Phân tích bức tranh thiên nhiên trong khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Bài làm
“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa của mình” (Chế Lan Viên)
Ngôi sao chổi vụt ngang nền trời làm lu mờ đi các vì sao khác. Hàn thi sĩ tuy chỉ kết duyên với Thơ mới 9 năm nhưng cũng đủ cho một hồn thơ tỏa sáng trên thi đàn dân tộc. Nếu Xuân Diệu được mệnh danh “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Nguyễn Bính-hồn thơ của chân quê thì Hàn Mặc Tử sẽ là nhà thơ “kì lạ” nhất, nhà thơ “điên” của phong trào. Tiếng thơ của ông ban đầu mang nhạc điệu mềm mại (tập Gái quê). Sau đó mới trở nên dữ dội (Thơ điên). Và trong trùng trùng hình ảnh”vẩn đục” (cách dùng từ của Hoài Thanh), bên cạnh bao vần thơ điên loạn, thi nhân vẫn sáng tạo ra những câu thơ trong trẻo, hiền hòa và gợi cảm mà ta bắt gặp ở “Đây thôn Vĩ Dạ”. Qua khổ 1 thi phẩm, ta có thể thấy được nét thơ mộng, lãng mạn ấy được thoát ra từ vẻ đẹp thiên nhiên.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng câu nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
“Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác năm 1938 và in trong tập “Thơ điên”. Thi phẩm mang cái tôi trữ tình khao khát vươn đến cái ấm áp của tình người và nét mơ mộnhốn thiên nhiên. Tập thơ này chứa những câu thơ đau đáu, nhức nhối nhất thi ca Việt Nam. Vậy mà, “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng thuộc tập thơ này nhưng nó lại nhẹ nhàng đến thế! Thi phẩm tựa một nốt ngân trong trẻo giữa bản đàn mà nhạc luật của nó đầy đau thương. Bài thơ ra đời khi thi sĩ biết mình mắc bệnh nan y. Cùng lúc đó, người con gái năm xưa thầm thương gửi bức bưu thư cùng lời hỏi thăm đã trở thành chất xúc tác cho nguồn cảm hứng thơ
Thi phâme mở đầu bằng một lời trách móc, lời mời mọc thân thiết, lời nhắn nhủ nhẹ nhàng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Chưa thật rõ, lời mời thân ái này của cô gái hay chính tác giả đang phân thân ra và tự hỏi chính mình. Nhưng ta chẳng cần quan tâm chủ thể của câu hỏi là ai, chỉ cần biết qua cách đặt câu hỏi chứng tỏ thi nhân đang nhớ nhung nên mới có ý tứ gợi nhắc về thôn Vĩ. Đã lâu rồi không quay về gặp người mình thầm thương, nỗi vấn vương ấy luôn ám ảnh tâm trí là điều hiển nhiên. Tâm trạng nhớ thương của nhà thơ chẳng khác gì chàng trai trong ý thơ Thôi Hộ:
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
(Người đẹp giờ đâu trời mới biết
Hoa đào còn ghẹo gió đông bay)
Khác với điêu khắc, hội họa hay âm nhạc dùng hình khối, màu sắc hay âm thanh để xây dựng hình tượng, thi ca nói riêng và văn học nói chung thường dùng ngôn từ để tạo nên chúng. Ở đây, cách dùng từ của thi nhân đặc biệt ấn tượng và vô cùng hợp lí. Tại sao lại sử dụng “không” mà không phải những từ phủ định khác? Vì “không” mang nghĩa phủ định cao nhất, nó như tản đá lớn cản đường thi nhân về thôn Vĩ, nó đã chặn hết mọi nẻo đường để Hàn thi sĩ với tới người thương. Vậy, tuy chỉ bằng một câu hỏi tu từ ngắn gọn, độc giả có thể hình dung được vị trí, tâm trạng cũng như hoàn cảnh của thi nhân.
Từ nỗi nhơ người nên nhớ cả cảnh sắc nơi người đang sống. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế dần được hiện lên với những nét vẽ nhẹ nhàng:
“Nhìn nắng hàng câu nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Miền kí ức thôn Vĩ được khơi nguồm trong buổi sớm mai khi bình minh ghé thăm khu vườn. Dòng thơ đọng lại một không gian ngập tràn sắc nắng-đặc trưng nơi mảnh đất miền trung. Không phải làn “nắng ửng” trong khói mơ tan, cũng chẳng phải “nắng cháy lưng” (Việt Bắc-Tố Hữu). Nắng ở đây không huyền hồ ảo diệu mà đầy tinh khôi và trong trẻo. Nắng trên những hàng cau là những nắng đầu tiên trong ngày và chỉ có cây câu cao vút mới hứng được những giọt sáng tự nhiên đến thuần khiết ấy. Lại nói đến hàng cau-loại cây tô điểm và dường như không thể thiếu trong cấu trúc vườn nhà thôn quê xưa. Nó gợi lên truyền thống cau trầu, nét văn hóa gìn giữ của mảnh đất cố đô
“Đôi ta như trầu với cau
Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng”
Nhưng có lẽ ấn tượng sâu nhất vẫn là vẻ đẹp long lanh của những khu vườn:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Đây được xem như một thủ pháp so sánh vô cùng tinh tế, độc đáo khi thiên nhiên hiện lên mang vẻ đẹp thật tươi tắn. Cái đẹp trong nghệ thuật thường được nâng cao hơn so với vẻ đẹp ngoài đời thật vì nó được chắt lọc và kết tinh qua ống kính tâm hồn các nghệ sĩ. Chữ “mướt” đầy sức gợi, nó vừa chỉ sự mềm mại của cành lá non tơ, vừa chỉ sự trong trẻo của những hạt sương mai. Lá xanh ướt đẫm sương đêm trở nên “mướt” mượt mà gặp ánh nắng mai phản chiếu thì lung linh, rạng rỡ “xanh như ngọc”. Khu vườn như rực lên sức sống mãnh liệt, cảm giác tươi mát theo đó tản ra, giăng mắc cả một vùng không gian. Dòng thơ sử dụng bút pháp tả thực kết hợp với đường nét hội họa tạo khung cảnh hài hòa giữa màu sắc và ánh sáng. Vườn cây tắm trong luồng không khí còn nguyên sơ chưa hề nhuốm bụi. Trong bức tranh thiên nhiên ấy, có bóng dáng ẩn hiện của con người làm nên nét đẹp hài hòa. Trong vườn, “nhành trúc” và “mặt chữ điền” sao lại có mối liên quan bất ngờ mà đẹp đến vậy:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Thông thường, người ta trồng trúc thành hàng để làm dậu bao quanh nhà. Có lẽ ý thực của câu thơ là: dậu trúc che ngang mặt chữ điền. Nhưng thi nhân chuyển thành “lá trúc” tạo cho dòng thơ một hiện thực ảo, hay hơn, trữ tình hơn, tinh tế hơn. Không cần quan tâm “mặt chữ điền” là của người thôn Vĩ hay của vị khách ghé thăm. Chỉ cần biết sự xuất hiện thấp thoáng ấy làm thiên nhiên xứ Huế thêm phần êm đềm, thanh khiết, con người thêm phần hiền hậu.
Như vậy, bước vào thế giới nghệ thuật ở khổ 1, ta bắt gặp khung cảnh ấm sáng, thanh trong, một nỗi lòng tha thiết đầy niềm khao khát. Với ngôn ngữ giản dị và những hình ảnh thân thuộc nhẹ nhàng, thi nhân đã cho độc giả thấy được một “màu lạ”, “màu sáng” trong vô vàn áng thơ đau thương của mình.
“Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”
(Chế Lan Viên)