Phân tích bài thơ Chiều Tối của tác giả Hồ Chí Minh


Đề bài: Phân tích bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh.

Bài làm

Trong “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi””, Hồ Chí Minh viết:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Phải chăng, đó là lí do mà Hồ Chí Minh đã tham gia con đường văn chương, văn nghệ. Văn chương đâu chỉ mang sứ mệnh sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú ngôn ngữ nước nhà và thanh lọc tâm hồn, mà văn chương còn phải chiến đấu vì độc lập dân tộc. Thông qua “Ngục trung nhật kí”, trong đó có “Chiều tối”, Hồ Chí Minh một lần nữa đã thể hiện sâu sắc tâm hồn yêu thiên nhiên và tấm lòng yêu nước sâu nặng:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không.

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

“Ngục trung nhật kí” (“Nhật kí trong tù”) là tập thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp thơ Hồ Chí Minh, được sáng tác trong khoảng từ 8/1942 đến 9/1943, thuộc khoảng thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm và đày dọa dã man. Suốt “mười bốn tháng tê tái gông cùm” (Hoàng Trung Thông), Hồ Chí Minh bị giải qua giải lại giữa 18 nhà giam khác nhau thuộc 13 huyện của Trung Quốc. Trong đó, “Chiều tối” (“Mộ”) ra đời trên chặng đường chuyển lao từ nhà tù Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo.

Trên quãng đường:

“Năm mươi ba cây số một ngày

Áo mũ dầm mưa ướt hết giày”

(“Mới đến nhà lao Thiên Bảo”)

Hồ Chí Minh đã tức cảnh chiều tối giữa rừng đại ngàn để khai sinh ra những câu thơ vừa cổ điển vừa hiện đại:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

>> Xem thêm:  Phân tích câu ca dao Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai lớp 10

(“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không”)

Không gian “chiều tối” bắt đầu bằng một cánh chim mỏi mệt đang tìm về tổ. Đây vốn là hình ảnh không xa lạ gì trong các thể loại văn học mọi thời kì:

“Chim bay về núi tối rồi,

Không cây chim đậu không mồi chim ăn”

(Ca dao)

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”

(“Chiều hôm nhớ nhà” – Bà Huyện Thanh Quan)

Tuy nhiên, khác với cánh chim thông thường đang bay, đang chao nghiêng thì cánh chim trong thơ Bác thì chỉ thấy độc sự “mỏi”. Từ “mỏi” không chỉ thể hiện sự mỏi mệt của đôi cánh, cơ thể mà còn là sự mỏi mệt trong tâm hồn. Một ngày dài vất vả, không niềm vui, không hạnh phúc, cánh chim tựa như lòng người chán trường tìm một tổ ấm đúng nghĩa. Không phải chỉ có cánh chim đang tìm tổ ngay trên chiếc tổ lớn – rừng của mình mà chính nhà thơ cũng đang tìm kiếm quê nhà. Lưu lạc, giam hãm nơi đất khách, Hồ Chí Minh luôn mong ngóng tìm về quê hương.

phan tich bai tho chieu toi cua tac gia ho chi minh - Phân tích bài thơ Chiều Tối của tác giả Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Chiều Tối

Trong câu thơ thứ hai, mây cũng là thi liệu Đường thi quen thuộc, song chỉ có Bác mới gọi “chòm mây”. Từ “chòm” không chỉ thuần Việt mà còn rất quen thuộc trong “lời ăn tiếng nói” hằng ngày của người dân. Tuy vậy, việc dịch sang “chòm” thể hiện được số lượng ít ỏi lại vô tình làm mất đi phần nào nỗi cô đơn mà từ “cô vân” muốn diễn đạt. Tương tự, việc dịch nghĩa “ độ thiên không” thành “giữa tầng không” cũng phần nào làm không gian thay đổi, bởi từ “thiên không” gợi ra không gian đất trời cao rộng, vô cùng vô tận hơn là chỉ nhắc đến không gian đơn thuần.

Khắc họa không gian cao rộng, nhưng ngược lại thực thể xuất hiện lại nhỏ bé, ít ỏi chỉ một cánh chim, một chòm mây. Một bức tranh không âm thanh, không hương vị và dường như chẳng chuyển động đã thể hiện thành công thi đề. Chẳng nói chiều mà vẫn thấy bóng chiều ngập dần đôi mắt người đọc.

>> Xem thêm:  Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy có được tiếp nối trong thực tế cuộc sống của xã hội ta hiện nay không

Như vậy, trong hai câu thơ đầu tiên, Hồ Chí Minh đã tái hiện bức tranh thiên nhiên vừa cổ điển vừa có hiện đại, bằng nhiều bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh, họa vân hiển nguyệt đã hé lộ chân dung nhân vật trữ tình – nhà hiền triết – người lữ thứ đầy tâm sự.

Thời gian vận động từ chiều đến tối, không gian thay đổi từ cao đến sâu và cảnh vật thay đổi từ thiên nhiên tới đời sống con người khi đọc sang hai câu thơ cuối:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

(“Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.”)

Không gian lùi sâu về “xóm núi”, nơi có sự sống con người. Hồ Chí Minh đã chọn hình ảnh “thiếu nữ” – người con gái đang ở độ tuổi trẻ trung, năng động, nhiệt huyết đồng thời lại rất thân thương, gần gũi để làm bừng sáng và ấm áp bức tranh có phần cô liêu trước đó.

Trong nguyên tác, Hồ Chí Minh đã dùng phép đảo “sơn thôn” lên trước để nhấn mạnh địa điểm, kết hợp với từ “ma bao túc” được đảo lên ở đầu câu sau để nhấn mạnh thời gian buổi tối. Một nơi sơn cốc xa xôi, lại trong đêm tối, đáng ra bức tranh sẽ tăm tối, u uẩn lắm. Nhưng không! Tất cả sống động vô cùng trong hành động “xay ngô”. Tác giả không chỉ là nhắc tới công việc quen thuộc của người dân vùng núi mà còn ca ngợi sự cần cù, siêng năng, nhiệt tình trong công việc. Nhất là khi từ “ma bao túc” được đảo lên và lặp lại trong cuối câu thơ thứ nhất và đầu câu thơ thứ hai tạo ra một vòng tuần hoàn, một chuỗi hành động liên tục, không ngơi nghỉ.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn nêu ngắn gọn những nét chính trong tiểu sử của Nguyễn Trãi

Nhãn tự “hồng” cuối bài thơ là từ “đắt” nhất trong toàn bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này. Như nhà thơ người Nga – Maiacốpxki từng nói:

“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ

Mới thu về một chữ mà thôi

Những chữ ấy làm cho rung động

Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”

Hồ Chí Minh đã dùng niềm tin và lí tưởng vĩ đại của cả đời mình để gom lại trong một chữ “hồng”. Một trong những nét phong cách văn chương Hồ Chí Minh là sự vận động từ bóng tối tới ánh sáng, từ hiện thực khó khăn tới tương lai tương sáng. Hồ Chí Minh luôn giữ niềm tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng và lạc quan về một tương lai tươi sáng. Chữ “hồng” không nằm ngoài diện biểu đạt đó. Bác muốn nói với tất thảy người dân Việt Nam: thắng lợi giống như một bếp than đang âm ỷ cháy, chỉ cần đúng thời cơ và đủ sức mạnh đoàn kết, ngọn lửa thành công sẽ bùng lên dữ dội, thắp sáng tương lai độc lập dân tộc. Điều này chẳng phải đã được lịch sử chứng minh hay sao?

Tóm lại, bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh vừa sáng tạo, vừa đậm chất cổ điển; ngôn ngữ giản dị, hàm súc, giàu chất triết lí; giọng thơ vận động linh hoạt; sử dụng nhiều bút pháp nghệ thuật khác nhau đều hội tụ trong một bài thất ngôn tứ tuyệt. Qua đây, chân dung một người nghệ sĩ – chiến sĩ cách mạng hiện lên cùng lí tưởng và tâm hồn cao đẹp đã khẳng định tượng đài về người anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan