Phân tích “Người thầy đầu tiên” của Ai-ma-tốp
Đề bài: Anh chị hãy phân tích “Người thầy đầu tiên” của Ai-ma-tốp
Trong cuộc đời của mỗi người ai cũng có những kỉ niệm về quê hương thân yêu, nơi chôn rau cắt rốn của mình, mỗi khi nhớ về đầu tiên ta sẽ nhớ những gì thân thuộc nhất như: gốc đa nơi chơi trốn tìm, hay những buổi trưa nắng nô đùa dưới những bóng râm,… có rất nhiều nơi để nhớ. Với nhân vật An-tư-nai trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên” nhớ về làng Ku-ku-rêu là cô nhớ về cái hình ảnh đẹp nhất “hai cây phong”. Cũng từ hình ảnh hai cây phong này mà Ai-ma-tốp gợi lên trong lòng người tình yêu quê hương đất nước ở trong mỗi con người, sâu sắc mà cảm động bởi hình ảnh quê hương được gửi gắm chỉ qua hai cây phong đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn.
Chỉ cần nghe giọng kể của An-tu-nai là một cô viện sĩ đã trưởng thành ở Matxcơva ta đã hiểu được tình cảm trân trọng và yêu quý hai cây phong như là cái làng Ku-ru-rêu cổ xưa của cô mà chưa cần phải xem nội dung lời tả và giới thiệu. Hai cây phong đã trở thành linh hồn của làng quê, là biểu tượng mà luôn ở trong tâm trí cô qua những năm tháng, thời ấu thơ của cô với hai cây phong thật là khiến cô không thể nào quên được. Điều đó đã được cô gửi gắm ở trong tác phẩm: “Tôi cũng không biết giải thích ra sao. Phải chăng người ta vẫn đặc biệt trân trọng, nâng niu những ấn tượng thời thơ ấu. Nhưng cứ mỗi lần về quê, khi xuống xe lửa, đi qua thảo nguyên về làng, tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”. Qua đây ta thấy được cô coi hai cây phong như một kỉ niệm quan trọng mà suốt đời không quên, cứ mỗi lần về là cô sẽ tìm hình bóng của hai cây phong đầu tiên.
Chúng ta dù chưa hiểu rõ rằng nguồn gốc gắn bó của nhân vật với hai cây phong như thế nào nhưng qua những câu trên của An-tư-nai ta cảm nhận được sự đồng cảm của cô với hai cây phong thật sự rất sâu sắc. Dường như mọi chuyển động của hai cây phong này đều được người kể thấu hiểu bằng một trái tim đồng điệu: “Hai cây phong này khác hẳn. Chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”. Cô gái ấy chỉ nghe tiếng lá cây động mà nghe như “một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình”, và đôi lúc lại cảm thấy nó “khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào”. Đó là một người có cảm xúc tinh tế và trí tưởng tượng phong phú.
Hai cây phong đi vào kí ức của An-tu-nai bởi nó gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ ấu cay đắng và tình yêu thương ấm áp của một người thầy truyền cho cô, một tình yêu thương không thể diễn tả hết được. Vì thế mà nhân vật đã bộc bạch và cho đến tận ngày nay: “Tôi vẫn thấy hai cây phong trên đồi có một vẻ sinh động khác thường. Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh”. Nơi hai cây phong đã chứa đựng biết bao kỉ niệm tuổi học trò, những trò chơi thuở bé “khi bắt đầu nghỉ hè, bọn con trai chạy ào lên cây đấy phá tổ chim”. Những trò chơi thuở ấu thơ lại hiện về với nhân vật.
Hai cây phong chính là điểm để bọn trẻ đua nhau thể hiện: “chúng tôi cứ leo lên cao nữa, nào xem ai cam đảm và khéo léo hơn ai”. Nhưng cái thế giới xung quanh rộng lớn mới là điều mà bọn trẻ muốn: “Chúng tôi cố gương mắt hết tầm mắt nhìn vào nơi xa thẳm biêng biếc của thảo nguyên và nhìn thấy không biết bao nhiêu, bao nhiêu là vùng đất mà trước đây chúng tôi chưa từng nghe nói. Những dòng sông lấp lánh tận chân trời như những sợi chỉ bạc mỏng manh..” Đọc văn bản ta càng cảm thấy chất họa sĩ ở nhân vật kể chuyện, càng thấy sự khuyến rũ bí ẩn của miền đất lạ nó thu hút bọn trẻ đến lạ thường, nó bắt đầu lưu lại từng chút trong tâm hồn cô bé An-tư-nai để đến tận bây giờ mỗi khi nhớ về nó lại hiện lên chân thật đến tuyệt đẹp. Đến bây giờ cô xa quê lòng cô lại nhớ về nhất là hình ảnh hai cây phong thấm sâu vào kí ức của cô làm cho cô không thể nào quên được. Nhớ về hình ảnh hai cây phong ở nơi quê hương cũng chính là nhớ về quê hương thân yêu của cô.
Thuở nhỏ của cô cũng gắn liền với một câu chuyện và hai cây phong là nhân chứng của câu chuyện đó đây mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc mà cô mãi mãi không thể nào không nhớ về cây phong. Câu chuyện hết sức xúc động về Đuy-sen đó là người thầy đầu tiên của bé An-tư-nai gần bốn mươi hai năm về trước. Thầy là người đã mang cây phong tới trồng trên đồi cao này cùng với cô và thầy đã gửi ở hai cây phong non đó những ước mơ, hy vọng những đứa bé nghèo khổ, không có học như An-tư-nai sau này lớn lên sẽ ngày càng được mở mang kiến thức và trở thành những con người có ích cho xã hội.
Câu chuyện về hai cây phong chắt chiu hết nhựa đất cằn trên đồi cao vượt qua những gian khó lớn lên và lưu giữ những kỉ niệm của các thế hệ học trò của làng Ku-ku-rêu. Tác giả Ai-ma-tốp đã dùng hình tượng hai cây phong và câu chuyện của nó để nhắm tới người đọc rằng tình yêu quê hương đất nước đôi khi chỉ là những đều gì đó hết sức giản dị, sâu sắc, nhưng cũng vì đó mà làm cảm động lòng người. Câu chuyện tuy rằng rất đơn giản nhưng nó mang ý nghĩa sâu sắc, về người thầy gửi gắm những niềm hy vọng của mình vào hai cây phong cũng như muốn những đứa trẻ ở làng Ku-ku-rêu hay như hai cây phong mặc dù sống trên đồi cao cằn cỗi, sóng gió không được chăm chút và nhiều nguồn dinh dưỡng như ở đất cát nhưng vẫn sống và phát triển qua năm tháng. Hình tượng hai cây phong cũng với An-tư-nai mãi ở trong người đọc không phai mờ.