nghèo, liệu Chí Phèo có trở thành một đứa trẻ bị bỏ rơi không? Nếu không vì kẻ cường hào lạm quyền Bá Kiến, liệu Chí Phèo có mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính như thế này không? Qua bức chân dung méo mó của Chí Phèo, Nam Cao đã lột trần một góc khuất trong xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám mà chưa nhà văn nào trước đó chạm tới. Không còn là những con người nơi phố huyện mòn mỏi đợi một nguồn sáng trong đêm dài, không còn là Lão Hạc với sự khốn cùng, quẫn bách đến độ tìm tới cái chết nữa mà đau thương hơn cả đau thương, bi kịch trong chính bi kịch chính là quy luật đớn đau của kiếp người đói khổ: những người nông dân nghèo lương thiện bị áp bức bóc lột nặng nề đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh.
Với Chí Phèo, Nam Cao dành những nét bút tả thực đầy xấu xí, dành những tiếng gọi đầy lên án như “hắn”, “thằng” nhưng trong tâm khảm thầm kín, tác giả lại thương cảm, tội nghiệp cho số phận nhân vật một cách sâu sắc. Nam Cao miệt mài lật xới tận cùng trong sự tha hóa, biến chất để gạn lấy “giọt thiện lương” nhỏ nhoi, khuất lấp nhưng trong trẻo, thanh khiết nơi tâm hồn tưởng như đã hoàn toàn méo mó của Chí Phèo. Nếu như Lão Hạc thành công với bi kịch của kiếp người lầm than, đói khổ đến mức phải quyên sinh thì với Chí Phèo, Nam Cao đã thành công khắc họa lên một thứ bi kịch thảm thương hơn thế. Trong tấn bi kịch ấy, Chí Phèo cùng quẫn, giãy giụa trước sự biến chất, tha hóa của bản thân và ước mơ xa xôi tưởng như đã chìm vào lãng quên “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê vợ dệt vải”. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở – “một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng” dường như mở ra một ánh sáng mới cho cuộc đời Chí Phèo. Sau một buổi chửi đời, chửi người, đập phá chán chê, Chí Phèo lại say rượu và lần này, anh ta đã ăn nằm với một người đàn bà ngủ quên bên bờ sông chính là Thị Nở. Không giống như những người đàn bà khác sẽ bỏ chạy hay làm ầm ĩ, Thị Nở ở lại chăm sóc một thằng Chí Phèo nát rượu nay lại còn đau ốm. Thị Nở nấu cho Chí Phèo bát cháo hành – một món ăn quê nhà, đơn sơ nhưng lại như một hạt mầm của hạnh phúc gieo vào trong lòng Chí Phèo. Anh ta thấy “ngạc nhiên”, thấy “mắt mình ươn ướt” nỗi xúc động và vui mừng vì đây là thứ duy nhất từ lúc sinh ra được “một người đàn bà cho”. Những ngày tháng trước, Chí Phèo chỉ biết đến rượu, đến chửi, đến “dọa nạt hay là giật cướp” để có được thứ mình muốn, có được sự giải thoát khỏi nỗi buồn khổ. Thế nhưng, chỉ với một bát cháo hành thôi, chỉ với một cử chỉ quan tâm nhỏ nhoi của một người đàn bà xấu xí mà thôi đã thức tỉnh được những ước mơ, những “giọt thiện lương” ẩn nấp tận cùng trong tâm trí đã đầy vết sẹo xấu xí của Chí Phèo. Có lẽ là lần đầu tiên sau ngần ấy năm sống như một con quỷ dữ, Chí Phèo biết “ăn năn”, “thấy lòng thành trẻ con” “muốn làm nũng”, biết “thèm lương thiện”, “thèm làm hòa với mọi người”. Có lẽ sau ngần ấy năm sống như một con quỷ dữ Chí Phèo mới dám nhớ lại ước mơ về “gia đình nho nhỏ”, biết “uống ít rượu lại để tỉnh táo mà yêu nhau”. Hành trình từ cõi quỹ trở về cõi người cứ ngỡ giản đơn mà sao lại nhọc nhằn, khổ đau đến thế! Có lẽ ít ai như Nam Cao, gợi lên những hình ảnh tha hóa, thảm tệ về kiếp người khốn cùng thật sắc bén nhưng rồi lại từ từ, chầm chậm tìm tòi giữa đống tro tàn mầm sống, ước mơ hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng trong trẻo của những tâm hồn tưởng như đã chết kia. Đó chính là cái tài hoa đặc sắc, chính là tiếng nói nhân đạo mới mẻ mà Nam Cao đã khám phá ra giữa cuộc đời đầy u tối. Quả thực, “Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối đi riêng, nghĩa là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Nhưng tài năng của ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài năng của mình, thiên chức của mình” (Hà Minh Đức).
Với quan niệm nghệ thuật đúng đắn, tiến bộ: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…” Nam Cao đã thực sự xây dựng được một câu chuyện về Chí Phèo – người nông dân nghèo khổ bị xã hội đẩy vào con đường tha hóa khắc sâu vào tâm khảm người đọc, vượt qua mọi bờ cõi, mọi giới hạn không gian và thời gian, ghi dấu ấn sắc nét cả trong quá khứ, hiệm tại và tương lai. Nhưng để nói tới thành công của Chí Phèo người ta không thể nào kể hết được những đặc sắc nghệ thuật, nét bút điêu luyện và tài hoa sắc sảo của nhà văn Nam Cao. Một anh Chí Phèo tàn tệ qua ngoại hình và tính cách được khắc họa bằng những chi tiết miêu tả chân thực, một anh Chí Phèo đã hóa điên dại, tha hóa qua những hình ảnh gây ám ảnh về hành động du côn, cặn bã, hay cũng chính là một anh Chí Phèo nhưng lại đáng thương, tội nghiệp qua những diến biến tâm trạng đầy phức tạp, đau đớn để tìm lại cái thiện lương tưởng chừng như đã hoàn toàn mất đi của mình. Nếu như Hai đứa trẻ của Thạch Lam là cái chạm nhẹ đầy rung động buồn bã, nếu như Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một khúc nhạc sầu thảm đầy xót xa thì Chí Phèo của Nam Cao chính là một nhát dao cứa sâu vào nỗi đau của thời đại, khiến cho người ta tê tái lòng, khiến cho những mạch máu dường như ứ đọng lại bởi sự thảng thốt, đau xót tột cùng của bi kịch cuộc đời con người. Cái đói, cái nghèo làm người ta khốn quẫn thật đấy, nhưng nỗi đau lớn nhất của nhân sinh chính là những con người như Chí Phèo. Anh ta sinh ra lành lặn khỏe mạnh, sinh ra với một tấm lòng lương thiện và những ước mơ giản dị, hạnh phúc. Thế nhưng cuộc sống đày đọa, thế nhưng những bất công, xấu xa của xã hội đã khiến Chí Phèo trở thành một đứa trẻ bị bỏ rơi, trở thành một con quỷ dữ đội lốt người mất cả nhân hình và nhân tính. Bằng sự quan sát tinh tế và con mắt sắc sảo, tài hoa, Nam Cao đã nhìn thấu nỗi đau đớn ẩn mình sâu bên dưới sự thối nát của xã hội và đói khổ của cuộc sống con người lúc bấy giờ, đó là bi kịch của kiếp người bị ép phải tha hóa, bị ép phải vứt bỏ kiếp người để trở thành loài quỷ dữ. Nam Cao góp một tiếng nói mới tố cáo sự mục rữa, bất công của thời đại và thắp lên một ánh sáng mới về những ước mơ, những tấm lòng thiện lương ẩn sâu trong kiếp người cùng quẫn, méo mó.
Lép Tôn- xtôi đã từng nói: “Khi một nhà văn mới bước vào làm văn, điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là: anh sẽ mang lại điều gì mới cho người đọc”. Nam Cao không trả lời, Nam Cao không tranh cãi trước câu hỏi ấy mà nhà văn đã lặng lẽ gửi gắm tiếng nói của mình vào trong tác phẩm Chí Phèo. Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép xã hội Thực dân phong kiến bất công, thối nát đẩy con người ta vào con đường tha hóa mà dù cho đã trải qua gần một thế kỷ bị Thực dân Pháp đô hộ vẫn chưa một nhà văn nào lên tiếng. Chí Phèo là tấm lòng xót xa, thương cảm và sự tin tưởng của nhà văn vào sự thiện lương khuất lấp trong thể xác đã mất đi cả nhân hình và nhân tính của những người bị dòng đời xô đẩy như Chí Phèo mà có lẽ sẽ chẳng ai dám tin, thèm tin. Chẳng cần phải trực tiếp trả lời, hình tượng nhân vật Chí Phèo và câu chuyện về một góc khuất của làng Vũ Đại đã giúp Nam Cao xứng đáng đứng trong hàng ngũ những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học dân tộc.
Hà Ngọc Huế