Nghị luận xã hội về vai trò của gia đình


Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về vai trò của gia đình.

Bài làm

Trong một cuốn sách nào đó, tôi đã đọc được câu châm ngôn như thế này: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận” (Euripides). Có lẽ vậy, gia đình sẽ là gì đây nếu không phải nơi nuôi dưỡng ta về thể xác, tâm hồn và như một điểm tựa đồng điệu với những khổ đau hay hạnh phúc. Và gia đình còn cho ta nhiều thứ hơn thế nữa. Do vậy, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng đối với mỗi một con người.

Hai chữ “gia đình” dường như luôn gắn liền với câu ví như những “tế bào xã hội”. Trong lĩnh vực xã hội học, gia đình được quan niệm như là một thiết chế xã hội đặc thù mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ con nuôi… và bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau từ đó đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên trong gia đình cũng như thực hiện quy luật tái sản xuất con người. Nói chung, chúng ta hiều đơn giản gia đình là một tập hợp nhóm người cùng sống và gắn kết với nhau thông qua quan hệ hôn nhân, huyết thống… Thông thường, một gia đình cơ bản gồm có các mối quan hệ vợ-chồng, cha-mẹ và con-cái.

Nói tới nguồn gốc của gia đình, ta cần phân biệt rõ gia đình loài người với cuộc sống lứa đôi của động vật. Quan niệm ở động vật cũng hình thành một gia đình là không được chấp nhận. Bởi gia đình ở loài người là phức hợp của các yếu tố sinh học, văn hóa, tâm lí, kinh tế… ở đó các thành viên luôn chịu ràng buộc về luật lệ, chuẩn mực giá trị, điều kiện văn hóa xã hội… Do đó, chỉ ở loài người mới có gia đình. Theo đó, có nhiều kiểu gia đình: gia đình hạt nhân hai thế hệ, gia đình ba thế hệ, tứ đại đồng đường (bốn thế hệ trở lên)… với các hình thức như gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ…

>> Xem thêm:  Chứng minh nghệ thuật châm biếm đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc qua tác phẩm Vi hành

Bất kì quốc gia nào đều có gia đình, song phương Đông thường coi trọng gia đình và vai trò của gia đình hơn phương Tây. Ở Việt Nam, gia đình được cho là cái nôi của sự gắn kết tình đồng bào, đồng loại và là động lực to lớn cho sự phát triển đất nước. Với mỗi con người Việt Nam, gia đình có vai trò quan trọng với mỗi thành viên.

nghi luan xa hoi ve vai tro cua gia dinh - Nghị luận xã hội về vai trò của gia đình

Nghị luận xã hội về vai trò của gia đình

Gia đình thường mang hai chức năng cơ bản là tái tạo ra một thế hệ mới về sinh sản và giáo dục đồng thời là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các thành viên trong gia đình.

Trước hết, gia đình đảm nhiệm vai trò như một quy luật tự nhiên – sinh đẻ. Nếu không có gia đình, con người sẽ không thể duy trì nòi giống. Đây là chức năng sinh học. Bên cạnh việc sinh ra, nuôi lớn những đứa trẻ, gia đình thực hiện nhiệm vụ giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi thành viên. Điều này rất quan trọng. Cứ thử lật ngược lại vấn đề mà xem. Trong một gia đình, nếu cha mẹ chỉ sinh ra con cái rồi bỏ mặc không dạy cách nói năng, đi đứng, biết chào hỏi, biết sắp xếp đồ đạc, tự chỉn chu áo quần… thì đứa trẻ đó sẽ không biết cách tồn tại như một con người. Những đứa trẻ không may lạc vào rừng và buộc phải tồn tại ở nơi đó, nó sẽ chỉ sống như một cá thể loài vật với cách ăn, chạy nhảy, hoạt động kiếm sống… như loài vật mặc dù mang dòng máu loài người. Điều này xảy ra thậm chí với cả người trưởng thành.

>> Xem thêm:  Anh/ chị hiểu như thế nào về tâm sự của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau: "Em ơi ... muôn đời” (Đất Nước - trích Mặt đường khát vọng, theo Văn học 12, tập một, tr.249, NXB Giáo dục - 2006)

Vụ việc về hai cha con “người rừng” được phát hiện vào năm 2013 ở Quảng Ngãi là một ví dụ cụ thể. Hai cha con hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang sau hơn 40 năm lưu lạc trong rừng sâu đã ăn, ở, sinh hoạt… như những loài vật khác trong rừng. Khi các cơ quan chức năng cố gắng đưa họ trở về cuộc sống của cộng đồng người, họ đã tìm cách trốn chạy trở về rừng sâu.

Mặt khác, gia đình còn thực hiện chức năng thứ hai lớn lao hơn, đó là nuôi dưỡng, chăm sóc các thành viên không chỉ thể xác mà là cả tâm hồn. Đến đây, tôi không thể không nghĩ về những người cha, người mẹ.

“Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Cha mẹ cho chúng ta sự sống. Và rồi đây, họ cho ta dòng sữa ngọt ngào và tình thương bao la để ta lớn lên thật khỏe mạnh và có ích. Ta lớn lên trong mỗi bữa cơm ngon của mẹ. Ta được vui chơi, học hành, có cái ăn, cái mặc là nhờ những đồng tiền vất vả lao động mà kiếm được của ba. Yêu ba mẹ, ta biết yêu cả mái trường, thầy cô, bè bạn. Yêu gia đình, ta biết yêu cả quê hương, tổ quốc. Gia đình giáo dục ta biết “uống nước nhớ nguồn”, sống nhân ái, bao dung, đoàn kết, tự trọng, cống hiến… Làm sao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể yêu Tổ quốc nồng nàn đến như vậy, há chẳng phải được thừa hưởng tình yêu nước thiết tha của người cha nho học và mảnh đất Nghệ An nghèo khó đó sao! Làm sao mà những anh bộ đội cụ Hồ lại sẵn sàng hi sinh vì dân tộc như vậy, há chẳng phải vì gia đình ở quê nhà hay sao!

>> Xem thêm:  Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Gia đình không chỉ giáo dục nhân cách mà còn là điểm tựa tâm hồn. Những lúc mệt mỏi, cô đơn, có ai không thèm được ngả vào vòng tay ấm áp của mẹ. Những khi thất bại, chỉ có ba mới thấu hiểu chúng ta tuyệt vọng đến nhường nào. Một nụ cười, một ánh mắt của người thân cũng giúp ta vơi bớt bao khó nhọc. Có ai hiểu ta hơn anh chị em trong nhà. Lúc khó khăn nhất, sự động viên vật chất hay tinh thần của gia đình khác nào thấy ánh cầu vồng sau mưa. Nói tóm lại, vai trò của gia đình không chỉ bó hẹp ở các thành viên mà còn là cơ sở tạo nên sức mạnh quốc gia, dân tộc.

Học sinh thuộc thế hệ con cái trong một gia đình, do vậy luôn được bảo bọc, chăm sóc. Do đó, những hành động coi thường, ghét bỏ gia đình là không thể chấp nhận được ở một số bạn học sinh. Thay lời kết về vấn đề vai trò của gia đình, tôi muốn nói đến câu châm ngôn: “Có một nơi để về đó là nhà, có những người để yêu thương đó là gia đình, có được cả hai đó là hạnh phúc”

Hoài Lê

 

Bài viết liên quan