Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (dàn ý và bài làm chi tiết)
Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (dàn ý và bài làm chi tiết)
Dàn ý chi tiết
I, Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung phân tích
1, Tác giả:
– Là hiện tượng kì lạ và nổi bật của trường thơ loạn và phong trào thơ mới
– Là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn,
– Thơ ông luôn là sự giằng xé giữa linh hồn và thể xác
2, Tác phẩm:
– Được viết khoảng năm 1938, in trong tập “Thơ điên”, sau đổi tên thành “Đau thương”
3, Nội dung phân tích:Tình yêu dành cho xứ Huế cùng khao khát được sống, được hạnh phúc
II, Thân bài:
1, Khái quát:
– Bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với bà Hoàng Cúc
– Bài thơ là tình yêu, kỉ niệm với xứ Huế
2, Phân tích:
a, Khổ 1: Cảnh nhà vườn xứ Huế vào buổi sáng:
– Câu thơ 1: (trích thơ)
+ Câu hỏi tu từ đa sắc thái: vừa là lời trách móc, vừa là lời mời gọi thiết tha về với thôn Vĩ
+ “Về chơi”: gợi mối quan hệ mật thiết, tâm tình
+ Chủ thể hỏi: là nhà thơ -> lời tự nhắc, tự trách, là cái cớ để về thôn Vĩ
– Câu 2,3: cảnh vườn thôn Vĩ (trích thơ)
+ Điệp từ “nắng”: ngập tràn sắc nắng
+ Hình ảnh “nắng hàng cau”, “nắng mới lên”: hình ảnh quen thuộc của xứ Huế, thứ nắng trong trẻo, thanh tân
+ “Mướt”: sự óng ả, mỡ màng đầy xuân sắc
+ So sánh “xanh như ngọc”: long lánh, sang trọng, quý phái
+ Thán từ “quá”: như một tiếng reo vui
=> Khắc họa bức tranh về chốn non nước thanh tú
– Câu 4: con người thôn Vĩ (trích thơ)
+ “Mặt chữ Điền”: nét mặt phúc hậu, hiền lành, trung thực
+ Ẩn sau gương mặt chữ Điền là vẻ đẹp kín đáo, duyên dáng của con người xứ Huế
=> 4 câu thơ là một bức tranh đẹp, tràn đầy sức sống. Ở đó, vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp của con người
b, Khổ 2: cảnh sông nước mây trời xứ Huế
-Thời gian: chuyển từ ngày sang đêm
– Không gian: sông, nước, mây, trời xứ Huế
– Câu 1,2: (trích thơ)
+ Câu 1:
_ Nhịp thơ 4/3, chia câu thơ thành 2 vế
_ Hiện tượng phi lí, gợi sự xa cách, chia lìa
+ Câu 2:
_ Nhân hóa “dòng nước buồn thiu”: dòng sông trở nên có hồn, dòng sông chuyển thành dòng tâm trạng
_ “Hoa bắp lay”: gợi sự hắt hiu, thưa thớt, trống trải, mang nỗi buồn bâng khuâng, mien man
=> Nhịp thơ chậm như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”
– Câu 3,4:
+ “Sông trăng”: dòng sông được phủ ánh trăng lấp lánh, cũng có thể là dòng ánh sáng trong kí ức của nhà thơ
+ Hình ảnh “thuyền”, “bến”, “trăng”: gắn với tình yêu đôi lứa-> thuyền chở trăng trở thành con thuyền mang hạnh phúc đang vội về cho kịp cuộc hẹn hò
+ Tâm trạng của nhà thơ:
_ “Kịp”: vừa mong ngóng, khao khát, vừa thể hiện nỗi niềm lo lắng
_ “Tối nay”: ẩn dụ cho quỹ thời gian ngắn ngủi, cũng là sự lo sợ của tác giả trước hiện thực phũ phàng
=> Khổ thơ vừa là bức tranh ngoại cảnh, vừa là bức tranh tâm trạng, mang theo nỗi khao khát, khắc khoải, tuyệt vọng của nhà thơ
c, Khổ 3: Hình bóng con người trong sương khói mờ ảo và nỗi tuyệt vọng của thi nhân
-“Mơ”: là thế giới của mờ ảo, phiêu lãng
– Phép điệp “khách đường xa”: nhấn mạnh hình ảnh biết bao thân thương nhưng quá đỗi xa vời
– Câu thơ: “Áo em trắng quá nhìn không ra”
+ Màu trắng gợi sự trong trắng, tinh khiết, màu áo đặc trưng của người con gái Huế
=> Hiện thân cho vẻ đẹp mà tác giả mong nhớ, nhưng giờ đây hình ảnh ấy đã quá xa vời
– Câu hỏi tu từ: “Ai biết tình ai có đậm đà”
+ Ý thức được hiện thực của mình nơi lãnh cung bệnh tật
+ Hoài nghi nhưng lại chứa chan niềm thiết tha với cuộc đời
=> Khổ thơ là nỗi niềm cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn thiết tha, yêu thương con người và cuộc đời
3, Tổng kết:
a, Nghệ thuật: hình ảnh biểu hiện nội tâm sâu sắc, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế
b, Nội dung:
-Là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước
– Là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu người, yêu đời
III, Kết bài: khẳng định vấn đề, nêu suy nghĩ bản thân
Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Bài làm tham khảo
Hàn Mặc Tử là hiện tượng kì lạ và nổi bật của trường thơ loạn và phong trào thơ mới. Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn. Trong thơ ông dường như là sự giằng xé giữa linh hồn và thể xác. Bài thơ “Đây thôi Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ như thế. Được viết vào khoảng năm 1938, in trong tập “Thơ điên”, sau đổi tên thành “Đau thương”, bài thơ là tình yêu dành cho xứ Huế cùng khao khát được sống, được hạnh phúc của tác giả.
Bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với bà Hoàng Cúc. Chính vì thế, “Đây thôn Vĩ Dạ” là tình yêu, kỉ niệm với xứ Huế. Khổ thơ đầu là bức tranh xứ Huế lúc bình minh. Câu hỏi tu từ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
vừa là lời trách móc, vừa là lời mời gọi thiết tha về với thôn Vĩ. Chính tấm lòng mến yêu cảnh vật xứ Huế đã giúp Hàn mặc Tử phác họa nên một bức tranh tuyệt đẹp:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
Ấn tượng đầu tiên về bức tranh nhà vườn xứ Huế là hình ảnh hàng cau thẳng tắp, vươn cao trong sắc nắng mượt mà, tươi rói của ban mai. “Mướt”là sự óng ả, mỡ màng đầy xuân sắc, còn “xanh như ngọc”lại chỉ sự long lánh, sang trọng, quý phái. Thi nhân đã bắt trọn khoảnh khắc tuyệt vời tự nhiên để từ đó khắc họa bức tranh về chốn non nước thanh tú. Thôn Vĩ không chỉ đẹp ở thiên nhiên mà còn đẹp ở con người:
“Lá trúc che ngang mặt chữ Điền”.
“Mặt chữ Điền”là nét mặt phúc hậu, hiền lành, trung thực. Ẩn sau gương mặt chữ Điền là vẻ đẹp kín đáo, duyên dáng của con người xứ Huế. Có thể nói, bốn câu thơ là một bức tranh đẹp, tràn đầy sức sống. Ở đó, vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp của con người. Sau bức tranh bình minh xứ Huế, ta bắt gặp cảnh sông, nước, mây, trời xứ Huế. Câu thơ đầu:
“Gió theo lối gió, mây đường mây”
với nhịp thơ 4/3, chia câu thơ thành 2 vế gợi sự xa cách, chia lìa bởi vốn dĩ gió, mây luôn song hành cùng nhau. Nỗi buồn của gió mây đôi ngả thấm vào dòng nước buồn thiu và “hoa bắp lay” hiu hắt. Dòng sông lững lờ hay chính là dòng đời mệt mỏi đang chảy vào lòng nhà thơ khiến thi sĩ mien man trong những nỗi niềm xa xăm. Nhịp thơ chậm rãi như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Trên nền bức tranh thiên nhiên ảm đạm, thi sĩ chợt ước ao một thứ có thể ngược dòng về với mình:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”.
“Sông trăng”là dòng sông được phủ ánh trăng lấp lánh, cũng có thể là dòng ánh sáng trong kí ức của nhà thơ. Hình ảnh “thuyền”, “bến”, “trăng” gắn với tình yêu đôi lứa, con thuyền chở trăng trở thành con thuyền mang hạnh phúc đang vội về cho kịp cuộc hẹn hò. “Kịp”thể hiện tâm trạng vừa mong ngóng, khao khát, vừa thể hiện nỗi niềm lo lắng, còn cụm từ “tối nay”lại ẩn dụ cho quỹ thời gian ngắn ngủi, cũng là sự lo sợ của tác giả trước hiện thực phũ phàng. Khổ thơ vừa là bức tranh ngoại cảnh, vừa là bức tranh tâm trạng, mang theo nỗi khao khát, khắc khoải, tuyệt vọng của nhà thơ. Đến khổ thơ cuối, nhà thơ vẽ nên một bức tranh sương khói mờ ảo bằng những nét vẽ khắc khoải, thê lương”
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trăng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”.
“Mơ” là thế giới của mờ ảo, phiêu lãng kết hợp với phép điệp “khách đường xa”: nhấn mạnh hình ảnh biết bao thân thương nhưng quá đỗi xa vời. Câu thơ: “Áo em trắng quá nhìn không ra” gợi sự trong trắng, tinh khiết, màu áo đặc trưng của người con gái Huế, cũng là hiện thân cho vẻ đẹp mà tác giả mong nhớ, nhưng giờ đây hình ảnh ấy đã quá xa vời. Câu hỏi tu từ: “Ai biết tình ai có đậm đà” chất chứa biết bao cảm xúc. Tác giả ý thức được hiện thực của mình nơi lãnh cung bệnh tật, hoài nghi nhưng lại chứa chan niềm thiết tha với cuộc đời. Khổ thơ là nỗi niềm cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn thiết tha, yêu thương con người và cuộc đời. Về nghệ thuật, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh biểu hiện nội tâm sâu sắc, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế. Về nội dung, bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, cũng là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu người, yêu đời.
Bằng tình yêu thiết tha với cuộc đời, Hàn Mặc Tử đã để lại cho thơ ca một bức tranh thiên nhiên con người xứ Huế tuyệt đẹp. Bài thơ còn là bức thông điệp của một tâm hồn cô đơn, khao khát được yêu, được sống, gửi đến với cuộc đời. Nhờ đó, “Đây thôn Vĩ Dạ” đã đi từ trái tim của một người đến trái tim của muôn người.
Phạm Ngọc Khuê
Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội