Phân tích bài thơ Chí Khí Anh Hùng trích Truyện Kiều của Nguyễn Du


Phân tích bài thơ Chí Khí Anh Hùng trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Bài làm

Với tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du không chỉ được ngợi ca là một nhà nhân đạo vĩ đại khi khắc họa nhân vật Thúy Kiều mà còn là người có lý tưởng và quan niệm sống cao cả khi thể hiện hình tượng nhân vật Từ Hải. Trong đó, đoạn trích thơ “Chí khí anh hùng” là minh chứng.

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” kể lại cuộc đối thoại chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải trước khi Từ Hải lên đường gầy dựng nghiệp lớn. Qua đó, Nguyễn Du khắc họa một vị anh hùng Từ Hải mang lý tưởng và phẩm chất cao đẹp, phi thường.

Trước hết, tác giả tái hiện lại hoàn cảnh dẫn tới cuộc chia tay:

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Nguyễn Du nhắc đến quãng thời gian “nửa năm” từ ngày Kiều được Từ Hải cứu thoát khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp rồi từ đó nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, chưa mặn nồng được bao lâu thì hai người lại chia cách.

Lí do là gì? Vì Từ Hải là “trượng phu”, một đấng nam nhi chân chính không bao giờ bị bó hẹp bởi chuyện “nhi nữ”. Trong suốt cả một tác phẩm dài, Nguyễn Du ưu ai cho duy nhất mình Từ Hải gắn liền với chữ “trượng phu”. Điều này cho thấy đây là nhân vật rất đặc biệt với tác giả.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Khi xưa trong “Chí làm trai”, Nguyễn Công Trứ đã ngạo nghễ:

“Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Cũng tương tự như vậy, Từ Hải tuy tình nồng với Thúy Kiều nhưng trái tim vẫn “động lòng” với công danh, nghiệp lớn. Tư thế “thẳng rong” tiến bước giữa “trời bể mênh mang” rộng lớn đã khiến chân dung Từ Hải trở nên vô cùng kì vĩ, tráng lệ. Đồng thời từ “rong” còn cho thấy chút gì đó của dáng dấp một kẻ đầy mơ mộng, hoài bão nhưng lòng dạ lại rất bình thản, tự do. Từ Hải cứ tiến về phía trước, không theo tiền tài, không theo tư tình cá nhân mà tất cả những gì chàng mang theo chỉ là gươm và ngựa. Gươm là sức mạnh. Yên ngựa tượng trung cho vị thế. Đó là hai vật dụng giúp con người thống lĩnh thiên hạ, đứng trên muôn người.

phan tich bai tho chi khi anh hung trich truyen kieu cua nguyen du - Phân tích bài thơ Chí Khí Anh Hùng trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích bài thơ Chí Khí Anh Hùng

Trước tình cảnh ấy, Thúy Kiều cố níu kéo bằng lí lẽ “Phận gái chữ tòng”; “Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”. Phản ứng của Từ Hải trước mong muốn của Kiều càng tỏ rõ chí khí Từ Hải:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

>> Xem thêm:  Dẫn chứng về bệnh thành tích

Bằng ngay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Từ Hải lập luận rằng chuyện “nữ nhi” chỉ là “thường tình”, còn đấng nam nhi phải biết nhìn xa trông rộng. Từ Hải liên tục đưa ra dự đoán về tương lai “bao giờ”, “bấy giờ”, “ít lâu”, “năm sau”… nhưng bằng một luận điệu chắc chắn. Nó cho thấy bản thân Từ Hải luôn tự tin về khả năng và lý tưởng của mình.

Mặt khác, nói đến chuyện tương lai, bản thân Thúy Kiều – người con gái đa sầu đa cảm luôn mất niềm tin:

“Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này”

Thúy Kiều chỉ thấy hương đốt, khói nhang, chia cắt nhưng Từ Hải thì khác. Những hình ảnh tương lai vẽ ra trong mắt Từ Hải là “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh rợp đường”, “phi thường”, “bốn bể” càng cho thấy tầm nhìn vĩ đại và chí lớn ngút trời của nhân vật.

Trong suốt “Truyện Kiều”, những kẻ nam nhi như Kim Trọng, Thúc Sinh đều là người học văn thì duy có Từ Hải là võ phu trượng nghĩa. Hình ảnh “trượng phu” ra đi lúc đầu được nhấn mạnh lại lần nữa:

“Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Hình ảnh “dứt áo ra đi” vốn rất quen thuộc trong văn học trung đại và văn học cách mạng.

>> Xem thêm:  Bình giảng về bài ca dao: Tát nước đầu đình

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”

(“Dịch thủy ca” – Kinh Kha)

Trước “Truyện Kiều”, Kinh Kha cũng từng lên đường với khí thế “Dịch thủy” (dòng sông Dịch) và hứa hẹn khồn thắng lợi không trở về. Đến “Truyện Kiều”, Nguyễn Du lại xướng thêm một khúc ca về chàng Từ Hải với khí thế “gió mây” của “dặm khơi”. Hình ảnh bước chân ra đi của Từ Hải tựa như gió biển lớn lao kết hợp với từ “dứt” đã làm nổi bật lên ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được của nhân vật.

Như vậy, đoạn thơ lục bát “Chí khí anh hùng” đã rất thành công trong việc làm nổi bật vấn đề cần nhắc tới. Những hình ảnh thơ giàu sức gợi, đậm tính hình tượng kết hợp với giọng thơ mạnh mẽ, nhịp điệu dứt khoát đã khắc họa đậm nét một vị võ phu chí lớn – Từ Hải. Qua hình tượng nhân vật Từ Hải, tác phẩm “Truyện Kiều” không chỉ dừng lại ở vấn đề tấm lòng nhân đạo với thân phận con người trong xã hội phong kiến mà còn đề cao tinh thần lập công danh, cống hiến cho lý tưởng cao đẹp của bậc nam nhi. Nhân vật Từ Hải ít nhiều mang nỗi niềm khao khát cống hiến của Nguyễn Du. Đồng thời, đoạn trích cũng nói lên tiếng nói phơi bày hiện thực xã hội đen tối, bất công.

Hoài Lê

Bài viết liên quan