Phân tích bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Bài làm

Trong dàn hợp xướng của thơ Mới lãng mạn 1930-1945 có một nốt trầm lạ nhất và phức tạp nhất mà tôi từng biết – Hàn Mặc Tử. Điều này thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm “thơ điên” của thi nhân. Trong số đó có bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, không những là bức tranh trong trẻo, tươi mới mà còn bí ẩn, huyền diệu.

Nói đến thơ Mới không thể nào không nhắc tới ba đỉnh cao thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử. Trong đó, Hàn Mặc Tử là một trong những hiện tượng đau thương nhưng có sức ám ảnh nhất trong thơ ca thười kì này. Hàn Mặc Tử không chỉ mang chất “mới” chung của thời kì thơ ca 1930-1945 mà còn là hồn thơ “kì dị” nhất, khởi xướng và chủ soái của trường thơ “loạn”. Cuộc đời Hàn Mặc Tử được tóm gọn trong một câu “Người thơ phong vận thư thơ ấy”, thấm thía nỗi bất hạnh, đau đời.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” tựa như một lá thư tỏ tình với cuộc đời của Hàn Mặc Tử trong nỗi tuyệt vọng. Bằng các hình ảnh đa sắc thái, đa ngữ nghĩa và giọng thơ nhẹ nhàng đã thể hiện thành công hình ảnh nhân vật trữ tình yêu đời, hạm sống nhưng đầy mặc cảm số phận.

Hàn Mặc Tử mở đầu lá thư tình bằng tiếng gọi Vĩ Dạ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Vĩ Dạ là một thôn nhỏ nằm trong lòng mảnh đất xứ Huế mộng mơ. Câu hỏi tu từ trong câu thơ đầu cho thấy sự trách cứ nhân vật “anh” lâu rồi không về thăm Vĩ Dạ khiến ai cũng chợt nhớ về quê nhà – thế giới của những màu xanh.

>> Xem thêm:  Dấu ấn thơ ca dân gian trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính

Thôn Vĩ nổi tiếng có những hàng cau. Mỗi khi nắng lên, mặt trời còn lưng chừng trời, rọi nắng nhẹ trên ngọn cau cao vút, đều tăm tắp. Hàng ngàn tia nắng lọt qua khe lá làm không gian buổi sớm lung linh. Dưới vườn nhà, cây lá sau một đêm no sương được tắm nắng mới. Sương đọng cuối chiếc lá long lanh như giọt “ngọc”. Từ “mướt quá” tạo cảm giác như non xanh, bóng bẩy, mượt mà lắm. Cả một khoảng không gian tươi sáng nhờ màu vàng nắng mới, màu xanh lá non và màu thắm của lá cau.

phan tich bai tho day thon vi da cua nha tho han mac tu - Phân tích bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Phân tích bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

Bóng dáng con người xuất hiện bí ẩn sau cành trúc. Là thi nhân đang núp sau cây trúc để lén nhìn Vĩ Dạ hay người con gái Huế đang e ấp vén cành trúc làm duyên, làm dáng đây? Nếu là thi nhân, có lẽ Hàn vừa về Vĩ Dạ bằng chuyến tàu tâm tưởng chăng? Nếu là cô gái, Hàn nhớ về Vĩ Dạ là nhớ về một người đã từng là bạn thơ, tri kỉ với mình chăng? Điều này khá hợp lí vì bài thơ vốn xuất hiện trong một bức thư mà Hàn Mặc Tử gửi cho người bạn tâm giao là Hoàng Thị Kim Cúc.

Nhớ về Huế, Hàn Mặc Tử không quên dòng sông Hương trầm mặc. Tuy nhiên, khác với dòng sông Hương ở tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương trong thơ Hàn kì lạ tới mức ta không rõ đây có đúng là sông Hương không nữa. Nó giống một con sông của niềm mặc cảm, chia li hơn:

“Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Ban ngày, không gian sông nước được thể hiện thông qua gió, mây, dòng nước và hoa bắp. Tuy nhiên, ở hình ảnh nào, người đọc cũng thấy trạng thái “rớm vị chia phôi” (“Vội vàng” – Xuân Diệu). Gió chiều nào mây sẽ đưa chiều ấy, thế mà mây bay đường mây, gió bay lối gió, không chung hướng. Đã vậy, nhìn dòng nước xem. Chỉ một màu “buồn thiu”. Nỗi buồn đâu kém gì dòng “tràng giang” của Huy Cận. Cùng với đó, hoa bắp trổ là lúc đẹp nhất, đạt tới độ đơm hoa kết trái, nhưng lại ủ rũ phó mặc cho gió “lay”.

Ban đêm, trăng – biểu tượng cho vĩnh hằng, tròn đầy, đoàn viên cũng không kém nỗi sầu thảm. Trăng cứ lênh láng bến sông quê. Thuyền không thấy ra khơi, hoạt động. Bến cũng lặng lẽ chờ. Bến chờ thuyền ai đó chở trăng về, mang chuyến đò hạnh phúc cập bến. Nhưng câu hỏi “có kịp?” vang mãi ngàn năm không ai đáp lại. Đó phải chăng là số mệnh của những lữ khách tài hoa mệnh bạc, ai cho họ hạnh phúc, ai thương thay, khóc thay cho họ:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(“Độc Tiểu Thanh ký” – Nguyễn Du)

Theo chiều hướng cảm xúc bài thơ, Hàn Mặc Tử cũng dần đi vào “ngõ cụt”:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra…

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Tại sao lại như vậy? Bởi đến những câu thơ cuối cùng, Hàn Mặc Tử đã hoàn toàn biệt lập bản thân khỏi thế giới.

“Khách đường xa” là ai? Có thể là chính tác giả, Hàn tự coi mình chỉ là người lữ khách đi qua thế giới này, thế giới đẹp tươi Vĩ Dạ. Cũng có thể “khách đường xa” là người con gái “mặt chữ điền” kia. Suy đoán thứ hai khá hợp lí. Người con gái đang ở nơi tươi đẹp, đầy nắng mới, lá xanh, sương mai, nơi ấy tươi sáng quá, trong trẻo quá khiến tác giả ở đây không thể nhìn rõ nữa.

>> Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Hàn Mặc Tử luôn vì mặc cảm bệnh tật mà nhốt mình ở những chòi canh, gác nhỏ được thi nhân gọi là “lòng giếng lạnh”, “vũng huyết”. Ở bài thơ này, Hàn gọi nơi ấy là “sương khói” – gợi sự lạnh lẽo, chết chóc. Vì xa xôi quá, cách biệt quá nên “em” cứ trách cứ tác giả không về Vĩ Dạ, không nhớ Vĩ Dạ. Nhưng liệu “em” có biết tác giả cũng yêu lắm, nhớ mong lắm. Vì xa xôi quá, nên tác giả cũng không rõ “em” còn nhớ tới người đang chịu đau đớn này hay không? Hai đại từ phiếm chỉ “ai” trong câu thơ cuối cùng câu hỏi tu từ đã tạo nên sự đa nghĩa, đa xúc cảm cho bài thơ. Đồng thời cũng cho thấy sự tuyệt vọng của hồn thơ Hàn Mặc Tử trước thực tại.

Tóm lại, cả bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã hội tụ những nét phong cách tiêu biểu của cái tôi Hàn Mặc Tử cũng như làm sáng tỏ tình yêu thiên nhiên, niềm tha thiết được sống một cuộc đời hạnh phúc. Những vần thơ Hàn Mặc Tử sẽ sống mãi cùng thời gian và người ta đọc thơ ông như một cách để nhắc lại cuộc đời của một con người đau thương nhưng giàu nghị lực cống hiến sáng tạo.

Hoài Lê

Bài viết liên quan