Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao


Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Bài làm

Nền văn học hiện thực phê phán 1930-1945 hầu hết đều thấy các nhà văn có xu hướng chung là đi sâu miêu tả bi kịch về sự bần cùng của người nông dân trước Cách mạng. Đó là một Ngô Tất Tố với “Tắt đèn”, Thach Lam có “Hai đứa trẻ”, Nguyễn Công Hoan với “Bước đường cùng”… Trên mảnh đất đã không ít người “cày xới” ta vẫn bắt gặp một Chí Phèo cùng quẫn trong tất cả những người cùng, bi kịch trong số mọi bi kịch ở tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Nhân vật Chí Phèo đại diện cho nỗi thống khổ, tủi nhục nhất của người nông dân khi phải chịu nỗi đau bị hủy hoại nhân hình và nhân tính, bị cự tuyệt quyền làm người.

Nam Cao là cây bút có biệt tài miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật nhất là ở mảng thể tài người nông dân bần cùng. Gốc gác của một con người làng Đại Hoàng nghèo đói, đau thương, hỗn loạn đã tạo nên vốn sống và nội tâm sâu sắc của Nam Cao trước xã hội và cảnh đời. Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” dường như là hội tụ chung nhất của mọi bi kịch và nguy cơ rơi vào bi kịch hủy hoại giá trị sống khi không ngừng thảm thiết đòi quyền làm người.

Trước hết, Nam Cao đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Chí Phèo đang trên con đường tha hóa biến chất rồi cuối cùng bị tước quyền làm người khi nhân hình và nhân tính đồng thời bị hủy hoại. Vốn dĩ Chí Phèo sinh ra đã chịu cuộc đời của một kẻ có gia sản bằng với một con số “0” tròn trĩnh: không tên, không cha mẹ, không nhà cửa, không mảnh đất cắm dùi, không bạn bè thân thích. Dù rằng Chí Phèo vẫn lớn lên là một “anh canh điền khỏe mạnh”, mọi người cưu mang nuôi nấng nhưng phải chịu cảnh “nhục” khi đi làm thuê, bị bà ba Bá Kiến bắt phải “bóp chân”. Một cơn ghen vô tình nhưng là quy luật của xã hội từ cường hào Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào ngưỡng cửa tha hóa. Nhà tù thực dân chỉ cần vài năm đã biến một anh Chí nông dân thành “con quỷ dữ”. Hãy xem Nam Cao miêu tả Chí Phèo “Trông đặc như thằng săng đá. Cái đầu thì chọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc quần nái đen với cái áo Tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Về nhân tính, hắn trở thành tay sai cho nhà Bá Kiến chuyên “rạch mặt ăn vạ”. Hắn làm mọi việc trong lúc say. “Hắn đâu biết mình đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Đó là lí do vì sao hắn rơi vào bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Hắn dùng tiếng chửi để giao tiếp với đời với người nhưng kết cục chỉ là “tai liền miệng đấy, chửi rồi tự nghe”. Cái “trừ mình ra” trong suy nghĩ của người dân làng Vũ Đại chính à biểu hiện sâu sắc của việc người làng Vũ Đại tách Chí Phèo ra khỏi thế giới loài người. Cái cảnh “Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu” thật đáng cười cũng thật đáng xót xa.

>> Xem thêm:  Viết một đoạn văn ngắn tả về chú linh dương - Văn mẫu lớp 2

phan tich nhan vat chi pheo trong truyen ngan cung ten cua nam cao - Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Phân tích nhân vật Chí Phèo

Cuối cùng, sau khi thức tỉnh và tìm đường trở về với cuộc đời của con người, Chí Phèo một lần nữa bị cự tuyệt. Thị Nở chính là người mở đường cho Chí Phèo trở lại bản chất con người và bát cháo hành là tình thương nhỏ nhoi làm chất xúc tác thức tỉnh. Tuy nhiên, sau dư luận, sau điều tiếng và những quy luật tư tưởng cổ hủ vô hình trong xã hội khiến chính Thị Nở quay lưng với Chí Phèo. Cảnh tượng Chí Phèo xách dao đi tìm Thị Nở để “đâm chết cả nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó” nhưng nội tâm thúc đẩy Chí Phèo “thẳng đường” đến nhà Bá Kiến được nhận xét là “Chí Phèo vừa là một gã mất trí, vừa là đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại”. Chí Phèo dần dần tự nhận thức được nguyên nhân, kẻ đã gây ra bi kịch cuộc đời hắn và hắn phải đi đòi lại cuộc đời đã mất. Lời cuối cùng của Chí Phèo “Tao muốn làm người lương thiện… Tao không thể làm người lương thiện được nữa…” khẳng định sự thật bản thân Chí Phèo không thể đòi lại được quyền làm người nữa. Chỉ có một con đường duy nhất ấy là phải “đổ máu”, phải tự kết liễu để đòi lại công lí cho mình. Cái chết của Chí Phèo là sự kết thúc của một cuộc đời “quái vật” đang đứng trước ngưỡng của trở về làm người lương thiện. Cái chết ấy không giúp Chí trở về kiếp con người nhưng là một sự đề cao giá trị sống mà Nam Cao muốn khẳng định: thà chết còn hơn sống mất nhân hình, nhân tính. Đây cũng là lời ngợi ca vẻ đẹp bản chất của người nông dân mà Nam Cao muốn truyền tải.

>> Xem thêm:  Bình giảng đoạn thơ sau trong bài “Tây tiến" của Quang Dũng: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc (...)Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Tóm lại, truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao đã phản ánh bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo. Đây đồng thời cũng là tiếng nói phê phán xã hội bất công đã đẩy con người vào con đường lưu manh hóa, bị tha hóa, hủy hoại. Cuộc đời Chí Phèo kết thúc nhưng sẽ còn nhiều mảnh đời khác rơi vào vòng luẩn quẩn này. Đó là hoàn cảnh chung của một xã hội bức bối, ngột ngạt trước thềm cách mạng tổng khởi nghĩa.

Hoài Lê

Bài viết liên quan