Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


Đề bài: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Bài làm

Vẻ đẹp rực rỡ giữa chốn ngục từ từ cái “tâm” và cái “tài” của nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân đã đưa nhân vật này trở thành một trong những nhân vật đẹp nhất trong số những con người tài hoa siêu phàm của những ngày “Vang bóng một thời”. Nhân vật Huấn Cao không chỉ có tài mà còn có tâm trong sáng, chí lớn không thành nhưng tư thế vẫn hiên ngang bất khuất gây ấn tượng thật sâu sắc.

Trên con đường “đi tìm cái Đẹp”, Nguyễn Tuân đã mang đến đời một phong cách “ngông” độc lạ nhưng thực tế vẫn góp công lớn cho nền văn học Việt Nam khi thúc đẩy phát triển thể tùy bút đồng thời làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc. Nguyễn Tuân đã phát hiện và phản ánh lại chân dung nhân vật Huấn Cao đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật thư pháp qua đó vừa nêu cao giá trị văn hóa vừa thể hiện tấm lòng trân trọng gìn giữ và phát huy nét đẹp tinh hoa dân tộc. Do vậy ở Huấn Cao hội tụ mọi vẻ đẹp của một con người tài hoa, thiên lương và có khí phách.

Trước hết, Nguyễn Tuân chọn cách giới thiệu về Huấn Cao thông qua lời của quản ngục và thơ lại để cho thấy tính khách quan của đánh giá. Nhân vật hiện lên thông qua cuộc đối thoại sau khi nhìn thấy bức công văn nhận giam giữ 6 tên tử tù là một con người “văn võ đều có tài cả”, tài văn “viết chữ rất nhanh và đẹp”, tài võ “bẻ khóa vượt ngục”. Cụ thể hơn về nhân vật này, ta sẽ tìm hiểu ở ba khía cạnh khí phách, tài năng và tâm hồn.

>> Xem thêm:  Phân tích tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với người dân miền núi thông qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Vẻ đẹp tính cách nổi bật nhất ở Huấn Cao nằm trong chữ Dũng với một khí phách hiên ngang. Huấn Cao không hề có chút sợ hãi nào trước cảnh lao tù. Thái độ Huấn Cao chứng tỏ điều này. Huấn Cao lạnh lùng coi thường bọn lính “Huấn cao đứng đầu gông, quay cổ lại bảo mấy đồng chí:

  • Rệp cắn tôi đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi”.

Huấn Cao dường như chỉ coi bọn lính canh triều đình là lũ rệp chuyên “hút máu người” để sống. Những ngày trong lao, Huấn Cao thản nhiên nhận rượu thịt thiết đãi đồng thời khinh miệt, xua đuổi quản ngục “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Ngay cả khi đón nhận tin ra pháp trường, Huấn Cao vẫn bình thản.

phan tich nhan vat huan cao trong chu nguoi tu tu cua nguyen tuan - Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Phân tích nhân vật Huấn Cao

Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa có biệt tài viết chữ. Chữ Nho vốn là thứ văn tự tượng hình, nét bút lông mềm mại dễ dàng bộc lộ cá tính và nhân cách người viết chữ. Vì vậy, viết chữ Nho đã trở thành một môn nghệ thuật thư pháp. Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. Nguyễn Tuân đã dùng nhiều thủ pháp để làm nổi bật điều đó. Đó là thông qua những lời đồn thổi “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen”, qua cả sở nguyện của quản ngục “có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Đặc biệt cái tài được bộc lộ trực tiếp qua cảnh cho chữ. Trong tư thế “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng Huấn Cao vẫn viết lên những “nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người”.

>> Xem thêm:  Trình bày suy nghĩ về câu nói: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình

Sau cùng, Nguyễn Tuân đã hội tụ ở Huấn Cao biểu tượng của cái tâm trong sáng. Chỉ khi có một cái tâm đẹp, Huấn Cao mới cảm bởi tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và “sở nguyện cao quý” của quản ngục, thơ lại. Ông Huấn cảm được vẻ đẹp của quản ngục tựa như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Mặt khác, bản thân Huấn Cao không dễ gì cho chữ bởi ông “nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Ông chỉ cho tri kỉ, bạn bè thân thiết. Đặc biệt chính lời khuyên của Huấn Cao với quản ngục ở cuối truyện đã làm nổi bật lên tâm hồn Huấn Cao. “thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Câu nói này đã khẳng định Huấn Cao có tâm hồn trong sáng đến mức ông không chấp nhận cái xấu, cái ác tồn tại cùng một chỗ với cái đẹp và cái đẹp có sức mạnh thanh lọc và cứu vớt tâm hồn con người. Huấn Cao đã thay Nguyễn Tuân tuyên ngôn nghệ thuật.

Với tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, nhà văn đã dùng cái đẹp “vang bóng một thời” và tận dụng sức mạnh nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao để phơi trần hiện thực xã hội đồng thời ca ngợi, trân trọng và thể hiện nuối tiếc với những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cách xây dựng tình huống truyện và miêu tả nhân vật, tạo dựng không khí và sáng tạo ngôn từ là những nét nổi bật trong nghệ thuật của tác phẩm. Đã rời xa trần thế gần nửa thế kỉ nay, song con người “suốt đời đi tìm cái đẹp ấy” vẫn như đang trên hành trình ở nơi vô tận nào đó còn thế hệ hôm nay vẫn đọc văn Nguyễn Tuân như một cách thay nhà văn thực hiện tâm nguyện dang dở.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về câu nói của Victor Hugo: “Lười nhác, ăn chơi, hai thứ đó chẳng khác gì vực thẳm”

Hoài Lê

Bài viết liên quan