Phân tích bài thơ Sóng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
Đề bài: Phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Bài làm
Xuân Quỳnh là gương mặt thơ tình tiêu biểu nhất từ sau cách mạng tháng Tám. Xuân Quỳnh mang một hồn thơ cá tính mà vẫn thuần hậu, luôn thiết tha với những giá trị đời thường và có những tình cảm nồng hậu khi viết về đề tài tình yêu. Bài thơ “Sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất hồn thơ Xuân Quỳnh.
Tình yêu là thứ tình cảm đặc biệt khiến con người khi yêu thường chìm trong hỗn độn những cảm xúc khác nhau. Người con gái khi yêu lại càng khó tỏ rõ cảm xúc. Trong bốn khổ thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh thể hiện niềm băn khoăn và khát vọng về tình yêu.
Tác giả bắt đầu từ những trạng thái cảm xúc đối biệt:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"
Thông qua hình tượng sóng, nhân vật trữ tình đã tự soi chiếu vào mình để lí giải sự bí ẩn trong tình yêu. Hai cặp từ trái nghĩa “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ” vừa thể hiện các cung bậc tình cảm phong phú vừa cho thấy nhiều trạng thái đối cực phức tạp trong lòng người con gái khi yêu. Chính nhân vật đã mượn câu hỏi của sóng để tự vấn: bản thân cũng không hiểu nổi mình nữa? Do vậy, người con gái có một khát vọng mãnh liệt đó là giống như sóng kia sẽ tìm đến khung trời cao rộng hơn để khám phá, tìm câu trả lời cho nỗi băn khoăn của mình.
Ra tới biển lớn, con sóng thay thi nhân suy nghiệm về cuộc đời nhỏ bé:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Tác giả bắt đầu nhìn về quá khứ – những con sóng từ ngàn năm trước, rồi lại nhìn đến tương lai – sóng ngàn năm sau thế rồi kết luận: “vẫn thế” – vĩnh hằng. Điều gì vĩnh hằng? Ấy là “khát vọng” và “bồi hồi”. Vậy ra, tình yêu vốn dĩ là như thế, cũng như sóng vốn dĩ là như thế. Sự phức tạp, rối ren của nó đã là bản chất vốn có.
Phân tích bài thơ Sóng
Nhưng chưa thỏa mãn, Xuân Quỳnh không ra biển lớn mà tìm về nguồn cội của con sóng để lí giải nỗi băn khoăn và khát vọng tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Những cấu trúc lặp lại “em nghĩ”, “em cũng” và các câu hỏi tu từ đã tạo nét đáng yêu, đằm thắm của người con gái khi khao khát được lí giải mối băn khoăn trong hai khổ thơ. Cũng qua đó, Xuân quỳnh thực hiện phép so sánh “biển lớn” với tình yêu của “anh” và “em” để tìm ra điểm bắt đầu của sóng và điểm xuất phát của tình yêu. Cuối cùng, câu trả lời có được là “không biết nữa”.
Tình yêu quá bí ẩn, quá phức tạp nên dù làm cách nào thi nhân vẫn không thể lí giải được. Do vậy, Xuân Quỳnh tìm đến một con đường khác, đó là dựa vào sóng để nói lên nỗi nhớ nhung và sự chung thủy của người con gái khi yêu.
Trước hết, Xuân Quỳnh bộc lộ nỗi nhớ nhung của người con gái:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nỗi nhớ da diết tới mức Xuân Quỳnh buộc phải dùng một khổ thơ có tới 6 câu trong khi các khổ còn lại chỉ có 4 câu thơ.
Trong đó, tác giả đã mở rộng đôi mắt để quan sát những con sóng thấy bằng thị giác “trên mặt nước” và dùng tâm tưởng để nhìn thấy cả những con sóng “dưới lòng sâu”. Qua đây, nhà thơ khẳng định tình cảm của người con gái ở bên trong sâu thẳm trái tim còn mãnh liệt và dữ dội hơn cả những gì thấy ở ngoài mặt. Thậm chí, nỗi nhớ còn xâm chiếm cả tâm hồn người trong vô thức, tiềm thức, ý thức, cả khi tỉnh lẫn khi mơ.
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Còn nói về lòng chung thủy của người con gái, Xuân Quỳnh đi đến khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của mình thông qua cách biểu đạt “dẫu” và hai danh từ “xuôi”, “ngược”. Triết lí mà Xuân Quỳnh vừa nhấn mạnh ở đây là: tình yêu cần vượt qua thử thách mới có thể vững bền.
Mặt khác, nhà thơ đặt mình trong những ngã rẽ “bắc” – “nam” để khẳng định tấm lòng kiên định hướng về “phương anh”.
Như vậy, thông qua hình tượng con “sóng”, Xuân Quỳnh đã tế nhị ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ khi yêu: giàu tình nghĩa, thủy chung, kiên cường.
Từ băn khoăn đến nhớ nhung, da diết, Xuân Quỳnh tiếp tục bày tỏ tâm trạng lo âu, phấp phỏng:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Tác giả trở lại với con sóng thực. Mọi con sóng đều vỗ vào bờ vốn là quy luật bất biến. Trên chặng đường đó, con sóng cũng phải vượt qua bao gian nan. Từ quy luật sóng, Xuân Quỳnh liên hệ đến quy luật tình yêu: sau bao sóng gió cuộc đời thì đến cuối cùng, người phụ nữ cũng sẽ có được tình yêu đích thực của mình.
Cặp từ đối lập “tuy” – “vẫn”, “dẫu” – “vẫn” phần nào cho thấy nỗi lo âu của nhân vât trữ tình. Có thể là vì đời người hữu hạn quá, tình yêu không đủ bền chặt hay hạnh phúc quá mông lung… đều là những trăn trở rất thường tình, thường trực của người phụ nữ. Nó cũng như ý thơ của Hàn Mặc Tử:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
(“Đây thôn Vĩ Dạ”)
Cuối cùng, Xuân Quỳnh chỉ mong được khao khát hóa thân và tình yêu được bất tử:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Trở lại hành trình của sóng, một không gian vừa chật chội của “sóng nhỏ” lại vừa kì vĩ, lớn lao của “biển lớn” xuất hiện thêm một lần nhắc lại khát vọng được hòa mình vào tình yêu. Nhịp thơ nhanh, mạnh kết hợp từ “tan ra”, “ngàn năm” cho thấy ước muốn đến cháy bỏng được hóa thân vào con sóng bất tử cùng thời gian. Đây là khát vọng hiến dâng rất thánh thiện, rất nữ tính của Xuân Quỳnh.
Tóm lại, mượn hình tượng con “sóng” kết hợp với nhịp thơ linh hoạt, ngôn từ phong phú, văn phong sinh động, cảm xúc đa dạng, Xuân Quỳnh đã làm nên một thi phẩm đặc sắc trong thể tài tình yêu. Bài thơ “Sóng” khai sinh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1967) tựa như “bông hoa xinh xắn nở dọc chiến hào”. Nó nói lên một triết lí rất đẹp của nhà thơ: Tình yêu dù trong hoàn cảnh nào vẫn rất đẹp đẽ và nhân văn.
Hoài Lê