Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Đề bài: Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.
Bài làm
Gắn bó và hiểu sâu sắc về làng quê, đó là lí do vì sao mỗi khi đọc trang văn Kim Lân thì con người, cảnh vật và các mối quan hệ lại hiện lên sống động mà thân thương đến vậy. Trong đó, truyện ngắn “Làng” (1948) lấp lánh vẻ đẹp phẩm cách và tâm hồn người nông dân Việt Nam qua hình tượng nhân vật ông Hai.
Nhân vật ông Hai là một hình tượng điển hình mà Kim Lân tạo ra để làm rõ hoàn cảnh và tính cách, tâm hồn người dân trong thời kì sống tản cư do cuộc chiến tranh chống Pháp. Tình yêu làng quê thống nhất với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến trong ông Hai cũng là tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong thời kì chiến sự.
Do vậy, trước hết Kim Lân khắc họa một ông Hai rất yêu làng. Ông Hai vốn người làng Chợ Dầu nhưng do bị giặc tấn công nên gia đình ông theo sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng tản cư đến vùng khác. Tuy muốn ở lại chiến đấu bảo vệ làng cùng anh em nhưng do còn lo cho gia đình nên ông Hai không thể ở lại. Ở nơi ngụ cư, ông Hai luôn nhớ mong về làng cũ “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.”. Đi đến đâu, ông Hai cũng khoe về làng Chợ Dầu và luôn tự hào về làng của mình. Mỗi ngày, ông Hai lại đến phòng thông tin nghe ngóng tin tức. Cứ có tin thắng trận là ông Hai lại mừng lắm “ruột gan ông lão cứ múa cả lên”.
Khi nghe thấy mấy người tản cư từ Gia Lâm lên nhắc đến bọn giặc rút ở Bắc Ninh qua Chợ Dầu, ông Hai “quay phắt lại lắp bắp hỏi”. Điều này thể hiện sự mong ngóng đến bất ngờ và cũng có gì đó thật hồi hộp, chờ đợi. Thế nhưng, khi nghe họ nói “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa!”, phản ứng của ông Hai chứng tỏ ông vô cùng bàng hoàng và không thể tin được cái tin dữ ấy: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thể thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”. Rồi sau đó, ông Hai cứ “lảng đi” như để tránh né chính những suy nghĩ trong lòng, ông Hai gần như không thể chấp nhận.
Phân tích nhân vật ông Hai
Khi trở về nhà, ông Hai rơi vào những ngày tháng tư dằn vặt bản thân. Có lúc ông đã chán nản “nằm vật ra giường”, rồi đau đớn “nước mắt ông lão cứ giàn ra”, đến xấu hổ “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian" và cuối cùng tự giam bản thân lại “đã ba bốn hôm nay, ông Hai không bước chân ra đến ngoài”. Từ lòng yêu làng, nay đã hóa thành sự căm hận. Càng yêu làng, ông Hai càng căm hận bởi theo ông “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”. Trong ông Hai, sự quyết tâm theo cách mạng, theo Bác Hồ mới là tiên quyết. Những câu hỏi kì lạ mà ông Hai hỏi thằng con được dừng lại ở đoạn “Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ”. Đó là tinh thần một lòng theo cách mạng mà ông Hai cũng như nhiều người dân Việt Nam luôn tin tưởng.
Cuối cùng, khi tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông Hai cũng có những biểu hiện rất chân chất, trong sáng, đáng yêu. “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên” và “ông lão cứ múa tay lên mà khoe”. Ông khoe cái tin “sai sự mục đích” trước đó, khoe nhà bị “đốt nhẵn” với mọi người. Đó là những phản ứng rất tự nhiên và chân thật. Nó cũng cho thấy sự tài tình trong thể hiện ngôn ngữ quần chúng và miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả.
Như vậy, nhân vật ông Hai trong truyện với tình yêu làng, lòng yêu nước cũng như tinh thần kháng chiến được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân đạt được nhiều thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật, ngôn từ giản dị gần gũi với cuộc sống thường nhật nhưng vẫn có sức hút riêng nhờ cách miêu tả hấp dẫn. Kim Lân đã để lại trong nền văn học một ông Hai rất thực và rất đẹp.
Hoài Lê