Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng


Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng

Bài làm

Mỗi lần đọc trong một trang thơ để đời, có người sẽ nghĩ mãi về tác phẩm hay nào đó, có người lại ám ảnh mãi một đoạn, một câu, một từ, một hình ảnh… Khi trang “Tây Tiến” của Quang Dũng khép lại, tôi cứ bất giác nhớ hoài những người chiến sĩ Tây Tiến xưa ấy, những người lính vừa hào hùng, vừa hào hoa. Đặc biệt, họ đẹp hơn bao giờ hết trong khổ thơ thứ ba:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành!"

Không thể phủ nhận những nhà văn, nhà thơ Việt Nam đều rất tài năng và có tâm hồn cao đẹp. Thế nhưng, tôi chắc rằng Quang Dũng là một anh tài trong số những người tài ấy. Bởi làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, ca hát… Quang Dũng đều giỏi cả. Mặt khác, Quang Dũng không chỉ theo tư tưởng Hồ Chí Minh dùng văn chương cổ vũ cách mạng mà chính nhà thơ cũng là một chiến sĩ hoạt động cách mạng sôi nổi.

Quang Dũng (1921-1988) – người con đất Hà Thành mang tâm hồn giàu cảm xúc, giàu tình yêu đã viết lên khúc độc hành ca “Tây Tiến” để thể hiện nỗi nhớ nhưng và niềm yêu quý với những người đồng đội Tây Tiến năm xưa. Bài thơ ra đời năm 1948, tròn một năm sau khi nhà thơ rời binh đoàn Tây Tiến để về Phù Lưu Chanh hoạt động cách mạng. Sau này bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô”.

>> Xem thêm:  Phân tích những cách xử lí nghệ thuật của nhà văn Kim Lân đối với nhân vật người đàn bà vô danh trong truyện ngắn Vợ nhặt

Khổ thơ thứ ba trong bài “Tây Tiến” khắc họa bức tượng đài bất tử về tập thể những người lính vô danh Tây Tiến.

Trước hết, Quang Dũng đã mô tả chân dung bên ngoài và nội tâm bên trong của người lính trong sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Tác giả đã đảo từ “Tây Tiến” lên trước “đoàn binh” để đưa danh từ này trở thành cái tên riêng cho mỗi người lính. Người lính không tên, không tuổi nhưng đều chung cái tên “Tây Tiến”. Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội hành quân ngược bên dòng sông Mã về phía Tây để cùng với bộ đội Lào bảo vệ biên giới hai nước đồng thời du kích làm tiêu hao sinh lực địch.

auto draft - Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng

Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến

Tập thể người lính ấy có dáng vẻ thật kì lạ. Trên đầu thì không có tóc. Da mặt thì xanh xao như màu lá cây, rất dữ tợn. Vì sao lại thế? Bệnh tật, thú dữ, thiếu thốn vật chất, chống trọi trước kẻ thù… là nguyên nhân. Không đâu khác, ngay như những “đồng chí” trong bài thơ cùng tên của Chính Hữu, ta thấy gì ngoài nỗi vất vả cùng cực của người lính chống Pháp:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày”

Khắc họa nỗi khổ của người lính, thơ ca không thiếu, song cái độc đáo của Tây Tiến ở đây là cách cảm nhận. Cách nói “không mọc tóc” thay vì “tóc không thể mọc được” đã đảo ngược tình cảnh người lính Tây Tiến, không phải vì bệnh sốt rét rừng mà tóc người lính bị rụng hết, chỉ là người lính chủ động không chịu mọc tóc mà thôi. Chính vì vậy mà bài thơ không những không bi thương, ảm đạm mà lại rất lãng mạn, bi tráng.

>> Xem thêm:  Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nét qua hình tượng con sông Đà trong bài tùy bút Người dò sông Đà. Anh (chị) hãy phân tích và chứng minh để làm sáng tỏ điều này

Đó là ngoại hình, còn tâm hồn thì sao?

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Ở đây “mắt trừng” tức là ánh mắt tinh tường luôn cảnh giác, tập trung cao độ khi canh gác biên cương trong đêm tối. Tuy nhiên, một ánh mắt rất hiện thực như vậy vẫn được Quang Dũng phát hiện ra giấc “mộng” về “dáng kiều” nào đó ở nơi Hà Thành xa xôi. Hơn nữa, lại còn được “gửi qua biên giới”. Chính hai chữ “biên giới” đã nâng tâm hồn của người lính lên trên mọi cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ phi nghĩa, tầm thường và biến nó trở nên tự do bay bổng, không một mối ràng buộc nào níu giữ được. Đa phần người lính Tây Tiến đều là thanh niên trí thức Hà Nội. Do đó, có thể dùng từ “tâm hồn hào hoa” và tinh thần lạc quan cho vẻ đẹp nội tâm của người lính.

Tiếp theo, Quang Dũng còn khắc họa người lính trong tư thế lên đường vì lí tưởng và cái chết của người lính dựa trên cảm hứng lãng mạn, bi tráng.

Nói tới tư thế lên đường, văn học không vắng bóng:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiên theo việc đao cung”

(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

(Nguyễn Đình Thi)

>> Xem thêm:  Nghị luận về câu nói Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình

Thơ xưa gắn hình tượng người ra đi hoặc hào sảng hoặc thi vị. Còn trong thơ Quang Dũng, người lính ra đi nhưng đã thấy trước cái chết:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành!”

Những từ “mồ” hay “đời xanh”, “về đất” đều nhấn mạnh đến vấn đề sinh mệnh, sống và chết. Những lấm mồ “rải rác” khắp nơi, không tên, không tuổi, không gốc tích. Thậm chí, nó được đặt nơi đất khách quê người. Người lính ra đi với độc manh chiếu quấn quanh người thay cho “áo bào” đưa tiễn. Đến một lời mặc niệm, một nén nhang thơm cũng chẳng có. Có còn gì ngoài chết chóc ở nơi đây?

Những từ “biên cương”, “viễn xứ”, “áo bào”, “độc hành” lại tạo nên chất sử thi hào hùng, cổ điển. Do đó, hai câu thơ rất giàu chất sử thi hào hùng. Mặt khác, “khúc độc hành” cuối khổ vút lên, “gầm” vang giữa đất trời lại mở ra không gian vô cùng kì vĩ, lớn lao. Điều này lại làm nên cảm hứng lãng mạn cho đoạn thơ.

Trước tình cảnh đó, Quang Dũng để cho người lính lên tiếng. Họ đáp rằng: “chẳng tiếc”. Vậy ra người lính đã biết trước cái chết, biết trước hi sinh nhưng họ luôn giữ lý tưởng vững vàng và trái tim quả quyết.

Như vậy, khổ thơ 3 của bài thơ “Tây Tiến” đã mở đường cho cảm hứng lãng mạn, bi tráng bộc lộ sâu sắc, bởi ý thơ tuy xót xa mà không bi lụy, rắn rỏi mà cảm thông sâu sắc, tưởng sắc lạnh mà tiếc nuối vô bờ.

Hoài Lê

Bài viết liên quan