Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận hay
Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Bài làm
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có những nhận định rất hay về các nhà thơ mới: “ Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu nhưng càng đi sâu càng lạnh, ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư. Ta điên cuồng cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, đắm say cùng Xuân Diệu nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Thật vậy Huy Cận là một trong những tác giả tiêu biểu, là nhà thơ lớn của văn học hiện đại, Hoài Thanh cũng đã từng có ý nhận xét: “Huy Cận cùng với Xuân Diệu làm thành một nhóm thơ Huy-Xuân trong làng thơ mới” (Lời của chúng ta). Bởi nếu Xuân Diệu là nhà thơ cảm thức về thời gian thì Huy Cận là nhà thơ cảm thức về mặt không gian. Huy Cận hay hướng ngòi bút đến vũ trụ bao la, sông dài, biển rộng. Nếu Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới thì Huy Cận là nhà thơ cổ điển nhất trong phong trào thơ mới. Bài thơ “Tràng Giang” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác thơ của Huy Cận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
…………………………
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Bài thơ Tràng Giang được rút ra từ tập “Lửa thiêng” xuất bản năm 1940, đây là một bài thơ không dài đã đem đến cho người đọc bức tranh thiên nhiên và bức tranh tâm trạng, nỗi sầu thiên khổ và nỗi sầu tâm thế. Lời đề từ là cảm xúc trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, một nỗi buồn phảng phất được gợi lên bởi sự chia cách chia lìa của trời sông.
Bài thơ mở đầu bằng một khổ thơ mang vẻ đẹp thiên nhiên đậm chất cổ điển và hiện đại được cảm nhận qua tâm trạng buồn của thi nhân:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sâu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
câu thơ mở đầu “Sóng gợn tràn giang buồn điệp điệp” phản phất phong vị cổ điển vì khi đọc câu thơ này chúng ta lại thấy hình bóng của ca dao “Sóng bao nhiêu gợn dạ sầu bấy nhiêu” nó cũng giúp ta liên tưởng đến bài thơ “Đăng cao” của Đỗ Phủ – một nhà thơ đời Đường:
“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.”
(Rào rào lá trút rừng cây thẳm,
Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn.)
Huy Cận không có ý bắt chước ý thơ của người xưa mà vì từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Huy Cận đã cảm nhận thơ Đường, yêu thích thơ Đường và nó thấm sâu vào tâm hồn nên khi viết bài thơ, ý thơ đã tự nhiên mà đến. Cả Đỗ Phủ và Huy Cận đều sử dụng đối xứng nhưng Đỗ Phủ đã sử dụng đối xứng trong sự khác biệt còn Huy Cận đối xứng trong sự tương đồng. Cả hai nhà thơ đều sử dụng từ láy mà Đỗ Phủ sử dụng từ láy ở giữa câu thơ và Huy Cận sử dụng từ láy ở cuối câu làm cho câu thơ như ngân vang lên. Ở câu thơ thứ hai cũng gởi lên vẻ đẹp cổ điển, đó là vẻ đẹp nhẹ nhàng, tĩnh lặng nó giống như một nét vẽ trong bức tranh thủy mạc. Cảnh buồn được cảm nhận qua tâm trạng buồn, đó là cái buồn từ lòng người lan tỏa ra cảnh vật. Cụm từ buồn “điệp điệp” với hai từ láy có khả năng vừa gởi hình, vừa gợi cảm, gợi lên hình ảnh những làn sóng nhấp nhô nhau trên dòng sông, gợi cảm, nỗi buồn của tác giả như nhập vào dòng chảy vô tận và Huy Cận đã từng có câu nói: “Nhìn dòng sông lớn gợi những lớp sóng, tôi cảm thấy nỗi buồn của mình cũng chảy ra như sóng” và hình ảnh sóng gợn “tràng giang buồn điệp điệp” này ở đó còn có hai con sóng. Sóng gợn tràng giang là sóng nước còn buồn điệp điệp là sóng lòng, nhạc sóng và nhạc lòng đã hòa quyện vào nhau trở thành một hình tượng. Hình ảnh đã đem đến cho cảnh sự mênh mông vắng lặng bởi vì dòng sông khi về chiều, thuyền đã về bến hết rồi, gác mái xuôi theo dòng nước, không còn có tiếng mái chèo khua trên dòng nước gợi lên sự chia lìa, thuyền xuôi – nước ngược:
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngã”
có hai cách hiểu nước ngược thuyền xuôi để diễn tả sự chia lìa hoặc thuyền về nước lại càng sầu thêm. Cảnh gợi lên sự nhỏ bé bơ vơ trong hình ảnh:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
là câu thơ hay diễn tả nhiều ý nghĩa. Câu thơ đã mang một nét mới, nét hiện đại bởi trong thơ xưa khi nói về cái đẹp phải là phong hoa tuyết nguyệt, tùng, trúc, túc, mai. Đó là những vẻ đẹp tao nhã nhưng ở đây tác giả đã đưa hình ảnh củi khô trôi nổi trên dòng sông, hình ảnh này trong thơ cổ không hề xuất hiện. Bằng biện pháp nghệ thuật đối lập, tương phản, củi một cành mà có nhiều dòng nước ngược xuôi, đó là sự nhỏ bé bơ vơ. Có người đã nói nếu dòng trường giang là dòng đời thì cành củi khô là cành của thân phận. Goethe là một nhà thơ lớn của Đức đã có câu nhận định “Cô đơn là điểm xuất phát của nghệ thuật”, nó phù hợp với tâm lý chung. Bằng biện pháp đảo ngữ “một cành củi khô” tác giả đã đổi thành “củi khô một cành” kết hợp biện pháp nghệ thuật tăng tiến “một” và “mấy” gợi lên cảm giác cô đơn trước sự mênh mông của sông nước. Một câu thơ bảy chữ đã vỡ thành bảy mảng cô đơn. Không dùng cây mà dùng củi nói sự cô đơn, không dùng nhiều mà dùng một để tô đậm sự lẻ loi, không dùng cây mà dùng cành để thể hiện sự nhỏ bé, không dùng tươi mà dùng khô để chỉ sự khô héo, cả câu thơ đã mang một sự gợi cảm. Tác giả đã rất tinh tế khi dùng một cành củi khô mà không phải cánh bèo trôi dạt bởi cánh bèo chỉ diễn tả sự nhỏ bé bơ vơ còn cành củi khô từ một cành cây tươi ở đầu nguồn đã trải qua bao gió giật sóng vùi, nó đã trở nên khô héo. Hình ảnh của cành củi khô đó trôi dạt trên dòng chảy của số phận, nó không phải của một mình Huy Cận mà nó là tất cả của những nhà thơ mới.
Cảnh có thêm đất và thêm người nhưng lại càng buồn hơn bởi sự tàn tạ vắng vẻ, sự mênh mông rợn ngợp:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Cảnh có thêm đất thêm người nhưng lại càng buồn hơn được thể hiện qua hai câu đầu. Cảnh có xuất hiện cồn cát đã nhỏ lại “lơ thơ”. Lơ thơ được hiểu theo hai nghĩa là cồn cát nhiều nhưng đó lại là cồn cát nhỏ nên nó lơ thơ. Có thể hiểu theo nghĩa thứ hai là trên cồn cát ấy cỏ mọc lơ thơ. Dù hiểu theo cách nào thì tất cả cũng gợi lên sự thưa thớt, vắng vẻ. Trên cồn cát ấy có gió nhưng lại là gió đìu hiu, mang một tâm trạng buồn của lòng người mà lan tỏa ra toàn vật. Huy Cận đã lấy được từ trong “Chinh phụ ngâm”:
“Non Kỳ quanh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.”
Để nói về khung cảnh chiến trường thê lương ảm đạm. Cảnh sông nước có thêm người và tiếng lao xao của chợ chiều. Từ “đâu” được hiểu theo hai nghĩa đó là đâu có cảnh im ắng đến tột cùng và ở đâu đó có tiếng làng xa từ một cồn cát hẻo lánh nào đó vọng lại. Đây là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thời gian ở thời điểm này, nỗi buồn như được cộng lại nhân lên.
Cảnh có sự mênh mông gợi nỗi sầu vũ trụ:
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
không gian được mở ra theo nhiều chiều, có nắng xuống trời lên lại có sông dài trời rộng ở phía dưới. Cái sâu chót vót chúng ta hay dùng để chỉ độ cao nhưng ở đây lại gởi chỉ độ sâu. Bởi tác giả đã nhìn dòng sông soi vào dòng nước và bầu trời ở dưới đáy sông sâu. Từ cách viết này, không gian được mở ra theo hai chiều cao và sâu, mở rộng đến hai lần vì vậy con người càng trở nên nhỏ bé. “Xuống” và “lên” là hai động từ có sự tương ứng với sông dài trời rộng, dài và rộng là tính từ nhưng đã được động từ hóa làm cho dòng sông đã dài lại càng dài hơn, bầu trời đã rộng lại càng rộng hơn. Cách ngắt nhịp ở câu thơ cuối cùng dài rộng cô liêu cũng là cách nhắc lại câu đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Nhà thơ Xuân Diệu đã có lời bình về câu thơ này: “Huy Cận cảm nghe cái mênh mông thì dòng thơ của người cũng lây cái sầu vũ trụ, linh hồn của Huy Cận là linh hồn của trời đất.”
Tiếp đến đó chính là nỗi sầu nhân thế của thi nhân, cảnh có màu sắc tươi tắn nhưng không vui mà lại càng buồn hơn:
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Có sự xuất hiện của cánh bèo trên mặt nước, có bờ xanh bãi vàng. “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” là một biện pháp đảo ngữ đưa từ lặng lẽ lên đầu để nhấn mạnh, gợi lên cảm giác buồn, cánh bèo có sự đông đúc nhưng lại không vui. Cánh bèo thường được dùng trong văn chương để chỉ về tâm trạng bơ vơ và đây để chỉ tâm trạng của những nhà thơ mới nói chung và của Huy Cận nói riêng. Cảnh mênh mông vắng lặng với hai lần phủ định “không cầu”, “không đò”:
“Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Huy Cận đã cảm nhận chung về dòng sông, dấu hiệu của sự sống là phải có cầu có đò để xóa đi những khoảng trời ly biệt nối liền với không gian xa cách như trong bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông.”
dù nhỏ bé nhưng nó vẫn gợi lên sự sống, sự giao lưu nói liền nhưng trong bài thơ “Tràng Giang” đã không đò lại không có cầu dường như hình ảnh sông với hình bóng con người và sự giao lưu giữa người với người vẫn là trong nỗi buồn của sự cô đơn chia lìa. Hay trong bài “Đây là mùa thu tới” của Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới:
“Đã nghe rét mướt trong luồn gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.”
Vắng người vì khi mùa thu đến trời trở lạnh, người ta ngại đi nhưng vẫn có người qua lại. Còn “Tràng Giang” đò, cầu không có lại càng buồn hơn, ta lại cảm nhận được sự cô đơn vắng lặng lại càng nhân rộng hơn nỗi sầu nhân thế.
“Tràng Giang” mang đậm phong vị cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nguyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp gieo vần, cấu trúc cân đối, cú pháp tả cảnh ngụ tình, gợi hơn là tả, kết hợp với nhiều biện pháp tu từ như đối lập, đảo ngữ, điệp ngữ, từ láy,…. kết hợp với nhiều từ Hán Việt cổ kính còn tình cảm của thi nhân thì mang đậm màu sắc hiện đại.
“Tràng Giang” là một trong những bài thơ trong tập “Lửa thiêng” nó là ngọn lửa thiêng, ngọn lửa vĩnh cửu, toả sáng một hồn thơ đẹp. Nó như một bức họa tứ bình kiệt tác, như thi sĩ Xuân Diệu đã từng nói: “Tràng Giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ Quốc”. Đọc “Tràng Giang” ta lại càng thêm yêu thêm nhớ đất trời sông núi quê hương Việt Nam mình.