Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du


Trong “ Truyện Kiều” tác giả đã có rất nhiều câu thơ để miêu tả thiên nhiên. Đặc biệt đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với những vẻ đẹp trong sáng, sống động nhưng vẫn hàm chứa nỗi buồn man mác. Em hãy phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “ Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

 Giới thiệu bức tranh thiên nhiên trong “ Cảnh ngày xuân”: Đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với những vẻ đẹp trong sáng, sống động nhưng cũng hàm chứa tâm trạng bâng khuâng, nỗi buồn man mácvới dự cảm về tương lai của Thúy Kiều.

2. Thân bài

  • Bức tranh thiên nhiên trong sáng, nhẹ nhàng và tinh khôi được hiện lên qua bốn câu thơ đầu:

+ Không gian, thời gain riêng biệt.

+ Các hình ảnh cụ thể.

  • Bức tranh lễ hội sôi động, nhộn nhịp được thể hiện qua tám câu thơ tiếp theo
  • Bức tranh thiên nhiên đượm buồn, nhuốm màu tâm trạng con người ở sáu câu thơ cuối cùng qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về bức tranh thiên nhiên: Đó là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa có cảnh vừa có tình.

II. Bài tham khảo

   Từ xưa đến nay thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng lớn lao cho những người nghệ sĩ. Và Nguyễn Du cũng không phải là ngoại lệ. Trong “ Truyện Kiều” tác giả đã có rất nhiều câu thơ để miêu tả thiên nhiên. Đặc biệt đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với những vẻ đẹp trong sáng, sống động nhưng vẫn hàm chứa nỗi buồn man mác với một dự cảm về tương lai của Thúy Kiều.

>> Xem thêm:  Phân tích câu ca dao:“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha /Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

   Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong sáng, nhẹ nhàng và tinh khôi qua bốn câu thơ đầu tiên:

                                       “ Ngày xuân con én đưa thoi

                                 Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

                                         Cỏ non xanh tận chân trời

                                 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

   Đó là bức tranh mùa xuân đầy sức sống với thời gian và không gian rất riêng biệt. Tác giả sử dụng hình ảnh ẩn dụ nhân hóa “ cánh én đưa thoi” để gợi tả về không gain mùa xuân. Trên nền trời cao rộng những cánh én bay liệng chao nghiêng. Hình ảnh những chú chim én “ đưa thoi” vừa là hình ảnh đặc trưng cho mùa xuân vừa gợi ra thời gian trôi rất nhanh, mới đó đã bước sang tháng ba rồi. Có một sự vương vấn, tiếc nuối của tác giả khi mà mùa xuân sắp kết thúc.  “ Thiều quang” là ánh sáng ấm áp của mùa xuân, gợi lên màu hồng của cảnh xuân, nó mang đến sức sống cho muôn loài.

phan tich buc tranh thien nhien trong bai tho canh ngay xuan cua nguyen du - Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du

   Bức tranh thiên nhiên càng trở nên sinh động hơn ở hai câu thơ tiếp theo với những hình ảnh hết sức cụ thể: cỏ non và cành hoa lê trắng. Nền của bức tranh là màu xanh bát ngát tới tận chân trời của đồng cỏ mênh mông. Trên cái nền xanh dịu mát ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Hai màu trắng và xanh hòa quyện gợi nên cảm giác mênh mông nhưng không hề quạnh vắng, trong sáng mà trẻ trung, nhẹ nhàng mà thanh khiết. Tác giả sử dụng động từ “ điểm” làm cho cảnh vật trong bức tranh như có sự chuyển động. Chỉ bằng vài nét chấm phá, tác giả đã vẽ lên một bức tranh mùa xuân tràn đầy sức sống.

>> Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Nhĩ trong truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu

   Ở tám câu thơ tiếp theo, bức tranh thiên nhiên được hiện ra là cảnh lễ hội tiết thanh minh. Tác giả đưa ra câu thơ mang tính giới thiệu, thông báo:

                             “ Thanh minh trong tiết tháng ba

                                Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Tiết thanh minh là một phong tục truyền thống ở một số nước phương Đông thường diễn ra vào tháng ba-cuối mùa xuân. Lễ tảo mộ là viếng mộ, sửa sang, thắp hương cho những phần mộ của người đã khuất. Hội đạp thanh là giẫm lên cỏ xanh- lễ hội du xuân chốn làng quê thanh bình. Không khí lễ hội rất tưng bừng và náo nhiệt. Tác giả sử dụng một loạt các từ láy: “ nô nức”, “ dập dìu” cùng với các từ Hán Việt: “ yến anh”, “tài tử”, “giai nhân” để làm nổi bật dòng người đi lễ hội là những trai tài gái sắc, trai thanh gái lịch với dáng điệu khoan thai, ung dung, thanh thản. Hình ảnh so sánh “ Ngựa xe như nước áo quần như nêm” càng làm nổi bật lên sự tấp nập, đông vui của lễ hội. Bên cạnh hình ảnh người đi du xuân còn là hình ảnh của những đống tro bên những nấm mộ. Tác giả dành sự trân trọng, thành kính đối với những người đã khuất.

   Không còn sự vui tươi, náo nhiệt nữa bức tranh thiên nhiên ở sáu câu thơ cuối trở nên trầm buồn vì đã nhuốm màu tâm trạng con người:

>> Xem thêm:  Suy nghĩ của em về tình cảm gia đình

                                    “ Tà tà bóng ngả về tây

                               Chị em thơ thẩn dang tay ra về

                                     Bước dần theo ngọn tiểu khê

                               Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

                                     Nao nao dòng nước uốn quanh

                               Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

   Chị em Thúy Kiều ra về khi bóng đã xế chiều, ánh nắng cuối ngày cũng dần tắt. Các từ láy “ tà tà”, “ thơ thẩn”, “ thanh thanh”, “ nao nao” không chỉ gợi tả sắc thái của cảnh vật mà còn thể hiện tâm trạng của con người. Con người còn bâng khuâng, luyến tiếc khi mà cuộc du xuân đã kết thúc. Dường như cảnh vật cũng hiểu nỗi lòng của con người mà đượm buồn theo. Cảnh không còn sôi động mà mang một vẻ đẹp dịu dàng, yên ả hơn với  “ ngọn tiểu khê” và dịp cầu ở cuối ghềnh bắc ngang qua con suối. Ở đây nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được tác giả sử dụng một cách triệt để. Một tâm trạng bâng khuâng, “nao nao” như dự cảm một điều gì đó sắp xảy ra.

   Đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp vừa có cảnh vừa có tình. Và đây cũng được coi là một trong những bức tranh thiên nhiên đẹp nhất trong “ Truyện Kiều” với bút pháp miêu tả tài tình và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo.

Bài viết liên quan