Phân tích cái hay của các bài Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
Phân tích cái hay của các bài Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
Gợi ý
Bài 1, 2 là lời than thân của người phụ nữ trong xã hội cũ, thuộc chùm ca dao than thân.
Những bài ca dao than thân thường phản ánh những nỗi đắng cay về cuộc sống nghèo khó, lao động vất vả của người bình dân hoặc nỗi tủi nhục mà họ phải chịu đựng trong một xã hội có áp bức bất công.
ở bài 1, người phụ nữ ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình (Thăn em như tấm lụa đào), nhưng sắc đẹp đó thật chông chênh không có gì bảo đảm, không biết tương lai sẽ ra sao (Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai). Họ không khác nào một món hàng để mua bán. Nỗi đau xót nhất của người phụ nữ trong lời than chính là khi người con gái bước vào cái tuổi đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình thì nỗi lo về thân phận lại ập đến ngay với họ. Sự đối lập về ý giữa hai dòng thơ lục bát đã nói rõ điều đó.
Nếu như bài ca dao thứ nhất nghiêng về vẻ đẹp phơi phới của tuổi xuân thì trong bài ca dao thứ hai giá trị thực của người con gái lại được nhân mạnh (Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen). Lời bộc bạch và mời mọc da diết (Ai ơi, nếm thử mà xem) vì giá trị thực của họ không ai biết đến. Câu ca dao vừa là sự khẳng định giá trị vừa xen lẫn nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của mình. Giá trị nhân văn cùng với tiếng nói tố cáo đã làm nên chiều sâu và vẻ đẹp của lời than thân. Đọc bài ca dao, ta có thể liên tưởng đến bài thơ Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
– Bài 3 và các bài 4, 5, 6 là những bài ca dao tình nghĩa.
– Bài 3 là bài ca về tình nghĩa sắt son mặc dù duyên kiếp không thành lứa đôi.
– Cách mở đầu bài ca dao này không dùng mô thức “Thân em như…” mà dùng lối đưa đẩy gợi cảm hứng, là lời than thân chua chát, đắng đau của nhân vật trữ tình. Từ “ai” trong câu thứ hai “Ai làm chua xót lòng này khế ơi” là đại từ phiếm chỉ nhưng lại bao hàm nghĩa xác định. Ai chính là người đã ngăn cách lứa đôi, ai chính là xã hội phong kiến xưa với những hủ tục nặng nề.
– Mặc dầu lỡ duyên, tình nghĩa vẫn bền vững, thủy chung. Điều đó được nói đến qua một hệ thống so sánh, ẩn dụ như:
Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Tác giả dân gian lấy hình ảnh của thiên nhiên, vũ trụ để so sánh nhằm khẳng định tình yêu bền chặt, tình nghĩa thủy chung của con người.
– Vẻ đẹp của câu thơ “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời” là một lời khẳng định sắt son, không thay đổi. Dù duyên kiếp không thành nhưng tình nghĩa vẫn vẹn tròn, mãi mãi như ánh sao trên bầu trời.
– Bài 4, 5 nói về tình yêu.
Bài 4 là những tình cảm thương yêu, nhớ nhung của cô gái được diễn tả một cách cụ thể, tinh tế và gợi cảm qua hình ảnh chiếc khăn, ngọn đèn. Đây là cách nói bằng hình ảnh, biểu tượng mà ca dao rất hay dùng để diễn tả những điều trừu tượng nhằm bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Từ xa xưa, cái khăn đã là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu dấu (Gửi khăn, gửi áo, gửi lời/Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa). Người con gái trong bài ca dao cũng có khăn kỉ niệm và chiếc khăn này đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết với cô gái từ lâu. Cô cảm nhận tâm trạng mình qua hình ảnh vận động trái chiều nhau của chiếc khăn rơi xuống đất; vắt lên vai; chùi nước mắt). Những câu hỏi dồn dập đan xen trong điệp khúc “thương nhớ ai” với thể thơ 4 chữ và sự xuất hiện cùng lúc của khăn, đèn, mắt đã khiến cho bài ca dao có cách biểu hiện tâm trạng độc đáo, riêng biệt: xoáy vào lòng người một niềm nhớ nhung khắc khoải.
Bài ca dao bộc lộ nỗi thương nhớ người yêu da diết của cô gái nhưng vẫn lo lắng cho số phận của mình, cho duyên phận lứa đôi. Cô gái vẫn “không yên một bề”. Đó là tâm trạng của những cô gái trong chế độ phong kiến xưa. Hạnh phúc lứa đôi của họ thường bấp bênh. Mặc dù có tình yêu tha thiết, nhưng chưa chắc họ đã có được hạnh phúc lứa đôi, vì thế một nỗi lo sợ mênh mông vẫn ám ảnh tâm hồn họ. Tuy vậy, đây vẫn là tiếng hát đầy yêu thương của một tấm lòng khát khao yêu thương, khiến cho nỗi nhớ không hề bi lụy mà vẫn chan chứa tình người, dạt dào sức sống.
– Bài ca dao thứ 5 là ước muốn có được tình yêu trong một ý tưởng táo bạo “Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”. Trong ca dao tình yêu, cái cầu là một trong những mô tip nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc. Nó đã trở thành biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện để họ có thể đến với nhau (Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta. Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo..). Trong bài ca dao này, con sống không có thực và cái cầu cũng là ảo. Nó chính là cái cầu tình yêu đầy cá tính: táo bạo, mạnh mẽ và quyết liệt. Nó thể hiện mơ ước, khát vọng về tình yêu và tràn đầy sự thách thức trước sự phong tỏa nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến.
– Bài 6 thể hiện nghĩa tình gắn bó thủy chung của người bình dân trong tình cảm vợ chồng. Muối, gừng là những gia vị rất gần gũi, quen thuộc, xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của nhân dân ta. Đặc biệt, nó còn là những vị thuốc dân dã những khi đau ốm, trái nắng trở trời. “Gừng cay — muối mặn” đã trở thành biểu tượng truyền thống về tình nghĩa đậm đà, thủy chung. Có gắn bó với nhau, chia ngọt sẻ bùi, lúc vui, lúc buồn cũng như những khi khôn khó thì mới thấm thìa câu “muối mặn gừng cay”. Trong quan niệm của nhân dân thì tình thường gắn liền với nghĩa. Cụm từ “tình nặng nghĩa đầy” đã khẳng định điều đó. Họ thường coi nghĩa nặng hơn tình. Bởi nghĩa còn có thêm trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau (Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen; Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ). Vì thế mà họ đã thẳng thắn tuyên bố tình yêu của họ với người mình yêu thương “Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…”, nghĩa là chẳng bao giờ xa cả vì đó là thời gian của cả một đời người.
– Những biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong ca dao là:
– Thường có sự lặp lại các mô thức mở đầu như: Thân em như… (mô thức này rất thường xuất hiện trong những bài ca dao than thân).
– Các hình ảnh biểu tượng: cầu, khăn, áo, ngọn đèn…
– Thường sử dụng so sánh ẩn dụ: Thân em như tấm lụa đào, hạt mưa sa, thấy anh như thấy mặt trời…
– Thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, thể thơ bốn chữ…
Nghệ thuật thơ của ca dao khác nghệ thuật thơ trong văn học viết: Thơ của văn học
viết không sử dụng những mô tip quen thuộc lặp lại kiểu như “Thân em như..” mà thiên về sáng tạo những hình ảnh, biểu tượng riêng, in dấu ấn của cá nhân tác giả.– Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi!
Biết rằng có được ở đời với nhau
Hay là vào trước ra sau
Cho cực lòng thiếp, cho đau lòng chàng.
Sachtailieu.com