Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu
Đề bài: Phân tích 8 câu đầu bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu.
Bài làm
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước từ ngày Âu Lạc có Lạc Long Quân cùng Âu Cơ khai hoang lập địa, 18 đời vua Hùng lập ấp đến “Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập” (“Đại cáo bình Ngô” – Nguyễn Trãi) rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đau thương nhưng quật khởi của nhân dân qua đi đã có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ say sưa viết về đất nước Việt Nam. Tố Hữu cũng nằm trong số đó. “Việt Bắc” của Tố Hữu đã phản ánh đúng bản chất nghệ thuật của văn chương và thiên chức chính nghĩa, cải tạo xã hội. 8 câu thơ đầu tiên trong “Việt Bắc” sẽ minh chứng điều này:
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Tố Hữu là “lá cờ đầu” của thơ ca cách mạng Việt Nam thời chống Pháp và chống Mĩ, là mẫu nhà văn – chiến sĩ lí tưởng giống như nhiều nhà văn, nhà thơ khác thời kì văn học 1945-1975.
Chặng đường thơ Tố Hữu luôn gắn liền và hòa quyện cùng chặng đường cách mạng. Bài thơ “Việt Bắc” nằm trong tập thơ cùng tên , thuộc chặng thơ 1946-1954, đánh dấu sự trưởng thành lớn lao trong sự nghiệp thơ Tố Hữu.
Bài thơ ra đời gắn liền với sự kiện Hiệp định Giư-ne-vơ chính thức có hiệu lực, hòa bình lập lại ở miền Bắc và cùng lúc cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam là Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rời cứ địa chiến khu Việt Bắc để trở về Thủ đô Hà Nội. Cuộc chia tay bịn rịn giữa cán bộ kháng chiến về xuôi và đồng bào miền núi ở lại đã gợi cảm hứng cho Tố Hữu viết lên bài thơ này. 8 câu thơ đầu bài thơ khắc họa rõ nhất, khái quát nhất không gian, thời gian và lòng người trong cuộc chia tay lịch sử.
Tố Hữu lấy chất liệu văn học dân gian cùng những sáng tạo mới lạ kết hợp cảm hứng “trữ tình chính trị” vốn có để tạo nên một đoạn thơ 8 câu đầy tính nghệ thuật và thời sự. Trong đó, 4 câu thơ đầu trong bài thơ là tiếng lòng của người ở lại nói với cán bộ chiến sĩ chuẩn bị về dưới xuôi:
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”
Cặp từ hô ứng “mình” – “ta” vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca:
“Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò”
Hay
“Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
Nhờ đó mà bài thơ cũng gần gũi, thân thuộc với mọi người hơn.
Mặt khác, từ “mình” và “ta” còn là cách gọi giữa các cặp vợ chồng với nhau, do đó khiến câu thơ trở nên cực kì tình tứ, “ta” với “mình” cứ giao hòa, hai mà một, một mà hai.
Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc
Cách tu từ “có nhớ”, “không” kết hợp với điệp ngữ “nhớ” khiến cho giọng thơ đậm màu hồi ức cũng như thiết tha, sâu nắng hơn. Cứ một câu lục nghi vấn lại có một câu bát khẳng định tạo cảm giác như nhân vật trữ tình hỏi mà như cố ý trả lời thay, hỏi mà như kể, hỏi mà như giãi bày.
Người ở lại nhắc đến nhiều không gian khác nhau là núi, sông, nguồn… gắn liền với thiên nhiên và nguồn cội những năm tháng kháng chiến. Hơn nữa, cụm từ “thiết tha mặn nồng” cũng có tác dụng bao quát nỗi nhớ của cả một thười kì “mười lăm năm ấy”. Mười lăm năm được nhắc tới là 15 năm kháng chiến chống Pháp trường kì, gian khổ nhưng thắm tình quân dân cá-nước, bao gồm chặng đường lịch sử dài từ khi Đảng lãnh đạo nhân dân tới đêm tổng khởi nghĩa quật cường của toàn dân tộc. Người ở lại không nhắc đến những đau thương hay mất mát mà chỉ nhớ về những nghĩa tình. Do đó đoạn thơ thực sự đã cho thấy chất “trữ tình chính trị” và giọng thơ tâm tình, ngọt ngào của cái tôi Tố Hữu.
Tác giả vận dụng thể nói đối, hát giao duyên của văn học dân gian. Khi lời người ở lại lên tiếng “tha thiết” hỏi thì người ra đi cũng theo đó mà trả lời:
“– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Khổ thơ mang nỗi niềm xúc động, luyến tiếc không rời của những cán bộ, chiến sĩ về xuôi. Ở đó, vì lời chia tay của người ở lại “tha thiết” quá nên người ra đi cũng trở nên “bâng khuâng”, “bồn chồn”. “trong dạ” là biểu tượng cho nội tâm còn “bước đi” là biểu tượng của hành động bên ngoài. Như vậy, nỗi lưu luyến hiện hữu rõ nét trong cả tâm hồn bên trong và ngoài mặt của người về xuôi.
Đang từ nhịp thơ đều 2/2/2 hay 4/4 thì câu thơ thứ ba chuyển sang nhịp 3/3 và 3/5:
Áo chàm đưa/buổi phân li
Cầm tay nhau/biết nói gì hôm nay
Điều này cho thấy bước đi của tâm hồn và cơ thể người ra đi cũng đang trở nên ngập ngừng, không muốn chia xa.
Khi “áo chàm” kết hợp với chữ “phân ly” gợi ra hình ảnh người chinh phụ xưa tiễn chồng ra trận đồng thời từ “áo chàm” còn là hình ảnh hoán dụ cho người đồng bào Việt Bắc nghĩa tình, hùng cường nhờ đó mà câu thơ giàu màu sắc sử thi. Trái lại hình ảnh “cầm tay nhau biết nói gì” lại giàu màu sắc hiện đại, chỉ có văn chương hiện đại mới dám nói và dám miêu tả trần trụi những hành động tình cảm cá nhân trong một sự kiện rất lịch sử. Cái “cầm tay” không lời mà như nhiều lời lắm, rõ ràng là nhiều lời lắm nhưng không thể nói nên lời, chỉ biết “mình” và “ta” cứ đứng đó cầm tay nhau mà giao tiếp bằng điệu hồn tình nghĩa.
Tóm lại, 8 câu đầu trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mang nhiều đặc sắc nghệ thuật như nhịp thơ linh hoạt, vận dụng sáng tạo chất liệu thi ca dân gian, giọng thơ tâm tình, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất sử thi và màu sắc hiện đại… đã khái quát lên một cuộc chia tay vĩ đại nhất trong lịch sử giữa “mình” và “ta”, quân và dân Việt Nam. Tố Hữu rất xứng đáng là nhà thơ cách mạng lớn nhất của thế kỉ XX.
Hoài Lê