Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dàn ý và bài làm chi tiết)


Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

I, Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung, phạm vi phân tích

1, Tác giả:

– Là con người tài năng, cốt cách thanh cao và có lòng yêu nước sâu nặng

– Các tác phẩm của ông chủ yếu bộc lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước của người trí thức và tình cảm gắn bó với con người nơi làng quê Việt Nam.

– Là nhà thơ trữ tình lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu XX

2, Tác phẩm:

– Đề tài: Mùa thu

– Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật

3, Nội dung phân tích: Bài thơ đã vẽ nên bức tranh thu nơi đồng bằng Bắc Bộ, qua đó bộc lộ tấm lòng của thi nhân

II, Phân tích:

1, Khái quát:

-Xuất xứ: trích trong chùm thơ thu gồm “Thu ẩm”, “Thu vịnh”, “Thu điếu”.

– Đại ý:

    + Vẽ nên một bức tranh mùa thu thanh sơ

    + Nỗi niềm tâm sự thầm kín của một hồn thu thanh cao

2, Phân tích

a, 6 câu đầu: bức tranh thu đơn sơ, mang đậm hồn quê Việt

   *Giới thiệu cảnh câu cá (trích 2 câu thơ đầu)

      -Hình ảnh “ao thu”

        + Khoảng không gian quen thuộc, gần gũi nơi làng quê xứ Bắc

        + Từ láy “lạnh lẽo” kết hợp với tính từ “trong veo”: “ao thu” hiện lên như một khối nước trong vắt, lắng như được lọc

–>Bút pháp chấm phá gợi khoảng không gian mùa thu trong sáng, gần gũi

     -Hình ảnh “chiếc thuyền câu”:

         + Số từ “một”: gợi sự cô đơn, ít ỏi

         + Vần “eo” kết hợp với từ láy “tẻo teo”: gợi sự nhỏ bé , xinh xắn

*Cảnh sắc thu (trích 4 câu thơ tiếp theo)

  – Điểm nhìn: vận động tinh tế từ gần đến cao, xa rồi lại quay về gần -> đem đến góc nhìn đa chiều

  – Nét vẽ: mềm mại, uyển chuyển

  – Sắc thu:

    + Màu xanh: “xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh trúc, xanh trời”

    + Màu vàng của chiếc lá thu rơi

->Màu sắc gần gũi, chân thực

  – Âm thanh chuyển động

    + Âm thanh: tiếng sóng “hơi gợn tí”, tiếng lá vàng “khẽ đưa vèo” -> thủ pháp lấy động tả tĩnh đặc tả sự vắng lặng của không gian

    + Chuyển động: rất khẽ, rất nhẹ

-> Cảnh thu có hồn, trong xanh nhưng không lặng lẽ, các hình ảnh, chi tiết gần gũi, thân thuộc, tiêu biểu cho mùa thu làng cảnh Việt Nam

b, Tâm trạng nhà thơ (trích 2 câu cuối)

-Tư thế: “ tựa gói buông cần”àbất động, nhà thơ như đang chìm trong những suy nghĩ riêng, muốn thu mình lại

>> Xem thêm:  Giới thiệu một vài nét về Vũ Trọng Phụng và chương “Hạnh phúc của một tang gia"

– Tâm thế: chờ đợi mà không chờ đợi (“lâu chẳng được”)

– Cái giật mình thảng thốt “cá đâu đớp động dưới chân bèo”

  + Từ “đâu” có thể hiểu là đâu đó hoặc đâu có –> dù hiểu theo cách nào thì đều hiểu rằng người đi câu không hề chú tâm đến việc câu cá

-Liên hệ để làm rõ tâm trạng nhà thơ:

 “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”   

 (“Thu vịnh”)

“Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”

(“Thu ẩm”)

-> Dù chìm vào chốn bình yên nhưng Nguyễn Khuyến vẫn trăn trở với thời cuộc, qua đó kín đáo bộc lộ tâm sự yêu nước

3, Tổng kết:

a, Nghệ thuật:

 -Hình ảnh thơ gần gũi, chọn lọc, tinh tế

 – Bút pháp lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình

 – Sử dụng ngôn từ tinh tế (cách gieo vần “eo”)

b, Nội dung:

 -Vẽ nên một bức tranh thu mang đặc trưng của mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ

 – Thể hiện tâm hồn đáng quý của thi nhân: là một con người yêu thiên nhiên, yêu đất nước

III, Kết bài: tóm tắt lại nội dung, nêu cảm nghĩ bản thân

unnamed file - Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu

Bài làm tham khảo

Nguyễn Khuyến là nhà thơ trữ tình lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu XX. Các tác phẩm của ông chủ yếu bộc lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước của người trí thức và tình cảm gắn bó với con người nơi làng quê Việt Nam.Bài thơ “Câu cá mùa thu” là một trong những tác phẩm như thế. Lấy cảm hứng từ đề tài mùa thu quen thuộc, bài thơ đã vẽ nên một bức tranh thu nơi đồng bằng Bắc Bộ, qua đó bộc lộ tấm lòng của thi nhân.

Bài thơ “Câu cá mùa thu” nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Tác phẩm đã vẽ nên một bức tranh về một chốn thu thanh sơ mang đặc trưng của mùa thu nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Ẩn sau đó là nỗi niềm tâm sự thầm kín của một hồn thu thanh cao.

Trước hết, bài thơ mở ra bằng hình ảnh ao thu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.

Hình ảnh chiếc “ao thu” gợi khoảng không gian quen thuộc, gần gũi nơi làng quê xứ Bắc. Từ láy “lạnh lẽo” kết hợp với tính từ “trong veo” khiến hình ảnh ao thu mang đầy chất thơ. Tạm quên đi những cơn mưa rào xối xả của mùa hạ, ao thu dường như thấm đẫm cái lạnh se sắt của gió heo may, lắng đến độ như được lọc, trong vắt đến tận đáy. Trong không gian của trời thu, nắng thu, gió thu ấy, ta bắt gặp hình ảnh “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Số từ “một” gợi sự cô đơn, ít ỏi    , giữa ao thu, chỉ có độc nhất một chiếc thuyền câu nhỏ nhắn. Từ láy “tẻo teo” gợi sự nhỏ bé , xinh xắn cùng cách gieo vần “eo” tài hoa không chỉ đem đến cái hồn của cảnh vật mà còn đem lại cảm giác yên bình một cách lạ thường. Bằng bút pháp chấm phá, nhà thơ đã phác họa một khoảng không gian mùa thu trong sáng, gần gũi và tĩnh lặng. Bên cạnh khoảng không gian mùa thu trong trẻo, nhà thơ còn miêu tả mùa thu bằng những nét vẽ đầy tinh tế, tràn ngập màu sắc và âm thanh:

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh (chị) về truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

 “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

 Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.

Không gian mùa thu dường như có sự vận động tinh tế từ gần vươn ra tới cao, xa rồi lại quy tụ về gần. Sự thay đổi điểm nhìn không chỉ đem đến góc nhìn đa chiều cho cảnh vật mà sự vận động từ “ao thu” rồi trở lại “ao thu” khiến cả đất trời như thu lại, nép mình trong chiếc ao nhỏ bé. Bên cạnh ao thu, thuyền câu, giờ đây xuất hiện thêm “sóng biếc”, “lá vàng”, “tầng mấy”, “ngõ trúc”. Mỗi một sự vật làm nên một nét thu mềm mại, uyển chuyển mà thanh thoát, một dáng thu ý nhị mà mộc mạc. Bức tranh thu ấy còn hiện lên trong sự hòa phối giữa sắc xanh và vàng mà nổi bật hơn là ở các “điệu xanh”: “xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh trúc, xanh trời”. Không gian phủ kín màu xanh, chỉ có duy nhất sắc vàng của chiếc lá thu rơi. Không chỉ miêu tả màu sắc thu, Nguyễn Khuyến còn cảm nhận được tiếng thu, bước thu. Tiếng thu là tiếng sóng gợn nơi ao lạnh, là tiếng gió hiu hắt đâu đây trên cành trúc, đặc biệt là tiếng lá vàng rơi nghiêng “khẽ đưa vèo”. Khắp không gian cũng là những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng, rất khẽ, rất êm. Các hình ảnh trong bức tranh thu ấy không có chút dấu vết nào của công thức, ước lệ, mà gần gũi, thân thuộc, trong trẻo, thanh sơ, mang đậm hồn thơ xứ sở.

Nếu như ở sáu câu thơ đầu, người đọc cảm nhận được một cảnh thu có hồn, trong xanh nhưng không lặng lẽ, các hình ảnh, chi tiết gần gũi, thân thuộc, thì ở hai câu thơ cuối, bức tranh thu lại mang nỗi niềm tâm sự thầm kín:

>> Xem thêm:  Thuyết trình tập truyện ngắn Cánh đồng bất tân-Nguyễn Ngọc Tư

 “Tựa gối buông cần câu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Bài thơ có nhan đề là “Câu cá mùa thu” nhưng phải đến hai câu cuối nhân vật trữ tình mới xuất hiện. Trong dáng người tĩnh lặng, “tựa gối buông cần”, phải chăng người đi câu muốn thu mình lại để chìm trong nhưng suy nghĩ riêng. Từ “đâu” có thể hiểu là đâu đó hoặc đâu có. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì có lẽ người đi câu không hề chú tâm đến việc câu cá. Nhưng dù là đâu có tiếng cá đớp động hay cái giật mình thảng thốt khi đâu đó có tiếng cá đớp động thì bài thơ cũng chứng tỏ với Nguyễn Khuyến đi câu chỉ là cái cớ để ông gửi gắm nỗi niềm tâm sự. Có lẽ, không chỉ riêng mỗi ở “Thu điếu” mà ở trong chùm ba bài thơ thu của mình, Nguyễn Khuyến đều gửi gắm những tâm sự riêng. Như trong “Thu vịnh”, để nói lên nỗi niềm ưu thời, mẫn thế, ông đã trăn trở rằng:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

Nỗi thẹn với Đào Tiềm cũng chính là nỗi thẹn của nhà thơ với dân, với nước và với chính mình. Gửi trong bức tranh thu là một nỗi lòng chưa một giây phút bình yên. Dù chìm vào chốn bình yên nhưng Nguyễn Khuyến vẫn trăn trở với thời cuộc, qua đó kín đáo bộc lộ tâm sự yêu nước.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thất ngôn bát cú đường luật với những thủ pháp quen thuộc như chấm phá, lấy động tả tĩnh. Hệ thống từ láy giàu hình tượng, những hình ảnh gần gũi, chân thực, tinh tế. Đặc biệt, nghệ thuật gieo vần “eo” đã thể hiện tài năng bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Nhờ vậy, bức tranh thu hiện lên vừa quen thuộc, vừa lạ, vừa chân thực, độc đáo. Về nội dung, bài thơ trước hết đã vẽ nên một bức tranh thu mang đặc trưng của mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, bài thơ đã thể hiện tâm hồn đáng quý của thi nhân: là một con người yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết.

Qua bài thơ “Câu cá mùa thu”, Nguyễn Khuyến đã góp thêm vào kho tàng thơ thu một bức tranh vừa quen thuộc, vừa độc đáo. Và có lẽ, ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”. Sâu trong một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên là tấm lòng yêu nước nồng nàn, luôn lo nghĩ cho dân, cho nước.

Phạm Ngọc Khuê

Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội

Bài viết liên quan