Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.

Bài làm

Trong thời kì văn học lãng mạn 1930-1945, thơ Mới ghi nhận sự xuất hiện của một điệu hồn cổ điển cùng đất nước đang nặng buồn sông núi – Huy Cận. Huy Cận đã lượm lặt những mảnh buồn rơi rác giữa vũ trụ, thiên thu và nhân thế để góp nhặt lên vần thơ ảo não vô cùng, hội tụ đầy đủ trong bài thơ “Tràng giang”. Bài thơ “Tràng giang” là một trong những thi phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác thơ Huy Cận, cho thấy phong cách cái tôi rất riêng của mình.

Huy Cận là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Hoàn cảnh đất nước chìm trong sự đô hộ và ánh sáng của Đảng chưa soi tỏ mọi nẻo đường khiến cho Huy Cận cũng như nhiều trí thức bấy giờ không tránh khỏi cảm giác lạc lõng, chán trường. Bài thơ “Tràng giang” ra đời trong tâm thế đó.

“Tràng giang” ra đời vào năm 1939, in trong tập thơ “Lửa thiêng” – tập thơ đầu tay của Huy Cận.  Cảm hứng của bài thơ được tạo nên trong một lần Huy Cận – cậu thanh niên Canh – Nông Hà Nội trong một lần dạo chơi ở bến Chèm bên sông Hồng. Cậu sinh viên 20 tuổi đạp xe ra bến Chèm, ngắm con sông trôi chảy và bài thơ ra đời theo những con sóng dập dềnh đó.

Toàn bộ bài thơ là nỗi buồn, cô đơn trước sự rộng lớn, mênh mông vô cùng vô tận của trời rộng, sông dài của một con người luôn khao khát tình đời, tình người, tình quê hương mà không thể nào có được khi đất nước trong cảnh nô lệ.

Tác giả mở đầu bài thơ bằng bức tranh không gian sông nước mênh mông qua điểm nhìn cảnh mặt sông:

>> Xem thêm:  Phân tích các yếu tố từ ngữ, phép lặp cú pháp, nhịp điệu trong các dòng thơ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Một bức tranh thiên nhiên quen thuộc với sóng, con thuyền, dòng nước nhuốm màu tâm trạng. Trong đó, tác giả sử dụng khá nhiều từ láy để miêu tả cảnh vật: “tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”. Nhờ đó, con sóng được nhân lên thành ngàn lớp, từ trăm ngả, từ sâu thẳm xa xưa quy tụ về đây. Trái lại, con thuyền xuôi mái, mặc nước đưa lại như đang ngược dòng. Thông qua cụm từ đối lập “về” – “lại” đã cho ta thấy một sự chia li tương tự như bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử từng xuất hiện:

“Gió theo lối gió, mây đường mây”

Mặt khác, trên mặt nước còn có hình ảnh cành củi khô. Nét đặc sắc của câu thơ là ở chỗ tất cả các từ ngữ trong câu thơ đều gợi nên sự cằn cỗi, thiếu sức sống. Đó là cành củi khô – vật đã chết. Đó là “một” – sự cô độc. Đó là “lạc mấy dòng” – lạc lõng giữa dòng nước.

phan tich bai tho trang giang cua huy can - Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích bài thơ Tràng Giang

Ngoài ra, đoạn thơ cũng sử dụng cách ngắt nhịp 4/3 càng tạo nên sự tách biệt, rời rã, thiếu sức sống của bức tranh thiên nhiên.

Nhà thơ tiếp tục thể hiện bức tranh thiên nhiên thông qua điểm nhìn từ không gian cồn nhỏ hoang sơ, vắng lặng:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Hình ảnh cồn nhỏ “lơ thơ” và ngọn gió thổi “đìu hiu” tạo nên sự tuyệt mịch của không gian. Bởi nó gọi về trong ta những vần thơ “Truyện Kiều”:

>> Xem thêm:  Khổng Tử bàn về Tu thân, Lập ngôn

“Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”

(Nguyễn Du)

Hay câu thơ của Đặng Trần Côn:

“Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thối đìu hiu mấy gò”

Tất cả tuy lời lẽ khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu thể hiện – sự chết chóc.

Bức tranh cũng đâu đó có âm thanh của sự sống, nhưng lại chỉ là âm thanh “đâu” đó, của một phiên chợ chiều tàn. Hoặc chúng ta cũng có thể hiểu “đâu” ở đây là sự phủ định. Không hề có một tiếng chờ chiều xa xa nào. Do vậy, âm thanh cũng tuyệt nhiên không có.

Do vậy, Huy Cận lại buồn bã quay về với bầu trời, sông nước. Và tất nhiên, nhà thơ cũng chỉ thấy một sự rời rã “xuống” – “lên” và cô quạnh “rộng” – “dài”. Biển nước mênh mông. Trời sâu thăm thẳm. Vũ trụ bao la. Với chất liệu Đường thi, Huy Cận đã viết lên tứ thơ đậm chất cổ điển.

Giọng thơ dần gấp rút hơn. Con người không tìm được niềm yêu sống đủ mạnh nên ngày càng khao khát hòa hợp, gắn bó hơn:

“Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Càng khao khát, Huy Cận càng như rơi vào bi kịch của sự cô đơn khi một lần nữa sự chia li lại xuất hiện. Nước chảy bèo trôi là quy luật thường tình của tạo hóa. Thế nhưng bèo trôi hướng này, nước chảy đường khác, không chung lối. Cả bèo, cả nước như ra đi dần, bỏ lại nơi đây một khoảng nước mênh mông. Chỉ còn sông nước. Thế nên Huy Cận chợt nghĩ về thuyền đò, về những cây cầu bắc ngang sông. Ở đó, liệu có sự sống hay chăng? Trái lại, sự khẳng định “không một”, “không cầu”. Vậy là, một sự gần gũi nhỏ bé cũng không hề có. Chỉ là những bờ cỏ xanh bên bãi cỏ vàng. Màu sắc đang chuyển dần từ sống sang tàn lụi, con người cũng như mơ hồ bước vào cõi vĩnh hằng.

>> Xem thêm:  Phân Tích Bài Thơ Thương Vợ của Tú Xương 

Đến cuối cùng, trong phút giây sầu tủi, Huy Cận đành nương náu về điểm tựa tinh thân – tình yêu quê nhà:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Những hình ảnh cổ điển: cánh chim nghiêng, “mây”, “núi”, “bóng chiều sa” gợi nên những vần thơ nhớ nhà, những bước chân lữ thứ trong thơ xưa:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”

(Hồ Chí Minh)

“Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Mặt khác, hình ảnh “khói hoàng hôn” gợi nhớ về những câu thơ trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm:

“Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng”

Không nói sóng nhưng lòng vẫn có sóng. Không khói nhà nhưng vẫn thấy nhớ nhà. Đó là vì sao? Là vì nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Thế nên không cần bất kì chất xúc tác nào vẫn da diết trong tim. Đứng trên mảnh đất quê hương nhưng lại nhớ nhà. Sự phi lí ấy hoàn toàn hợp lí khi đặt mình trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền. Qua đây, người đọc có thể thấy được tấm lòng yêu nước sâu sắc, thầm kín của Huy Cận.

Tóm lại, bài thơ “Tràng giang” với ngôn ngữ chắt lọc, giàu sức gợi và sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và hiện đại đã làm nên một phong cách Huy Cận quen thuộc nhưng vẫn rất “mới”.

Hoài Lê

Bài viết liên quan