Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (dàn ý và bài làm chi tiết)
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (dàn ý và bài làm chi tiết)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ
– Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ luôn da diết về tình yêu và khát vọng hạnh phúc, được mệnh danh là “bà hoàng của thơ tình”
– Sóng là một trong những bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, được sáng tác năm 1967
2. Thân bài:
– 2 khổ đầu tiên: khát vọng tình yêu
+ Dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ là các trạng thái của sóng nhưng cũng chính là tiếng lòng của người con gái đang yêu
+ Con sóng khao khát tình yêu và chủ động “tìm ra tận bể”
+ Con sóng ngày xưa và ngày sau vẫn luôn nồng cháy khao khát tình yêu
->Sóng là sự hóa thân của cái tôi trữ tình, sóng và em, tuy hai mà một
– 2 khổ tiếp theo: nỗi băn khoăn của tình yêu
+ Điệp từ nghĩ: thể hiện sự băn khoăn trăn trở
+ Xuất hiện 2 câu hỏi tu từ càng tô thêm vẻ hoài nghi
+ Cái tôi trữ tình đi tìm sự bắt nguồn của tình yêu nhưng vẫn không thể biết được “khi nào ta yêu nhau”
– Khổ 5: nỗi nhớ cháy bỏng của tình yêu
+ Con sóng nhớ bờ dù ở dưới lòng sâu hay trên mặt nước
+ Sóng nhớ bờ ngày đêm không ngủ được, còn em nhớ anh thì đến cả trong mơ còn thức
->Nỗi nhớ da diết dài dăng dẳng không thể nguôi
– Khổ 7,8: lòng chuy thủy sắc son của người con gái
+ Dẫu xuôi về bắc hay ngược về nam thì lòng em cũng chỉ nghĩ về phương có anh
+ Niềm tin vào một tình yêu đẹp. con sóng nào cũng tới bờ dù muôn vàn cách trở, em và anh cũng sẽ tìm được nhau dù qua bao khó khan
– 2 khổ cuối: khát vọng được sống vĩnh hằng
+ Sự trăn trở của nhà thơ trước sự hữu hạn của cuộc sống
+ Ước muốn được tan ra làm trăm con sóng nhỏ để ngàn năm vẫn sống với hành trình của mình
– Tổng kết về nghệ thuật của bài thơ
3. Kết bài
– Sóng là bài thơ sâu sắc về tình yêu của người phụ nữ thiết tha, say đắm và chung thủy, muốn vượt lên giới hạn của thời gian và cuộc sống để được hòa mình vào dòng chảy của thời gian
Phân tích bài thơ Sóng
Bài làm tham khảo
Tình yêu- là đề tài muôn thuở của nhân loại, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng đã thốt lên rằng “ Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”, những vẫn thơ men say ấy khiến người đọc ngây ngất trước sự mãnh liệt nồng cháy của tình yêu. Nhưng khi đến với thơ của Xuân Quỳnh, ta lại cảm nhận được một tình yêu đằm thắm, sâu sắc và da diết. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ đa sầu đa cảm, vừa hồn nhiên, tươi tắn, lại chân thành thủy chung. Bài thơ Sóng là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của nữ thi sĩ viết về tình yêu muôn hình vạn trạng.
Sóng là sự hóa thân của cái tôi trữ tình đầy thơ mộng. Sóng và em tuy hai mà một, tiếng sóng cùng tiếng lòng của nhà thơ đang hòa điệu trong cuộc hành trình khám phá, cảm nhận đại dương của tình yêu. Mở đầu cho cuộc hành trình ấy, là những khao khát tình yêu mãnh liệt và nồng cháy:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Dữ dội nhưng lại dịu êm, ồn ào mà cũng thật lặng lẽ, đó là những trạng thái đối lập nhau nhưng nó lại cũng nằm trong một chủ thể. Con sóng ấy có lúc dữ dội và ồn ào có thể phá tan tất cả trong những trận cuồng phong, nhưng rồi lúc trời yên gió lặng thì nó cũng trở về dịu êm và lặng lẽ. Đó cũng chính là những bất chợt của tâm hồn người con gái khi yêu, luôn biến đổi muôn hình vạn trạng chứ tình yêu đâu có khuôn mẫu gì. Trong tình yêu, họ không chấp nhận sự nhỏ hẹp mà luôn vươn tới những cái lớn lao để có thể hiểu và đồng cảm với mình “Sông không hiểu nổi mình / Sóng tìm ra tận bể”. Có thể thấy rằng đây là một nét mới trong quan niệm về tình yêu, đó là sự chủ động để làm chủ cuộc sống, làm chủ hạnh phúc của riêng mình.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Sự đối lập giữa “ngày xưa” và “ngày sau” đã khẳng định sự trường tồn của con sóng hay sự bất tử của kháo khát tình yêu trong em. Dù qua bao thời gian, thì nỗi khát vọng tình yêu vẫn bồi hồi trong con tim này, vượt qua bao giới hạn thời gian để tìm đến bến bờ hạnh phúc. Những khao khát tình yêu mãnh liệt được Xuân Quỳnh nhắn gửi vào hình ảnh sóng thật kín đáo nhưng cũng thật lớn lao.
Yêu là thắc mắc, yêu là khó hiểu, yêu là trăn trở và băn khoăn. “ Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”(Xuân Diệu) và con sóng yêu trong trái tim Xuân Quỳnh cũng vậy, luôn băn khoăn và suy nghĩ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Trước không gian bao la biển cả, trước muôn trùng sóng bể, làm sao em không trăn trở với những thắc mắc ngàn đời. Nhưng tình yêu là sự bí ẩn, làm sao em có thể biết được khi nào ta yêu nhau. Tình yêu cứ thế, cứ đến bên ta như những con sóng nhỏ vỗ vào hồn để tim ta bồi hồi trong lồng ngực, để hồn ta trào dâng bao khao khát và bao băn khoăn suy nghĩ về nó.
Trong tình yêu, có lẽ thứ đẹp nhất chính là nỗi nhớ, đó là gia vị ngọt ngào nhất của tình yêu. Tình yêu mà thiếu đi nỗi nhớ thì đó chỉ là một tình yêu đã chết. Bởi vậy ở khổ thơ thứ năm này, nỗi nhớ trào dâng thành con sóng lớn, khiến khổ thơ có tận sáu câu:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Xuân Quỳnh đã sử dụng cho con sóng một phép nhân hóa đặc sắc. Sóng nhớ bờ khiến sóng không thể ngủ yên, em cũng vậy, luôn mang một nỗi nhớ về anh, về bến bờ hạnh phúc. Nỗi nhớ ấy len lỏi cả trong tiềm thức của em từng phút từng giây đến nỗi “cả trong mơ còn thức”, em nhớ anh trọn cả tâm trí.
Sóng mang trong mình bao trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau của tình yêu và một điều không thể thiếu đó chính là sự thủy chung son sắc
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.
Dẫu xuôi Bắc hay ngược về Nam, dù đi đến đâu đi chăng nữa thì em cũng chỉ nghĩ về phương có anh mà thôi. Trái tim em phải chẳng như chiếc la bàn, chỉ hướng đến phương anh, phương của tình yêu em. Tấm lòng thủy chung sâu đậm ấy làm cho tình yêu càng thêm nồng cháy và hạnh phúc. Và nhân vật trữ tình “em” tin rằng dù muôn vàn cách trở thì con sóng nào cũng sẽ vào đến bờ, đó là quy luật của sóng, và em cũng sẽ tìm được anh, tìm được hạnh phúc, đó là quy luật của tình yêu đích thực.
Tình yêu vốn dĩ đã rất đẹp và thiêng liêng, nhưng tình yêu sẽ đẹp mãi khi người ta biết dâng hiến, biết hòa mình vào biển lớn tình yêu, đó là khao khát bất tử hóa tình yêu
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Xuân Quỳnh nhạy cảm và lo âu trước thời gian trôi qua. Cuộc đời tuy dài nhưng không phải là tồn tại mãi mãi, năm tháng vẫn cứ thế đi qua, đó là quy luật của thời gian nghiệt ngã. Trước những lo âu trăn trở ấy, giải pháp tình yêu mà nữ thi sĩ đưa ra đó chính là “tan ra thành trăm con sóng nhỏ”. Một con sóng nhỏ khi vỗ vào bờ rồi sẽ mất, và một con sóng nhỏ cũng không thể làm nên đại dương bao la, chỉ có trăm vạn con sóng mới có thể nối tiếp nhau vỗ vào bờ ngàn năm. Và tình yêu cũng thế, chỉ có hòa vào biển lớn tình yêu của nhân loại tình tình cảm ấy mới tồn tại lâu bền, đó là khao khát có một tình yêu vĩnh cữu, một tình yêu có thể vượt lên mọi giới hạn của thời gian và đời người.
Bằng thể thơ năm chữ với nhịp điệu như những con sóng vỗ về, cùng với nghệ thuật điệp từ, điệp cú pháp, đối lập và nghệ thuật ẩn dụ con sóng để nói về tình yêu của em, nhà thơ đã thể hiện thành công tâm trạng của một người phụ nữ đang khao khát, trăn trờ, đang da diết và ước mong có một tình yêu chung thủy và hạnh phúc muôn đời.
Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và luôn vận động như tình yêu của người phụ nữ : đằm thắm, dịu dàng, thủy chung, nhưng cũng đầy vẻ hiện đại, sự mạnh mẽ, chủ động và táo bạo, sẵn sàng vượt mọi trở ngại để tìm kiếm và giữ gìn hạnh phúc. Qua đó, thi sĩ ca ngợi tình yêu chân thành và ước muốn dâng hiến tình yêu của mình vào biển lớn tình yêu nhân loại.
Lê Thị Thanh Tâm
Lớp 12A1 – Trường THPT Hướng Hóa, Quảng Trị