Phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Bài làm

Quang Dũng là một trong những nhà thơ tài hoa nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc Quang Dũng đều làm tốt cả. Nhắc đến thơ Quang Dũng, không thể không kể tới bài thơ “Tây Tiến”.

Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào đánh du kích, làm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ biên giới ở vùng Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Đa phần thành viên Tây Tiến đều là thanh niên trí thức Hà Nội. Họ phải hoạt động và chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ. Tuy chỉ hoạt động trong binh đoàn một thời gian ngắn, song Quang Dũng đã kịp có những kỉ niệm đáng nhớ đối với đồng đội. Năm 1948, trong buổi chiều mưa lâm thâm nơi Phù Lưu Chanh, Quang Dũng xúc động nhớ về đồng đội và viết lên bài thơ “Tây Tiến” như một cách thể hiện nỗi nhớ nhung và sự cảm phục với binh đoàn.

Bài thơ “Tây Tiến” được in trong tập “Mây đầu ô”, không chỉ là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật Quang Dũng mà còn xây dựng thành công hình ảnh người lính Tây Tiến của một thời kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng.

Trước hết, Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ về con đường hành quân nơi núi rừng miền Tây trong 14 câu thơ đầu tiên.

Nỗi nhớ da diết, chơi vơi về một thời hội tụ trong hai câu thơ ngắn gọn mà giàu xúc cảm:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Con đường hành quân có khúc sông Mã ngược dòng thác đổ và rừng núi tiềm ẩn nguy cơ vực đá treo leo, bệnh dịch, thú dữ lại được thể hiện rất thơ mộng qua nỗi nhớ “chơi vơi”. Ta chợt nhớ về câu thơ đã từng đọc đâu đó:

>> Xem thêm:  Viết một đoạn văn tả về một loài cây mà em biết - Văn mẫu lớp 2

“Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”

Nỗi nhớ như được thả lưng chừng núi, lại như dùng dằng chẳng ở chẳng đi trong tâm trí con người. Tất cả tạo nên bức màn dân lối người đọc về khoảng không gian xưa cũ:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Sáu câu thơ trên đã làm rõ hơn con đường hành quân của người lính Tây Tiến vừa lãng mạn vừa hiện thực. Lãng mạn là gì? Đó là những hoa, sương, thăm thẳm đất trời, thác đổ trắng bọt, “súng ngửi trời” và “mưa xa khơi”. Thiên nhiên cao, sâu, rộng và hoang sơ vô cùng! Hiện thực là gì? Đó là sự mỏi mệt của những bước chân đi. Chỉ một từ “mỏi” thôi nhưng đã phơi bày hết mọi gian khổ mà người lính trải qua.

phan tich bai tho tay tien cua quang dung - Phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Phân tích bài thơ Tây Tiến

Xét về nghệ thuật, đây là đoạn thơ đặc sắc nhất của bài. Quang Dũng đã rất thành công trong việc sử dụng các cụm từ thể hiện độ sâu của vực thẳm, độ cao của vị trí quan sát khi chạm được mũi súng tới trời, độ dốc của vách đá và độ rộng của không gian chân núi thông qua các cụm tính từ miêu tả.

Trên nền cảnh vật đó, người lính hiện lên bi tráng:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Bi tráng khác với bi thương ở chỗ cùng nói lên nỗi đau nhưng không hề bi thương, bi lụy mà hoàn toàn ngược lại. Tác giả nói đến cái chết. Sự hi sinh của người lính nhẹ nhàng như dừng chân nghỉ ngơi đâu đó, mệt quá nên gục vào súng mà chợp mắt đôi lúc. Giấc ngủ không may kéo dài vô tận, bởi họ “bỏ quên”. Họ chết là vì họ quên mất không tỉnh dậy. Khói nương, hương nếp thơm quá, đẹp quá khiến họ quên mất chăng? Thán từ “ôi” và cách sử dụng từ ngữ vần bằng càng làm tăng sự nhẹ nhàng, trầm bổng cho đoạn thơ.

>> Xem thêm:  Tả con chim lớp 2, đoạn văn miêu tả con chim bồ câu

Bên cạnh một Tây Tiến hùng vĩ, hoang sơ còn có một thiên nhiên Tây Tiến mĩ lệ, thơ mộng và con người đầy duyên dáng, hào hoa.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Trong bức tranh đêm liên hoan văn nghệ và buổi chiều sương ta gặp chung một hình ảnh người lính hào hoa sóng đôi cùng khung cảnh diễm lệ và tình nghĩa mặn nồng. Đêm liên hoan có những chàng lính trẻ tếu táo trong điệu vũ xiêm áo lộng lẫy cùng tiếng khèn, ánh đuốc. Buổi chiều sương có dáng người uyển chuyển soi mình xuống nước như hoa đưa. Những câu nhắc “nhạc về”, “người đi”, “có thấy”, “có nhớ” tha thiết quá, đáng yêu quá. Người lính Tây Tiến gian khổ nhưng luôn yêu đời, lạc quan.

Nâng tầm hình ảnh người lính Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài bất tử về những con người vô danh qua tư thế và lý tưởng của họ.

Tư thế ấy là gì? Đó là dáng vẻ bề ngoài và đời sống tâm hồn lãng mạn, bi tráng:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

>> Xem thêm:  Phân tích hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Người lính Tây Tiến vì đói khổ, bệnh tật mà tóc thì rụng hết, khuôn mặt xanh xao đến đáng sợ nhưng luôn mang nỗi nhớ rất đẹp, rất trong sáng về Hà thành, về nàng “kiều thơm” nào đó ở quê nhà đang ngóng chờ. Đó chẳng phải là cái chất rất bi tráng mà thơ Bác Hồ có lần đề cập trong “Ngục trung nhật kí”:

“Rụng mất một chiếc răng,

Tóc bạc đi nhiều,

Gầy đen như quỷ đói,

Ghẻ lở khắp thân mình”

Còn lý tưởng ấy là gì? Là sẵn sàng đánh đổi tuổi xuân cho dân tộc:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Người lính Tây Tiến như thừa hưởng chí khí của chàng Kinh Kha “dịch Thủy hàn” xưa kia, quyết tâm “khứ hề bất phục hoàn”. Dù kết cục chôn thân nơi xứ người, độc một manh chiếu quấn quanh khi chôn cất nhưng chưa bao giờ họ tiếc nuối.

Khúc độc hành Tây Tiến khép lại bằng lời hẹn ước của tác giả:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

Tạm biệt Tây Tiến, nhưng “hồn” vẫn cứ gửi lại Sầm Nứa, Thượng Lào. Gian khổ là thế, lắm hi sinh là thế, con đường đi vẫn cứ thăm thẳm là thế, song mùa xuân Tây Tiến vẫn có sức hấp dẫn níu kéo trái tim con người.

Bài thơ “Tây Tiến” bằng một giọng thơ hết sức tự nhiên, chân thành và ngôn ngữ đậm tính biểu tượng đã thể hiện thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa cũng như cho thấy tài năng của Quang Dũng. Mong rằng, linh hồn Quang Dũng sẽ được trở về bên “đám mây đầu ô” phiêu du giữa đất trời Tây Bắc như người hằng mong ước.

Hoài Lê

Bài viết liên quan