Phân tích bài thơ Thu Điếu (Câu Cá Mùa Thu) của Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu điếu” (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến.
Bài làm
Mùa thu Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ chơi chữ sáng tạo nên những trang thơ, trang văn để đời. Những tưởng sắc thu không đâu ám ảnh bằng tứ thơ Mới của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên… song với không ít người, chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến trước đó không kém phần day dứt tâm can độc giả. “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến là một ví dụ điển hình:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễu Chi, quê ngoại tỉnh Nam Định, quê nội ở xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thời trẻ, Nguyễn Khuyến từng đỗ đầu cả ba kì thi Hương, Hội và Đình nên được dân tôn xưng là “Tam Nguyên Yên Đổ”. Tuy nhiên vì tính tình cương trực, thẳng thắn, nhiều quan lại ghen ghét thêm nữa Nguyễn Khuyến cũng bất lực trước sự nhiễu nhương của chốn quan tham triều đình nên xin cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Bài thơ ra đời trong khoảng thời gian thi sĩ ẩn cư.
“Thu điếu” mang đến cho thi đàn Việt Nam bức tranh thiên nhiên mùa thu trong trẻo, sống động nhưng cũng chất chứa nỗi niềm cô đơn, bế tắc của kẻ “lực bất tòng tâm” trước thế sự bấy giờ.
Bài thơ lục ngôn bắt đầu bằng một mặt hồ rất đặc trưng trong mùa thu:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”
Nguyễn Khuyến mang đến bức tranh ao thu rất đặc trưng. Một mặt hồ phẳng lặng tới mức “trong veo” thấy cả đáy, một chiếc thuyền buông câu lặng chờ cá đớp mồi, một vài gơn sóng nhỏ, lá vàng rụng rơi trên mặt nước… Quen thuộc đến vậy, nhưng trạng thái của tạo vật lại có gì đó thật lạ?
Phân tích bài thơ Thu Điếu
Nguyễn Khuyến liên tục gieo vần “eo” ở phần giữa và phần cuối các câu thơ tạo nên cảm giác nhỏ bé, eo hẹp, cằn cụi. Kết hợp với đó là từ láy “lạnh lẽo” và “tẻo teo” càng làm cho tứ thơ thêm phần vô vị, nhạt nhẽo. Nhưng trái lại, trên bức tranh tưởng như chẳng có gì đáng ấn tượng ấy lại có những chuyển động hết sức tinh vi. Đó là sóng “gợn tí” và chiếc lá vàng rơi “khẽ đưa vèo”.
Như vậy, thứ lạ lùng trong bức tranh này chính là chất động giữa những cái tĩnh. Sóng gợn vốn dĩ đã rất nhỏ bé thì này chỉ có “tí”. Chiếc lá rõ ràng rơi rất khẽ, rất êm nhưng nhà thơ lại nghe được âm thanh rơi cái vèo qua mặt nước. Giữa bức tranh mặt hồ rộng, tác giả nhìn thấy, nghe được những chuyển động cực nhỏ của mọi vật, điều này chứng tỏ không gian đang cực kì tình lặng và con người cũng cực kì cô độc. Đây cũng là bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc trong thơ ca Việt Nam xưa và nay.
Bức tranh thiên nhiên chuyển điểm nhìn đến bầu trời và ngõ trúc:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Nguyễn Khuyến đang thực sự tìm chút “niềm thân mật” mà Huy Cận từng tìm nơi “Tràng giang” nhưng “không” hề tìm thấy. Vậy trước Huy Cận, Nguyễn Khuyến có tìm được nơi “ao thu” hơi thở nồng hậu của sự sống hay không? Câu trả lời có lẽ là không! Bởi các từ “lơ lửng” hay “vắng teo” đều đặc tả trạng thái lặng lờ, tĩnh mịch, quạnh quẽ của không gian và sự vật. Bầu trời cao rộng, quang đãng tới mức chỉ độc có màu xanh ngắt. Trên nền xanh ấy có một “tầng mây” không trôi theo gió, cũng chẳng tích bão. Mây vốn dĩ là vật tự do nhất trên bầu trời nhưng nay nó cứ như bị giam cầm mãi một chỗ đứng. Còn dưới mặt đất, không gian cũng vô cùng rộng lớn bởi thế nên thi nhân mới có thể quan sát được cả một ngõ trúc dài uốn khúc quanh co. Nhưng rốt cục thì sao? Một vị “khách” qua đường cũng chẳng có huống chi một người bạn thân quen!
Đến cuối cùng, Nguyễn Khuyến cố giải thoát sự bế tắc của cảnh vật bằng con đường khác cũng bế tắc không kém – đó là tiếp tục quay trở về công việc câu cá trên hồ nước:
“Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Dáng dấp của một kẻ “tựa gối” rồi lại “ôm cần” cứ như nhàn nhã lắm, khoan thai lắm lại đi liền với một thực tế phũ phàng – “lâu chẳng được”. Có chuyện gì bi hài hơn là ung dung đi câu cá mà cuối cùng chẳng câu nổi con cá nào.
Chính lúc ấy, một tiếng “cá đâu đớp động” cuối bài dường như là “cứu cánh” cho lòng người thi nhân và cả lòng độc giả. Chỉ có điều, là nghi vấn “cá đâu” chứ không phải là sự khẳng định “có tiếng cá đớp động bèo”. Có thể là một tiếng cá đâu đó vừa đớp động, cũng có thể là phủ định hoàn toàn “đâu có con cá nào”. Dù hiểu theo cách nào thì đây vẫn là một âm thanh mờ nhạt, mơ hồ. Nếu quả thực có tiếng cá đớp động thì ngược lại càng chứng tỏ không gian thực sự rất đỗi vắng lặng. Vẫn là bút pháp lấy động tả tĩnh được sử dụng ở đây.
Tóm lại, bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến với ngôn từ mộc mạc, hình ảnh vừa lạ vừa quen, bút pháp lấy động tả tĩnh kết hợp linh hoạt đã cho thấy tình yêu thiên nhiên thiết tha đồng thời bộc lộ sâu sắc tâm trạng thi sĩ trước hoàn cảnh thực tại thời bấy giờ, đó là: nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trước cuộc đời.
Hoài Lê