Phân tích bài thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá của tác giả Huy Cận


Đề bài: Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.

Bài làm

Huy Cận là một nhà thơ có sức sáng tạo dồi dào, được nhắc đến trong cả ba thời kì văn học trước Cách mạng và văn học kháng chiến với phong cách rất khác biệt. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” tiêu biểu cho tài năng, phong cách và hồn thơ Huy Cận trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Thay vì tham gia sáng tác cổ vũ cuộc kháng chiến ở miền Nam, Huy Cận thiên về ngợi ca công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để cổ vũ tinh thần dân tộc và làm đẹp thêm hình ảnh con người, thiên nhiên, đất nước Việt Nam. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ra đời trong một chuyến đi thực tế của tác giả ở Hòn Gai vào năm 1958. Bài thơ được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”.

Cảnh đoàn thuyền đánh cá lên đường ra khơi với cảm hứng hân hoan, náo nức:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

 

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Đoàn thuyền ra khơi vào thời điểm mặt trời bắt đầu lặn, màn đêm dần buông xuống. Tuy nhiên, với cái nhìn mới mẻ, Huy Cận miêu tả bức tranh hoàng hôn thật thú vị. Mặt trời tựa như đang chìm dần xuống dòng nước lớn, tiếng sóng vỗ mạnh kêu sầm sập, màn đêm ập đến tựa chiếc then cài đóng lại một ngày dài. Thiên nhiên biến đổi một cách nhanh đến không ngờ. Vừa câu thơ trên còn rực ánh sáng đỏ của mặt trời, câu thơ dưới đã thấy bóng đêm.

>> Xem thêm:  Dàn ý thuyết minh về cái kéo

Đoàn thuyền cũng theo nhịp thở gấp gáp của thời gian mau chóng bắt đầu công việc của mình. Con người hồ hởi cất cao bài hát bội thu với cá bạc, cá thu… cùng lúc với đôi tay mau thả lưới đã tạo nên khí thế hùng tráng tưởng như có khả năng làm “căng buồm”. Những từ như “căng”, “dệt”, “bạc”, “thoi”… đã làm nên sức sống mới mẻ trong bức tranh đang khép lại của biển.

phan tich bai tho doan thuyen danh ca cua tac gia huy can - Phân tích bài thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá của tác giả Huy Cận

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Theo con sóng hai bên khoang thuyền, người đọc có dịp được nghe Huy Cận xướng lên khúc ca đánh cá hùng tráng.

Trước hết, đoàn thuyền đánh cá dàn thế trận:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

Cùng với sự kì vĩ của thiên nhiên là ánh trăng trên buồm, mây trời và biển nước mênh mông, đoàn thuyền đậu lại một nơi xa, “dò” tìm đàn cá lớn tựa như “dò bụng” của biển khơi và lập tức dàn lưới thiết lập trận địa như một trận đánh đầy tính nghệ thuật quân sự. Chưa hết, hai chữ “vây giăng” cho thấy thắng lợi ngay trước mắt. 

Dưới lưới vây, đối tượng đã vào tầm kiểm soát.

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”

Đó là: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song… Phép liệt kê kết hợp nhịp thơ 2/2/3, các từ “lấp lánh”, “đen hồng”, “vàng chóe”… đã tạo nhịp điệu nhanh, mạnh, dồn dập tới tập và đồng thời khẳng định sự dồi dào, trù phú của thiên nhiên Việt Nam.

>> Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

Trước mẻ cá đậm, người dân chài như thầm hát bài ca cảm ơn tạo hóa ban cho họ sự may mắn này. Cùng với con người, trăng cũng “gõ nhịp” cùng con người để gọi cá vào lưới. Biển lại tựa như bà mẹ vĩ đại ôm ấp, nuôi lớn bao thế hệ người dân chài:

“Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Huy Cận đã lấy hình ảnh "lòng mẹ" tượng trưng cho nguồn sống vĩ đại nhất từ thuở khai thiên lập địa không còn đơn thuần là cảm ơn nữa mà dường như còn mang ý nghĩa tự nhắc nhở bản thân phải biết ghi nhớ cội nguồn dân tộc, phải yêu thương và kính trọng biển cả hơn bất cứ thứ gì. 

Để rồi cuối cùng khi thu lưới, mẻ cá bội thu là thành quả của cả một đoàn thuyền lớn:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

Cách miêu tả “kéo xoăn tay chùm cá nặng” vừa thể hiện sự khỏe khoắn của con người khi cả đàn cá thu lại trong một “chùm” và bắp tay cuồn cuộn cơ của người chài lưới vận hết sức lực làm việc.

Cả hành trình đánh cá suốt một đêm kết thúc khi “nắng hồng” bắt đầu tới và câu hát đầy hào khí thêm một lần căng buồm lớn để mang thành quả trở về đất liền:

>> Xem thêm:  Cây lúa trong đời sống người Việt Nam

“Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Khổ thơ cuối đã thể hiện bức tranh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bình minh cũng thật hùng tráng với câu hát, với hành động “chạy đua cùng mặt trời”. Khoảnh khắc nắng giữa biển khơi chiếu sáng long lanh muôn ngàn mắt cá trên khoang thuyền lớn cũng là lúc hành trình đánh cá hoàn thiện. Những hình ảnh như "câu hát căng buồm" hay "mặt trời" từng xuất hiện ở đầu bài thơ được lặp lại giống như khép kín một hành trinh đầy đủ và mở ra nhiều hành trình mới khác nữa. Chuyến tàu đã cập bến song công cuộc này sẽ còn mãi tiếp diễn và tiếp diễn hùng tráng hơn nữa. Bức tranh hoạt động của người dân chài cũng là bức tranh chung của người Việt Nam trong thời kì xây dựng, khôi phục đất nước. 

Như vậy, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã mô tả vô cùng sinh động hành trình đánh cá của đoàn thuyền trong một ngày làm việc vất vả thông qua nhịp thơ dứt khoát, giọng thơ hào sảng và ngôn từ phong phú, giàu sức biểu tượng. Qua đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp, phản ánh mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người đồng thời ngợi ca người lao động Việt Nam luôn hăng say, nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng đất nước mới. Đây cũng chính là lòng yêu nước sâu sắc của Huy Cận.

Hoài Lê

Bài viết liên quan