Phân tích bài thơ Bài Ca Ngất Ngưởng của nhà thơ Nguyễn Công Trứ


Đề bài: Phân tích bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của nhà thơ Nguyễn Công Trứ.

Bài làm

Nói về chất “ngông” của nhà văn, nhà thơ Việt Nam các thời kì, Nguyễn Công Trứ là một cái tên khá tiêu biểu. Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Công Trứ đầy ngông ngạo đã được thu gọn lại trong một bài thơ ngắn mang tên “Bài ca ngất ngưởng”.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), quê Hà Tĩnh, có hiệu Hi Văn, là một nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà thơ thời nhà Nguyễn. Ông làm quan qua nhiều đời vua như Gia Long Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với công trạng to lớn trong việc khai hoang, mộ dân đồng thời có nhiều công trạng giúp triều đình chống quân nổi dậy. Do tính tình cương trực, phóng khoáng nên cuộc đời quan trường khá lận đận.

Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” (1948) được sáng tác trong quãng thười gian Nguyễn Công Trứ cáo quan về ẩn cư tại quê nhà. Nội dung bài thơ tựa như một bản ghi công về một cuộc đời đầy thăng trầm của một tâm hồn vô cùng tự do, ngông ngạo.

Mở đầu bài thơ, tác giả bàn đến một vấn đề quen thuộc trong thơ ca trung đại:

 “Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”

Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của bậc nam nhi.

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

(“Xuất dương lưu biệt” – Phan Bội Châu)

Nếu như Phan Bội Châu định nghĩa bổn phận của nam nhi là phải chủ động làm nên chuyện lạ lùng, “hy kì” thì Nguyễn Công Trứ cho rằng mọi việc trong “vũ trụ” này đều thuộc về “phận sự”, bổn phận của đấng nam nhi. Tác giả đã tự đặt bản thân ngang tầm vũ trụ.

>> Xem thêm:  Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, bức tranh phố huyện được nhìn qua con mắt của ai? Điều này có ý nghĩa gì?

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là lại có gì đó rất khiêm tốn khi mà tác giả ví mình là “vào lồng”, tức là đã từ tốn chịu bó hẹp trong khuôn tắc của lễ nghi, phép nước. Mặt khác, chữ “đã” lại biểu hiện sắc thái bị động. Như vậy, Nguyễn Công Trứ đã tạo nên phép đối lập trong hai câu thơ, tuy thể xác bị bó buộc song lý tưởng thì vô cùng lớn lao.

Khi làm quan, Nguyễn Công Trứ lập nhiều công danh:

“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”

Khác với bản tính khiêm tốn của những người Nho học, Nguyễn Công Trứ luôn tự tin về sự nghiệp công danh của mình. Hàng loạt những chức vụ mà “ông Hi Văn” đã từng đảm nhiệm được kể ra làm minh chứng: Thủ khoa, Tham tám, Tổng đốc Đông, Bình Tây đại tướng, Phủ doãn Thừa Thiên… Đó vừa thể hiện tài văn trị hơn người mà còn cho thấy cả tài năng “thao lược”, lãnh đạo binh tướng. Những điệp ngữ “khi”, từ “gồm”, “lúc”, “có khi”… tạo nên giọng điệu nhanh, dứt khoát, đầy bản lĩnh. Đây là chất phóng khoáng mà ít trí sĩ bấy giờ sánh kịp với Nguyễn Công Trứ.

phan tich bai tho bai ca ngat nguong cua nha tho nguyen cong tru - Phân tích bài thơ Bài Ca Ngất Ngưởng của nhà thơ Nguyễn Công Trứ

Phân tích bài thơ Bài Ca Ngất Ngưởng

Kết thúc sự nghiệp công danh, Nguyễn Công Trứ trở lại cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, cuộc sống ấy lại không tầm thường chút nào. Vẫn là cái chất ngông ấy:

>> Xem thêm:  Bài tập trắc nghiệm Địa lý lớp 11 Bài 1: Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế - xã hội

“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”

Trên chặng đường cáo quan về ở ẩn, Nguyễn Công Trứ đã tự thuật hành động, không gian và thái độ hết sức “ngất ngưởng”. Đó là hành động cưỡi “bò vàng” mà “vinh quy bái tổ”.

Văn học dân gian có đoạn:

“Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy

Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.

Tôi ra đón tận gốc bàng

Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem”

Vậy mà ông Hi Văn vinh quy lại thật đặc biệt. Người ta kiệu khiêng, lính tráng dẹp đường, ông Hi Văn thì cưỡi bò, lại đeo thêm đôi lục lạc kêu long cong khắp đoạn đường.

Con đường về quê cũng chẳng cần một ai tung hô, nghênh rước mà mình ông Hi Văn cứ túc tắc vừa đi vừa ngắm cảnh. Hình ảnh “núi”, “mây trắng”, “phau phau” gợi lên một mĩ cảnh tráng lệ, thoát tục. Ở đó, Nguyễn Công Trứ ví bản thân là “tay kiếm cung” nay về hưu cũng hóa Thần Phật “từ bi”. Chưa hết, đôi chân đi hài được ví như gót tiên. Cái “nực cười” của Bụt kết hợp với những từ “tay”, “dạng”, “đủng đỉnh” đã biến thành cái cười nhạo một đời công danh của chính tác giả. Như vậy, Nguyễn Công Trứ tuy công trạng cao như núi nhưng lại luôn coi thường danh lợi, vật chất tầm thường.

Đoạn thơ cuối bài là triết lí sống của Nguyễn Công Trứ:

“Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

>> Xem thêm:  Phân tích bài "Từ ấy" của nhà thơ Tố Hữu: "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Mặt trời chân lý chói qua tim, Hồn tôi là một vườn hoa lá, Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Trước hết, đó là triết lí được-mất, khen-chê ở đời. Tác giả đặt mình ngoài vòng danh lợi bon chen mà cứ sống với thái độ “dương dương”, “phơi phới” tựa như bậc nhân sĩ thanh cao, phóng khoáng. Bằng cách nào? Bằng cách hào mình vào thú vui của người nghệ sĩ. Những hình ảnh “ca”, “tửu”, “cắc”, “tùng” kết hợp với điệp từ từ “khi” cho thấy tâm hồn rất nghệ sĩ, hài hòa với nghệ thuật và thưởng thức hương vị thanh cao ở đời của tác giả. Rồi đó còn là một chân dung trong sáng, bình lặng tới mức còn “không Tiên”, “không Phật” cũng không “vướng tục”. Những từ phủ định “không”, “chẳng” góp phần khẳng định tuyệt đối một tâm hồn, nhân cách rất mực thanh tịnh.

Mặt khác, đến cuối cùng, Nguyễn Công Trứ vẫn tự ý thức phải biết làm đúng bổn phận “vẹn đạo” trung-nghĩa của đấng nam nhi. Từ “ngất ngưởng” lặp đi lặp lại 4 lần từ đầu tới cuối bài thơ trở thành biểu tượng cho một nhân cách sống có lối chơi ngông thách thức mọi thứ, nhưng vẫn luô dựa trên nền tảng tự ý thức được tài năng và bổn phận bản thân.

Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” có nhiều đặc sắc trong giọng thơ, hình ảnh thơ và phép xây dựng tứ thơ khắc họa bức chân dung Nguyễn Công Trứ vượt lên đời sống tầm thường để cho cái tôi tự do “ngất ngưởng” và bộc lộ cái triết lí nhân sinh quan tiến bộ.

Hoài Lê

Bài viết liên quan