Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của nhà thơ Phạm Ngũ Lão


Đề bài: Phân tích bài thơ “Tỏ lòng” (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Bài làm

Vào triều Trần, sách sử ghi lại danh tiếng của Phạm Ngũ Lão chỉ đứng sau Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão giàu lòng tự tôn về sức mạnh quân dân triều Trần đồng thời luôn biết tự trọng, không bao giờ thỏa mãn trước thành tựu của bản thân mà ngược lại suốt đời hổ thẹn vì chưa thể phụng sự quốc gia. Những cảm xúc đó được Phạm Ngũ Lão đưa cả vào trong một tác phẩm thất ngôn tứ tuyệt “Tỏ lòng”:

“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.    

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

Phạm Ngũ Lão là người con của mảnh đất Hưng Yên, nơi giàu truyền thống văn hóa văn hiến với một tổ hợp di tích Phố Hiến sầm uất và bia đá ghi công tại Văn Miếu đã nuôi dưỡng tâm hồn yêu học thức, yêu quê hương. Phạm Ngũ Lão không chỉ nổi tiếng cương trực từ nhỏ mà chính tấm lòng trung quân ái quốc và tài quân sự khiến vua Trần luôn trọng dụng.

Bài thơ “Tỏ lòng” hay “Thuật hoài” của Phạm Ngũ lão đã thể hiện thành công tài năng cũng như tấm lòng nhà thơ, phục dựng và lưu giữ một thời đại huy hoàng hào khí Đông A.

Hào khí Đông A được nhắc tới chính là khí phách và sức mạnh của đội quân Sát Thát thời Trần:

“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”

(“Múa giáo non sông trải mấy thu,

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về tình yêu đất nước

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”)

Ta có cảm giác như Phạm Ngũ Lão đang đứng trên nóc tòa thành để thu vào tầm mắt không gian “tam quân” và thời gian tính hàng thế kỉ.

Phạm Ngũ Lão nhìn thấy cảnh thực trước mắt là ba đạo quân đang “múa giáo” luyện binh và khí thế hùng hậu như hổ lớn. Ở đây, cách dịch “hoành sóc” sang “múa giáo” cũng có đôi phần không thỏa đáng được ý đồ tác giả. Chiếc giáo sắt trên tay binh sĩ quen thuộc, nhuần nhuyễn không chỉ là nghệ thuật mà còn mang khí thế. Chẳng có một kẻ địch nào có thể ngăn cản uy lực. Mặt khác từ “hoành” kết hợp với “giang san” và “kỷ thu” càng khiến cho uy lực ấy được thần thánh hóa, nâng tầm biểu tượng.

phan tich bai tho to long cua nha tho pham ngu lao - Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của nhà thơ Phạm Ngũ Lão

Phân tích bài thơ Tỏ Lòng

Còn cảnh mộng, đó phải chăng là giấc mộng chủ quyền ngàn năm.

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập 

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

(“Bình Ngô Đại Cáo” – Nguyễn Trãi)

Từ “mấy thu” đã gợi lại chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước từ những ngày Hùng Vương lên ngôi, trải qua bao triều đại cho đến nay. Điều này cho thấy lòng tự tôn, tự chủ sâu sắc trong tấm lòng nhà thơ.

Ở câu thơ thứ hai, lòng tự tôn một lần nữa được thể hiện thông qua cách so sánh quân đội Trần với con hổ dữ có khả năng “nuốt trôi” một con trâu mộng lớn. Phạm Ngũ Lão đã ngầm so sánh quân ta mang sức mạnh của chúa tể sơn lâm. Loài hổ tuy không phải lớn nhất trong thế giới rừng xanh nhưng sức mạnh và đặc biệt là nghệ thuật săn mồi sắc sảo đã đưa nó lên ngôi chúa tể. Còn Con trâu mộng kia phải chăng chính là quân giặc, tuy to xác nhưng không mưu trí. Mặt khác, “tam quân” là số lượng ít ỏi nhưng đặt trong khí thế kia thì ngược lại nó nhấn mạnh đến sự đoàn kết và sức mạnh tập thể. Câu thơ đã thay Phạm Ngũ Lão đọc lời tuyên ngôn trước quân giặc: Dù chúng bay có vũ khí, đạn dược hiện đại tới đâu hay đội quân có đông đảo, hùng hậu tới đâu thì cũng không địch lại được đội quân Sát Thát khí thế này.

>> Xem thêm:  Bình luận về thói ăn chơi đua đòi của giới trẻ hiện nay.

Hai câu thơ sau, Phạm Ngũ Lão bày tỏ tấm lòng hổ thẹn của mình:

 “Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

(“Công danh nam tử con vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”)

Từ “nam nhi” gợi nhắc người đọc liên tưởng về những câu ca dao xưa, thường châm biếm những kẻ là phận nam giới mà bất tài:

“Làm trai cho đáng nên trai

Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào

Ăn thì chọn những miếng ngon

Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”

Hay

“Làm trai cho đáng nên trai

Khom lưng cố sức gánh hai hạt vừng”

Khác với giọng thơ châm biếm, hài hước của ca dao, Phạm Ngũ Lão bày tỏ một cách trịnh trọng thông qua từ “luống thẹn”. Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa trả được nợ “công danh”. Hai chữ “công danh” được nhắc nhiều trong thơ trung đại. Thời xưa, cái đích cuối cùng của mỗi người đọc sách thánh hiền chính là lập “công danh”. Xét trong thực tế lịch sử, Phạm Ngũ Lão dường như đã có cả công và danh mà nhiều người luôn ao ước. Tuy vậy, nhà thơ chưa bao giờ thỏa mãn với thành công của bản thân. Điều này chứng tỏ Phạm Ngũ lão là một con người khiêm tốn, biết tự trọng.

Tác giả nhắc đến một nhân vật đặc biệt – Vũ Hầu. Người này còn có tên khác là Vũ Vương Hầu hay Gia Cát Lượng, là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất đã giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán trong sử sách của Trung Quốc. Phạm Ngũ Lão khao khát cũng trở thành một con người tài trí song toàn, dốc lòng dốc sức giúp vua Trần dẹp giặc, thống nhất nước nhà như Vũ Hầu đã làm xưa kia. Tấm lòng trung quân ái quốc của tác giả là không thể phủ nhận. Nỗi thẹn này càng nâng tầm tài năng và nhân cách Phạm Ngũ Lão thêm một bậc.

>> Xem thêm:  Nhà Sư phạm nổi tiếng V.A. Xu-khôm-lin-xki có viết: “Niềm tin... xứng đáng”. Theo anh (chị), đối với một con người có đạo đức và tâm hồn đẹp đẽ, những điều gì là không xứng đáng

Tóm lại, bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã vận dụng tối đa hiệu quả của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt và các thi liệu Đường thi để làm nên một tác phẩm đậm chất sử thi. Mặt khác, nhà thơ cũng có nhiều sáng tạo trong nội dung so sánh và giọng thơ thay đổi liên tục khi hào sảng, phơi phới lúc lại ngập ngừng, tự vấn. Bài thơ đã trở thành chứng tích lưu lại một triều đại hùng mạnh đậm hào khí Đông A của dân tộc Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan