Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi


Đề bài: Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Bài làm

Đến với thơ Nguyễn Trãi – đại thi hào dân tộc Việt Nam, ta sẽ bắt gặp một tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người đến tha thiết. Mỗi tác phẩm của ông đều chất chứa những tình cảm rất chân thành, thắm thiết. Trong tập thơ quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã viết rất nhiều về thiên nhiên và con người của làng quê Việt Nam. Trong đó, Cảnh ngày hè là những vần thơ viết về mùa hè của chợ cá làng ngư phủ với những hình ảnh rất đơn sơ, giản dị nhưng đã vẽ lên bức tranh chân thực về phong cảnh ngày hè ở một miền quê yêu dấu.

Cản ngày hè của Nguyễn Trãi không chỉ có nắng chói chang, có những cơn mưa rào xối xả, mà còn có những sắc màu rực rỡ:

Ngồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Bức tranh được Nguyễn Trãi vẽ lên bằng tất những giác quan và sự cảm nhận tinh tế nhất của mình. Hòe lục, thạch lựu hiên, hồng liên trì… mọi thứ như có nội lực đang tràn trề, thúc đẩy ngay bên trong bản thân mỗi loài cây. Nhựa sống cùng với sinh lực mạnh mẽ được Nguyễn Trãi thể hiện bằng những động từ rất mạnh: đùn đùn, phun, tiễn. Nếu là một người bình thường sẽ chỉ nhìn thấy rặng hòe um tùm sum xuê lá, những chùm lựu đỏ chót bên hiên nhà, và tất nhiên không thể thiếu những bông hoa sen tỏa hương thơm dịu dàng trong gió. Nhưng với thi nhân, với tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết, Nguyễn Trãi còn cảm nhận được sức sống đang căng tràn trong từng cảnh vật. Dường như mọi thứ cứ thế sinh sôi nảy nở không ngừng, tạo nên luồng cảm xúc hào hứng và hối hả.

>> Xem thêm:  Tuổi trẻ với tình yêu. (Yêu cầu viết bài văn)

Giữa bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu ấy, hình ảnh con người xuất hiện như một nét chấm phá tô đậm thêm cho bản sắc quê hương đậm đà, thắm thiết:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương

Giữa lúc thiên nhiên bừng sức sống, con người cũng hòa chung với nhịp sống sôi động ấy. Vì thế Nguyễn Trãi đã đảo từ lao xao lên trước chủ ngữ để nhấn mạnh cảnh nhộn nhịp của một miền quê yên bình giữa mùa hè nắng chói. Cộng thêm tiếng ve kêu càng làm cho không gian náo nhiệt, sôi động. Con người và thiên nhiên đã hòa nhập làm một. Trước cảnh quê hương thanh bình yên ả, lòng thi nhân lại nhớ tới câu chuyện thần thoại của Trung Quốc về hai triều vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn. Đây là hai triều đại lí tưởng, xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Riêng Ngu Thuấn có khúc hát Nam phong, trong đó có câu: Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề (Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của). Ngu cầm là đàn của vua Ngu Thuấn. Ý cả câu: Hãy để cho ta có đàn của vua Thuấn để đàn một khúc Nam phong. Trong lúc hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên của mùa hè trào dâng sức sống, Nguyễn Trãi không quên những nỗi niềm mong ước ấp ủ riêng trong lòng. Rằng: Dâng giàu đủ khắp đòi phương.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn bình luận chủ đề: Biết và hiểu là cần để làm theo, đi theo, nhưng phải biết tưởng tượng mới sáng tạo được cái mới

Tấm lòng của tác giả chính là vấn đề lớn của dân tộc, mang tầm vóc quốc gia. Nhưng điều mấu chốt trong niềm mong ước lớn lao ấy lại bắt nguồn từ chính những điều giản đơn nhất, từ những vùng quê nghèo của mọi miền Tổ quốc.

Giọng điệu hai câu thơ trở nên trầm xuống, nhẹ nhàng hơn, chậm hơn và thể hiện ý niệm sâu sắc hơn. Đó cũng là cách mà tác giả thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người của mình. Tác giả không trực tiếp bộc lộ tình yêu ấy, nhưng qua cách thể hiện trong tác phẩm, ta thấy rằng tình yêu của ông rất tha thiết, rất chân thành và giàu cảm xúc.

Qua tám câu thơ Đường luật ngắn gọn, người đọc không những được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu mà còn cảm nhận được tình yêu tha thiết, yêu đời, yêu nhân dân của Nguyễn Trãi. Câu thơ lục ngôn cuối bài ngắn gọn đã thể hiện cảm xúc dồn nén của nhà thơ. Cảm xúc ấy rất chân thành và ý nghĩa, có sức lan tỏa tới hàng nghìn thế hệ sau.

Bài viết liên quan