Phân tích nhân vật Mị trong Đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo gọi bạn


Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo gọi bạn trong đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.

Bài làm

Nam Cao đã nói “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Đọc “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, ta càng thấm thía hơn ý nghĩa của câu nói. Tô Hoài đã thay người phụ nữ miền núi nói lên tiếng nói khổ đau vì số phận và cuộc đời bất hạnh mà họ phải chịu đựng. Trong đó, nhân vật Mị được Tô Hoài lấy làm điển hình và phản ánh rất tinh tế trong đêm tình mùa xuân khi Mị nghe tiếng sáo gọi bạn.

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã xây dựng lên chân dung nhân vật Mị là hiện thân cho cuộc sống tăm tối và vẻ đẹp con người dân miền núi thời kì trước cách mạng trong xã hội cũ. Nhân vật Mị được khắc họa khá đầy đủ và sâu sắc trong đoạn đêm tình mùa xuân. Hình ảnh và diễn biến tâm trạng nhân vật Mị được Tô Hoài dụng công thể hiện.

Trước tiên, Mị hiện lên là một người phụ nữ do bị áp bức quá nặng nề mà nhiều lúc Mị trở nên cam chịu. Cả thế lực cường quyền và thần quyền đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời, tài hoa thành một thứ “công cụ biết nói” mà không dám nói. Mị không chỉ bị cha con nhà thống lí Pá Tra bóc lột sức lao động tàn nhẫn, đánh dập dã man về thể xác mà còn bị tra tấn về tinh thần khiến Mị chỉ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, khổ hơn con trâu con ngựa nhà thống lí. Chỉ vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị biến thành cô con dâu gạt nợ nhà thống lí, thành người vợ hờ của A Sử. Mị bị giàm cầm trong một căn buồng “mờ mờ trăng trắng”, “nhìn ra không biết là sương hay là nắng”, là ngày hay là đêm, bởi cánh cửa chỉ như một cái “lỗ vuông” bàn tay. Mị bị cầm tù trong chính căn phòng riêng của mình. Dường như sô phận Mị bị ràng buộc với đau khổ và có thể sẽ mãi mãi chìm trong đau khổ. Nhưng Tô Hoài không chỉ muốn nói điều đó. Khi xây dựng lên hình tượng nhân vật Mị, tác giả đã để cho nhân vật của mình có một sức sống tiềm tàng không thể hủy diệt, và tiếng sáo mùa xuân đã trở thành chất xúc tác đánh thức sức sống tiềm tàng ấy ngay khi tưởng chừng nó đã tắt lịm.

>> Xem thêm:  Phân tích Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh- Văn lớp 12

phan tich nhan vat mi trong dem tinh mua xuan khi nghe tieng sao goi ban - Phân tích nhân vật Mị trong Đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo gọi bạn

Phân tích nhân vật Mị trong Đêm tình mùa xuân

Mùa xuân của đất trời Tây Bắc đã làm tràn dâng sức sống mùa xuân trong Mị. “Tiếng sao từ xa vọng lại, thiết tha, bổi hổi” khiến Mị chợt nhớ lại quá khứ tươi đẹp trước kia. Hồi đó, Mị trẻ trung, nết na, xinh đẹp lại có tài thổi sáo. Chính sắc đẹp và tiếng sáo của Mị đã làm say đắm bao chàng trai bản làng. Như một điều tất yếu, càng nhớ về quá khứ tươi đẹp bao nhiêu, Mị lại càng khao khát được hạnh phúc trong hiện tại bấy nhiêu. Vì thế, Mị tự thắp lên ngọn đèn sáng cho cuộc đời mình. “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Mị thắp sáng căn phòng đồng thời thắp sáng cho cuộc đời đen tối của Mị. Sau khi bỏ mỡ vào đĩa đèn “Mị quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa”, Mị muốn đi chơi nhu bao người khác. Mị cũng muốn được đi chợ tình, nhảy múa, thổi kèn.

Tô Hoài đã để nhân vật Mị ngay trong tinh huống bi thảm nhất khi bị A Sử trói vẫn bộc lộ sức sống tiềm tàng trong mình. A Sử vừa đi đâu về và phát hiện Mị muốn đi chơi xuân. A Sử không nói gì “bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị”. Hắn “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột” rồi “quấn luôn tóc Mị lên cột”. Trói Mị xong, hắn “tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”. Thế nhưng, dường như Mị không biết lúc này mình đang bị trói bởi lúc này Mị vẫn còn mải mê sống trong quá khứ tươi đẹp mà Mị đang nhớ về. Mị dường như không ý thức được mình đang bị trói. Tâm hồn Mị đã cùng tiếng sáo thoát ra khỏi cuộc sống ngục tù để đến với những cuộc vui xuân. Thế là, “Mị vùng bước đi”. Nhưng Mị còn đang bị trói. Chỉ khi da thịt Mị chạm vào dây trói “đau không cựa được”, Mị mới sực tỉnh. Ngay trong lúc đau đớn thê thảm nhất, sức sống mùa xuân vẫn trào dâng trong lòng Mị. Phải, A Sử có thể giam Mị giữa ngày xuân nhưng không thể giam sức sống mùa xuân trong Mị. Và như một điều tất yếu, sức sống mùa xuân sẽ vùng lên thành sức mạnh vùng lên giải phóng khi đúng thời điểm.

>> Xem thêm:  Ý nghĩa của tình huống truyện trong việc phát triển nội dung chủ đề trong truyện ngắn Vợ nhặt

Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã thể hiện thành công sự phát triển trong dòng tâm trạng nhân vật Mị một cách tinh tế và hợp lí. Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị có sự thay đổi lớn đặc biệt là trong đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo gọi bạn. Xây dựng thành công nhân vật Mị, Tô Hoài đã thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm từ đó làm nên chỗ đứng vững chắc trong tim bạn đọc bao đời.

Hoài Lê

Bài viết liên quan