Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của tác giả Hồ Xuân Hương
Đề bài: Phân tích bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương.
Bài làm
Hồ Xuân Hương thực sự đã trở thành một “hiện tượng độc đáo” trong thời kì thơ ca phong kiến Việt Nam khi người ta biết đến những cái tên như “Bánh trôi nước”, “Mời trầu”, “Duyên kỳ ngộ” và chùm ba bài thơ “Tự tình”. Trong đó, tác phẩm “Tự tình II” đã phản ánh thành công chất phóng khoáng và tiềm ẩn trong hồn thơ cũng như tài năng, đặc sắc phong cách của Hồ Xuân Hương:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Thế hệ bạn đọc yêu thơ bao đời nay vẫn luôn nhắc đến Hồ Xuân Hương bằng tình cảm xót thương và cảm phục. Xót thương bởi Hồ Xuân Hương vốn con nhà gia giáo, học hành tử tế, giao thiệp rộng rãi, nhiều văn trí sĩ yêu mến nhưng con đường tình duyên lỡ làng, hai lần qua đò đều làm lẽ cho nhà người ta. Nhưng có ai không cảm phục một bà Hồ phóng khoáng, phong lưu và tài thơ Nôm được tôn làm “bà chúa”. Nét độc đáo tron thơ Hồ Xuân Hương là sự phá cách và sáng tạo, do đó bà được coi như người mở đường và đắp nền cho thơ chữ Nôm Việt Nam.
Bài thơ “Tự tình II” đậm chất nhân văn, nhân đạo khi nhà thơ lấy cảm xúc cá nhân để lên tiếng phản ảnh thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ nhỏ bé, gặp nhiều bất công, ngang trái. Bài thơ thất ngôn bát cú Đường thi được Hồ Xuân Hương sáng tạo mới mẻ về ngôn từ và hình ảnh vừa thú vị, vừa sâu sắc.
Hai câu thơ đầu tiên, tác giả dẫn luận đề: “hồng nhan bạc phận”. Ở đó, chân dung của một đấng hồng nhan đang chôn vùi tuổi xuân trong nỗi cơ đơn, sầu tủi:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Không gian đêm khuya vắng lặng tới mức nghe được cả tiếng trống canh điểm giờ tận nơi xa xôi nào đó vọng lại làm nền cho “cái hồng nhan” xuất hiện. Nhà thơ gọi là “cái” thể hiện sự rẻ rúng, bèo bọt lại miêu tả rằng đang “trơ” – lì lợm, phô diễn thái quá khiến cho người con gái đẹp kia ngược lại thật tầm thường, vô dụng. Hóa ra xưa kia, đẹp là không tốt, đẹp là đáng xấu hổ, đẹp sẽ cô độc. Đúng như Nguyễn Du nói “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Phân tích bài thơ Tự Tình 2
Đến hai câu thơ tiếp, Hồ Xuân Hương không đi theo lối mòn cấu trúc đề-thực-luận-kết mà ở phần thực này lại mang đến một không khí rất ảo mộng:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Cặp từ đối lập “say” – “tỉnh” tạo nên sự đối lập không rõ ràng trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Người hồng nhan chỉ thưởng thức hương rượu mà cũng say được sao”? Là say men rượu hay say men đời? Giữa thế tục trần trụi, bà Hồ mượn rượu để giả say ngoài mặt, nhưng lí trí thì càng ngày càng tỉnh táo hơn chăng? Càng tỉnh táo, bà Hồ lại càng ý thực được thực tại bản thân. Trăng nhắc con người về những ngày Tết đoàn viên, sum họp, hạnh phúc tròn đầy. Nhân vật trữ tình mượn bóng trăng xế tà rồi lại dùng hai từ đồng nghĩa “khuyết” và “chưa tròn” chỉ với mục đích duy nhất là nhấn mạnh hiện thực: tuổi xuân ta cũng như bóng trăng tà đã quá nửa rồi, vậy mà ta vẫn mãi ở trong cảnh lẻ bóng, chưa thỏa ước nguyện hạnh phúc đoàn viên.
Đến phần luận, một phong cách phóng khoáng, một tâm hồn tiềm ẩn và một tài năng sáng tạo đặc sắc được bộc lộ thuyết phục:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”
Hai câu thơ nhịp 4/3 kết hợp với các động từ “xiên”, “đâm” tạo nên giọng thơ nhanh, mạnh, dứt khoát. Điều này cho thấy nhân vật trữ tình đang bộc phát hết mọi bức bối, đè nén, uất ức trong lòng. Vận mình vào phận nhỏ bé của rêu và sự vô dụng của đá, Hồ Xuân Hương khát khao được xé đôi mặt đất này, rạch đứt bầu trời này. Rêu muốn vươn dậy khỏi bóng cây lá trên mình. Đá mong ước bứt phá khỏi phận phụ thuộc vào đất mà đến bầu trời xanh. Khao khát thăng tiến của rêu hay đá cũng là khao khát được thoát khỏi hiện thực tối tăm, phũ phàng để chứng tỏ giá trị bản thân. Nhưng thi sĩ có làm được?
Câu trả lời nằm ở hai câu thơ cuối bài:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Từ “ngán” đã thay bà Hồ giải đáp câu hỏi của người đọc. Giọng thơ đi xuống, đặt dấu chấm hết cho một cái kết cũ kĩ. Tất cả lại trở về những ngày ngồi “trơ” một mình nơi lầu son gác tía. Từ “xuân” trong câu thơ ám chỉ tuổi xuân của con người, nó càng quan trọng hơn với một người phụ nữ. Hết xuân này qua xuân khác, cứ “lại lại” như thế, đến bao giờ mới có hạnh phúc đây? Tác giả không rõ, chúng ta cũng không rõ. Chỉ có một hiện thực chắc chắn rằng: chút hạnh phúc ít ỏi mà người có trong đời đều phải đem đi “san sẻ”. Thi nhân muốn nhắc đến thân phận vỡ lẽ mà suốt những năm tháng thanh xuân bà trải qua chăng? Nếu thế thì, cuộc đời khát khao hạnh phúc kia chỉ có được một “mảnh tình” thôi sao? Hơn nữa, nó lại bị chia cắt cho người khác còn “tí con con”, ít ỏi tới mức tối thiểu.
Như vậy, người đọc thấy rõ vấn đề mà Hồ Xuân Hương gửi gắm trong tác phẩm “Tự tình II”, đó là nỗi cô đơn, lo âu, chán trường, tuyệt vọng, nuối tiếc của thi sĩ về chính cuộc đời mình cũng là của thân phận những người phụ nữ phong kiến nói chung. Sự sáng tạo, phá cách trong hình ảnh, nội dung và ngôn từ là thông điệp lật nhào chế độ phong kiến cùng với lễ giáo khắt khe của nó. Do vậy, tính nhân văn và nhân đạo của bài thơ mới càng trở nên sâu sắc hơn. Bà Hồ không chỉ là niềm tự hào của người phụ nữ mọi thời đại nói chung mà còn có vị trí, vai trò không nhỏ trong thơ ca Việt Nam.
Hoài Lê