MS550 – Suy nghĩ về câu chuyện “Niềm tự hào của số 0”
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong câu chuyện dưới đây: Niềm tự hào của số 0
Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số 1 trở thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ”. (Theo “Ngụ ngôn chọn lọc”, NXB Thanh niên)
Bài làm
Benjamin Franklin đã từng nói: “Có ba thứ cực kì cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân mình”, làm thế nào để hiểu được chính mình là câu hỏi lớn của nhiều người trẻ. Người không trẻ chưa hẳn đã hiểu được chính mình nhưng họ nhiều khi đã ngưng đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Mình sinh ra làm gì? Phải sống như thế nào?”, thành ra không hiểu về bản thân, kiêu ngạo, tự mãn với những điều mình vốn không có như số 0 trong câu chuyện “Niềm tự hào của số 0”: Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số 1 trở thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ”.
Sự thật là, phát hiện ra số 0 là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Số 0 được xem là con số quyền lực bậc nhất trong dãy số và trong các phép tính của toán học. Nhưng số 0 nếu đứng một mình thì không có giá trị, cũng có thể nói là vô nghĩa. Nghĩa bóng chỉ con người và sự vật không có giá trị. Số 0 chỉ có ý nghĩa khi đứng sau số 1, như những cá nhân đứng trong một tập thể có người đứng đầu (lãnh đạo) tài năng (số 1). Con số 0 trong câu chuyện không hiểu điều này nên lại tự coi mình là con số khổng lồ và đi đâu cũng “vinh dự”, “tự hào”, “vỗ ngực” khoe mình là “khổng lồ”. Những hành động “vỗ ngực”, “khoe mình” rồi “tự hào”, “vỗ ngực” là những biểu hiện cho sự kiêu ngạo, tự cao. Con số 0 tượng trưng cho cả một kiểu người trong xã hội: không hiểu được bản thân, không ý thức được đúng giá trị của bản thân dễ rơi vào thói kiêu căng, ngạo mạn. Câu chuyện là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai không nhận thức được giá trị bản thân, cứ mơ hồ mà nghĩ “Ta khổng lồ”, cuối cùng rơi vào thói kiêu căng ngạo mạn lúc nào không hay.
Ảnh minh họa
Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Việc này không phải một sớm một chiều mà có thể xong được. Tôi chưa thấy một ai sáng thức dậy bỗng nhận ra bây giờ mình đã hiểu mình là ai. Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có thế mạnh, sở trường. Điều quan trọng là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp vói cái gì để rồi mãi giũa bản thân theo nó. Thấu hiểu bản thân, nhận thức đúng giá trị bản thân là bước đầu tiên để trở thành một con người hoàn thiện, được mọi người yêu quý.
Giá trị của mỗi con người không nằm ở khối tài sản khổng lồ mà anh ta có được. Nếu một người có khối tài sản lớn, mỗi năm kiếm hàng triệu đô, nhưng lại chỉ biết nghĩ cho mình, không biết nhường cơm, sẻ áo cho những người có số phận bất hạnh, lúc đó giá trị của bạn vẫn chưa được khẳng định. Ngược lại, một người có tài sản ít hơn, nhưng có trái tim nhân hậu, luôn giúp đỡ những người quanh mình, để cuộc sống của mọi người được tốt đẹp hơn. Chỉ khi ấy con người mới khẳng định được giá trị của mình. Như vậy, giá trị của con người không phải số tiền anh tích lũy được mà là cách ứng xử nhân văn của anh ta với số tiền mà anh ta làm ra.
Biết nhận thức đúng giá trị của bản thân hơn hết sẽ giúp con người có cái nhìn khiêm tốn về bản thân, luôn biết nỗ lực cố gắng vươn lên để hoàn thiện mình, cống hiến cho xã hội. Cuộc đời này không ai là hoàn hảo cả, kể cả các vĩ nhân. Con người sinh ra đã là những giá trị sẵn có, điều giống nhau giữa các thiên tài vưới một cậu bé bán vé số, một bà bán cá ngoài chợ là họ đều có giá trị của cái tôi mà ai cũng phải công nhận. Điều khác nhau gữa họ và sự ý thức cái tôi, nhận thức đúng về bản thân thì sẽ biết nỗ lực vươn lên cống hiến cho xã hội. Như Albert Einstein, cha đẻ của ngành vật lí hiện đại, với thuyết tương đối của mình đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong ngành vật lí hiện đại, là kim chỉ nam của lĩnh vực khám phá vũ trụ. Thomas Alva Edison với hơn một nghìn phát minh, trở thành nhà khoa học vĩ đại nhất của lịch sử loài người,… Và rất nhiều nhà khoa học khác, có những đóng góp to lớn, vĩ đại cho sự phát triển của xã hội hiện đại. Còn ở đất nước ta không thể không nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã đem lại ánh sáng của tự do, hạnh phúc cho dân tộc, giải phóng dân tộc ta khỏi khiếp lầm than, nô lệ. Những con người vĩ đại này, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn năm sẽ mãi được mọi người nhớ đến và biết ơn những gì họ đã đóng góp cho nhân loại. Như vậy, ta có thể thấy rằng, giá trị đích thực của một con người là nằm ở những gì anh ta đã cống hiến, phục vụ cho cộng đồng, xã hội.
Nếu không nhận thức đúng về giá trị của mình, mỗi người sẽ rất có thể trở nên tự ti, mặc cảm. Hơn thế nữa, con người sẽ trở nên kiêu căng ngạo mạn, coi thường người khác, đánh mất chính mình, thậm chí còn trở nên ảo tưởng và ích kỉ. Trang Hạ từng viết thế này : “ Khi bạn mới chỉ 18 tuổi, bạn tưởng vào đại học là nghĩa vụ, hotgirl là mẫu người yêu lí tưởng, giàu có là số phận và tự tin chỉ là quần áo hàng hiệu. Thế nhưng, nếu bạn có tất cả những thứ đó nhưng bên trong bạn chỉ là số 0 về tình cảm, số 0 về tri thức và hiểu biết, số 0 về niềm tin thì những thứ đạt được bề ngoài ấy, liệu có giá trị hơn gì một dãy số 0 đứng sau một con số 0. Đó là lí do tại sao ta cần số 1”. Đúng vậy, con người cần nhận thức đúng giá trị bản thân, bởi mỗi con người là một giá trị sẵn có. Không thể so sánh con vịt với con chim sơn ca bởi giọng hát được, cũng không thể so sánh con cá với con sóc bởi khả năng leo cây được. Không thể so sánh con người dựa trên hai lĩnh vực khác nhau được. Do vậy, con người phải cần tự hiểu bản thân có sở trường, sở thích gì, năng lực gì để mà phát triển theo nó. Nhưng nếu quá tự tin vào bản thân sẽ sa vào lối sống tô hồng, kiêu ngạo, không coi ai ra gì, tự coi mình là trung tâm vũ trụ, xem thường người khác. Không những không được coi trọng mà còn tự đánh mất chính mình, như số 0 trong câu chuyện. Trước khi có số 0, thế giới đã có rồi. Giả dụ, một ngày nào đó, tất cả biến mất, chỉ còn lại mỗi số o thì liệu cuộc sống có còn ý nghĩa nào không? Dĩ nhiên là không rồi. Cuộc sống này vốn dĩ tươi đẹp là nhờ có rất nhiều yếu tố biết tỏa sáng giá trị một cách khiêm tốn và thầm lặng. Dù nhìn nhận ở mặt nào thì ta cũng thấy sự “khổng lồ” của con số 0 được tạo nên từ những con số khác. Bởi thế, khi số 0 đứng một mình, nó cũng không có giá trị gì.
Câu chuyện còn gợi lên thông điệp về vai trò của tập thể đối với mỗi cá nhân. Một cá nhân khi đứng riêng rẽ sẽ không có được sự thành công và khẳng định được giá trị bản thân. Và để bắt đầu tìm hiểu chính mình, điều cần làm là ngưng so sánh mình với người khác, ngưng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương mình.
Thật đáng phê phán cho những kẻ kiêu ngạo, thấy mình hơn đời, hơn người không chịu học hỏi, và cả những kẻ quá tự ti không dám đứng lên khẳng định cái tôi của bản thân.
Là một học sinh, em cần ý thức đúng giá trị bản thân, tự tin và cống hiến hết mình cho tập thể. Cần trân trọng sức mạnh của cộng đồng song cần nhận thức đầy đủ về công việc và cuộc sống của bản thân để có sự lựa chọn đúng đắn: khi nào cần hòa mình với mọi người, khi nào cần tư duy độc lập, việc gì cần phối hợp sức mạnh chung của tập thể, việc gì cá nhân phải tự giải quyết bằng năng lực, nội lực của chính mình…
Lê Thu Trang