Phân tích bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu.
Bài làm
Đọc thơ Tố Hữu, tôi như được trở về với ngọn nguồn văn học dân tộc và lịch sử giữ nước của dân tộc. Trong đó, bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mang đến khúc ca lớn lao của thiên nhiên và tình người trong một gia đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc mà ít tác phẩm nào phản ánh thành công đến như vậy.
Nói về Tố Hữu, đây là nhà thơ – nhà cách mạng lớn nhất thế kỉ XX bởi ta luôn thấy trong trang thơ Tố Hữu những lẽ sống lớn, tình cảm lớn và những niềm vui lớn. Thơ Tố Hữu mang phong cách riêng, một lối thơ trữ tình – chính trị, giọng điệu tâm tình, ngọt ngào và đậm khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn.
Bài thơ “Việt Bắc” đánh dấu sự kiện Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình được thông qua vào tháng 7/1954. Tố Hữu viết bài thơ trong giây phút xúc động trước cuộc chia li giữa cán bộ, chiến sĩ về xuôi và người dân ở lại.
Bài thơ “Việt Bắc” mang đến một cuộc tâm tình, thủ thỉ trao duyên giữa hai nhân vật trữ tình “mình” và “ta”. Hai nhân vật xuyên suốt bài thơ sẽ lần lượt nhắc lại từng kỉ niệm đẹp giữa thiên nhiên với con người và tình đồng bào, đồng chí thắm thiết.
Nới tới thiên nhiên Việt Bắc, Tố Hữu nhớ về một vùng rừng núi hoang sơ nhưng thơ mộng khi sóng đôi bên hình ảnh con người:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
Thiên nhiên Việt Bắc với sự kết hợp của “hoa” và “người” đã tạo nên bức tranh tứ bình đặc sắc. Mùa đông nổi bật bông “hoa chuối đỏ tươi” giữa cánh rừng xanh đại ngàn. Xuân có sắc trắng hoa mơ phủ khắp rừng. Hè đầy ắp âm thanh tiếng ve và hoa phách vàng trổ. Thu về có ánh trăng tròn rọi khắp nẻo đường quen.
Thiên nhiên Việt Bắc đẹp hơn khi cùng con người chiến đấu và lao động:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Hình ảnh loài tre – biểu tượng sức sống dân tộc trở thành bức tường bảo vệ, thành cứ địa phòng thủ, thành “gậy tre, chông tre” đấu lại súng ống, đạn dược quân thù còn đó. Có ai không gọi tre một tiếng “anh hùng”.
Phân tích bài thơ Việt Bắc
Nhớ về con người Việt Bắc là nhớ về những con người chăm chỉ, tần tảo:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
Có lẽ đây là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của người dân vùng núi Bắc Bộ. Người mẹ dân tộc tần tảo, chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh hiện cả trên tấm lưng. Tấm lưng cháy nắng. Tấm lưng còng tra ngô. Tấm lưng địu đứa bé – thế hệ tương lai của đất nước, sự nghiệp dân tộc. Có tấm lưng nào vĩ đại hơn thế nữa không?
Hơn nữa, con người Việt Bắc còn giàu nghĩa tình. Con người Việt Bắc đồng cam cộng khổ cùng bộ đội, chia nhau từng củ khoai, củ sắn cứu đói. Có bát cơm cũng sẻ nửa, có mảnh chăn cũng đắp chung. Thế nên, Tố Hữu mới có những nỗi nhớ đáng yêu như vậy:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”
Nỗi nhớ nhung được ví như nhớ “người yêu”. Sáng cũng ngóng trông nhau. Chiều cũng bâng khuâng nhớ về nhau. Từ khi “trăng lên” tới khi “nắng chiều” buông xuống đều chỉ quanh quẩn một nỗi nhớ thương.
Bài thơ “Việt Bắc” khá nổi bật về tính lịch sử, bởi nó ghi lại những khoảng khắc thiêng liêng nhất của dân tộc. Đó là “mười lăm năm ấy” – mười lăm năm chiến đấu và chiến thắng cũng là mười lăm năm quân dân cá – nước:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”
Cuộc tổng tiến công lịch sử đánh dấu thắng lợi của kháng chiến chống Pháp trường kì được tái hiện trong đoạn thơ ngắn hết sức thành công. Người đọc như được chứng kiến bức tranh bi tráng của người anh hùng – tập thể nhân dân lao động cùng nhau vùng dậy trong đêm sương như lật tung đất trời ngàn năm đô hộ đen tối và mở ra thời đại của tự chủ tự trị.
Thời kỉ mới mở ra với Việt Bắc. Việt Bắc hòa mình vào cuộc chiến khắc phục đau thương, xây dựng Tổ quốc mới cùng cả nước:
“Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…”
Và ngày hôm nay, Tố Hữu nhắc lại cuộc chia tay người đi – kẻ ở lịch sử:
“Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Đoạn thơ khá giàu màu sắc sử thi với hình ảnh “áo chàm”. Nó gợi về những cuộc chia li thuở xa xưa. Song ta lại bắt gặp chút hiện đại từ cái cầm tay không nói của người ra đi và kẻ ở lại. Biết bao tình cảm, ơn nghĩa khiến họ nghẹn ngào không nói nên lời. Truyền tải toàn bộ cảm xúc trong một bài thơ là điều không dễ dàng làm được. Càng như vậy, càng cho thấy tài hoa của thi nhân!
Tổng kết lại cả bài thơ lục bát, người đọc dễ dàng nhận thấy nét đặc sắc trong cách sử dụng cặp từ xưng hô “mình” – “ta” một cách rất hài hòa, tinh tế và linh hoạt. Ngôn ngữ khá giàu màu sắc dân gian, gần gũi với lời ăn tiếng nói nhân dân. Giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến tựa như lời đối đáp tâm tình. Qua đó cho thấy tính dân tộc đậm đà và lòng yêu nước thiết tha của Tố Hữu.
Tóm lại, bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp, là bản tình ca và cũng là bản hùng ca về chặng đường lịch sử của dân tộc, về tinh thần cách mạng và đạo nghĩa thủy chung.
Hoài Lê