Phân tích nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành


Đề bài: Phân tích nhân vật Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

Bài làm

Truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành tựa bản anh hùng ca đậm chất sử thi về thiên nhiên và con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Song song với hình tượng cây xà nu và rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng lên hình tượng một số nhân vật đại diện và cả tập thể dân làng Xô Man trên chặng đường đấu tranh giải phóng. Trong đó, Tnú tiêu biểu trong tập thể ấy.

Nguyễn Trung Thành còn có một bút danh phổ biến khác là Nguyên Ngọc từng làm phóng viên báo “Quân đội nhân dân” và có thời gian dài cùng sống và lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V. Cũng nhờ đó mà Nguyễn Trung Thành có những hiểu biết nhất định về Tây Nguyên và sau này gợi cảm hứng viết lên tác phẩm “Rừng xà nu”. Truyện ngắn “Rừng xà nu” (1965) được in trong tập truyện và kí “Trên quê hương những anh hùng điện ngọc” (1969).

Nhân vật Tnú vừa là đại diện của tập thể người dân làng Xô Man vừa là nhân vật tuyên ngôn cho tác giả. Nguyễn Trung Thành đã đặt nhân vật vào tình huống truyện đặc biệt cũng như trong mối quan hệ với thiên nhiên và con người Tây Nguyên để khắc họa tính cách, phẩm chất và tâm hồn. Qua đó, tác giả làm nên cảm hứng anh hùng ca đậm chất sử thi toát lên từ nhân vật.

Trước hết, Tnú xuất hiện thông qua lời kể của nhân vật cụ Mết – đại diện cho thế hệ già làng kết tinh truyền thống và tinh thần anh hùng của làng Xô Man. Trong không gian trước bếp lửa, “hàng chục cái đầu chụm lại” “chật cả căn nhà nhỏ” cùng cái giọng “ồ ồ, dội vàng trong lồng ngực” của cụ Mết, cuộc đời Tnú hiện lên đau thương nhưng quật khởi gắn liền với chặng đường cách mạng làng Xô Man từ nô lệ đến đứng lên tự giải phóng.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về câu ngạn ngữ: “Sự học như thuyền đi trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi”

Cuộc đời Tnú cũng la một cuộc đời nhiều bi kịch, chịu nhiều tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Từ nhỏ, Tnú đã mang nỗi đau nô lệ của làng Xô Man và sống trong cảnh Mĩ lùng sục cộng sản. Không gian sống ấy được thể hiện trên những cây xà nu và cánh rừng xà nu đau thương và ngôi làng “nằm trong tầm đại bác của giặc”. Tnú tựa như một cây xà nu trưởng thành “bị chặt đứt ngang thân mình”, “bị đại bác chặt đứt làm đôi”. Nó cũng giống như đôi bàn tay Tnú bị giặc dùng nhựa xà nu đốt cụt 10 đốt đầu mỗi ngón. “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”, “Máu anh mặn chát ở dầu lưỡi”, “Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”… Những chi tiết ấy cho thấy nỗi đau đớn tột cùng của con người trong chiến tranh. Tnú cũng chịu nỗi đau chia cắt của chiến tranh. Nhưng bi kịch ấy đau đớn hơn nhiều lần bởi chính Tnú đã chứng kiến cảnh vợ con bị giặc giết hại ngay trước mắt. Còn gì đau đớn hơn khi phải chứng kiến người mà mình yêu thương nhất chết ngay trước mắt. “Tnú không cứu được vợ con”, “Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày”, câu nói của cụ Mết như nhấn mạnh bi kịch ấy, bi kịch của kẻ không thể bảo vệ những gì thân yêu nhất của cuộc đời mình.

>> Xem thêm:  Giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đầy đủ nhất

phan tich nhan vat tnu trong rung xa nu cua nguyen trung thanh - Phân tích nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích nhân vật Tnú

Bên cạnh đó, Tnú cũng là con người mang phẩm chất và tính cách của người dân làng Xô Man nói riêng và dân tộc Tây Nguyên nói chung: dũng cảm, giàu tình yêu thương, gan góc, quật cường.

Từ nhỏ, Tnú đã có tính trung thực, gan góc, cương liệt, khỏe khoắn như người con Tây Nguyên hoang dại. Điều này thể hiện thông qua hành động Tnú tự lấy đá “tự đập vào đầu” khiến “chảy máu ròng ròng”. Rồi Tnú nhanh nhẹn và tài giỏi mỗi khi liên lạc cho anh Quyết: “Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Rồi không may bị giặc bắt, Tnú không hề sợ hãi mà đường hoàng chỉ tay vào bụng nói “Cộng sản ở đây nè”. Khi lớn lên, Tnú hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và sau này khi tay bị thương, Tnú vẫn tiếp tục dùng đôi bàn tay tật nguyền ấy để giết giặc. Chi tiết đôi bàn tay cụt 10 đốt ngón tay “bóp chết tên chỉ huy đồn bằng đôi bàn tay tàn tật khi nó cố thủ trong hầm” cho thấy nội lực chiến đấu và sức mạnh quật cường trong người Tnú. Tnú là người giàu tình yêu thương với làng, với người thân và với tất thảy mọi thứ của quê hương. Tnú coi anh Quyết – thế hệ cộng sản cha anh đi trước, như một tấm gương sáng người để học tập. Tnú luôn tự hào khi mình là một chiến sĩ cộng sản. Tnú đã biến tình yêu thương vợ con thành sức mạnh thù hận và lấy đó làm động lực trả thù nhà, trả nợ nước, giải phóng quê hương. Tnú cùng nhân dân làng Xô Man ngày đêm mài giáo, làm vũ khí rồi đoàn kết hiệu triệu mọi người đi theo con đường mà cụ Mết đã chỉ ra “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Sự tự giác ngộ của Tnú cũng chính là sự tự giác ngộ chân lí của người làng Xô Man. Tnú trở thành thế hệ đi đầu dẫn dắt lớp trẻ như Dít, Heng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cũng phải nói thêm, Tnú còn là người có tính kỉ luật cao.

>> Xem thêm:  Soạn văn Phát biểu theo chủ đề chương trình Ngữ văn 12

Như vậy, Nguyễn Trung Thành với “Rừng xà nu” đã dùng giọng văn say mê, lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, những chi tiết đẹp đẽ và không khí đậm chất sử thi, hùng tráng để làm nên chân dung hình tượng nhân vật Tnú. Nhân vật Tnú không chỉ gắn liền với lịch sử, phẩm chất con người và thiên nhiên Tây Nguyên mà còn là nhân vật thay Nguyễn Trung Thành truyền tải bức thông điệp có tính thời đại: Đoàn kết làm nên tất cả và chỉ có đoàn kết cùng nhau đứng lên mới có thể chiến thắng và giành lại tự do cho dân tộc, quốc gia.

Hoài Lê

Bài viết liên quan