Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


Đề bài: Phân tích tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Bài làm

“Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là bậc thầy ngôn từ không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có một dấu triện riêng” (Anh Đức). Lời nhận xét ấy quả thực không nói quá nếu như người đọc đọc và hiểu được văn chương Nguyễn Tuân. Tác phẩm “Chữ người tử tù” là một trong những truyện ngắn điển hình không thể không nhắc tên.

Nguyễn Tuân được Nguyễn Đình Thi nhận xét “là một trong mấy nhà văn lớn mở đường đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỉ XX”. Trong đó, vương quốc nghệ thuật ông xây dựng lên lâu đài nghệ thuật nguy nga, tráng lệ chính là thể tùy bút. Tuy nhiên, là một cây bút tài hoa uyên bác, ngay trong truyện ngắn, Nguyễn Tuân cũng tỏ ra rất xuất sắc. Nguyễn Tuân sáng tác ở cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng nhà văn đã đi qua 3 mảng chủ đề lớn là “chủ nghĩa xê dịch”, “vang bóng một thời” và “đời sống trụy lạc”. Đề tài “vang bóng một thời” cũng là tên tập tùy bút cùng tên của Nguyễn Tuân viết năm 1939, viết về xã hội trong quá khứ là một trong những đề tài nổi bật và thành công hơn cả. Sau cách mạng, ông hướng ngòi bút phục vụ chiến đấu.

Bước vào thế giới cổ xưa của “Vang bóng một thời”, ta bắt gặp Nguyễn Tuân đang chơi cây cảnh, uống trà, đối thơ… và đặc biệt là thư pháp. Đến với truyện ngắn “Chữ người tử tù”, người đọc như sống lại trong lòng những kí ức của một thời đại hoàng kim. Nghệ thuật thư pháp điêu luyện với mảnh lụa trắng, bút lông, nghiên mực… làm nên phông nền thanh khiết cho nhân vật và lí tưởng con người. Con người làm nên lí tưởng và tài năng là Huấn Cao còn quản ngục là người nâng niu và tiếp bước nó.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn diễn dịch trình bày ý kiến của anh (chị) về tầm quan trọng của việc xác định mục đích học tập

phan tich tac pham chu nguoi tu tu cua nguyen tuan - Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù

Trước hết, nhân vật Huấn Cao tài hoa phi thường được Nguyễn Tuân khắc họa dưới góc độ nghệ sĩ. Huấn Cao với tài thư pháp hiếm có, khí phách hiên ngang và thiên lương trong sáng, cả ba điểm đều đạt đến độ tuyệt đối siêu đẳng. Nguyễn Tuân đã lấy Cao Bá Quát người văn chương “vô tiền Hán” và nhân cách “cả một đời chỉ cúi lạy trước hoa mai” làm cảm hứng sáng tạo nên nhân vật này. Chỉ vài câu văn, ông Huấn hiện lên qua những lời đồn thổi như một huyền thoại được truyền tụng với thiện ý ngợi ca, chân thành. “Huấn Cao? Hay là cái người mà cả vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”. Thư pháp là môn nghệ thuật rất khó, nó đòi hỏi con người phải có tài năng vượt trội. Nhưng Huấn Cao không chỉ giỏi thư pháp mà chữ ông Huấn còn “vuông lắm” cho thấy cái “hoài bão tung hoành” của đời người. Chữ ông Huấn còn có khả năng cứu dỗi linh hồn của con người, giải thoát quản ngục khỏi nhà tù chung thân trong tâm hồn và chức minh thiên chức vĩ đại của nghệ thuật. Huấn Cao còn tỏ ra có khí phách hiên ngang khi chống lại cả triều đình và “bẻ khóa, vượt ngục” đối chọi với cả chế độ đến cuối cùng khi lỡ sa chân vẫn “dỗ gông” khinh miệt lũ “sâu bọ” chuyên “hút máu” người trong tù và chẳng hề run sợ khi nhận bản án tử hình.

>> Xem thêm:  Soạn văn Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của văn nghệ dân tộc

Về hình tượng nhân vật quản ngục, được Nguyễn Tuân sáng tạo nên để hiện thực hóa sức mạnh của thiên chức nghệ thuật. Tên quản ngục đại diện cho cường quyền đen tối cũng đáng khâm phục bởi luôn hết mình với công việc, cần mẫn, thi hành đúng phận sự. Đặc biệt đây còn là con người có nội tâm sâu sắc và tấm lòng trân trọng cái đẹp, chính tấm lòng “biệt nhơn liên tài” đã thuyết phục Huấn Cao cho chữ và khuyên răn rời khỏi chốn đen tối toàn “lũ quay quắt” và “đống cặn bã”. Ông quản ngục như một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Quản ngục không may mang bi kịch lầm đường và cuối cùng được ánh sáng nghệ thuật soi đường cứu rỗi. Vận mệnh Huấn Cao sẽ kết thúc cùng thiên truyện nhưng vận mệnh quản ngục mới bắt đầu. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng sau lời khuyên của ông Huấn, quản ngục sẽ về quê để giữ thiên lương cho lành vững.

Đoạn văn miêu tả “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” cho thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đã dùng bao nhiêu cách nói khác nhau: “một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, “một bức lụa trắng”, “phiến lụa óng”, “tấm lụa trắng tinh”, “vuông lụa trắng”… Các cụm từ “cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván” cho thấy sự co duỗi nhịp nhàng, giàu tính cảm xúc biểu tượng. Sự đối lập được Nguyễn Tuân phản ánh rất giàu tính biểu tượng, đó là giữa Trong góc buồng giam “chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” với “ánh sáng đỏ rực” của ngọn đuốc và lấp lánh  màu trắng từ “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Đoạn văn cũng cho thấy Nguyễn Tuân đã khái quát toàn bộ hiện thực xã hội bấy giờ.

>> Xem thêm:  Từ xưa đến nay, cha ông ta luôn coi văn học là một thứ vũ khí chiến đấu mãnh mẽ và sắc bén. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ quan niệm đó

Tóm lại, truyện ngắn “Chữ người tử tù” với những đặc sắc về xây dựng hình tượng thông qua ngôn từ uyên bác, giọng văn đa thanh, nghệ thuật xây dựng tình huống và không khí truyện, nghệ thuật sáng tạo ngôn từ… đã chứng tỏ tài năng, phong cách và con người Nguyễn Tuân. Phải yêu nước lắm, thiết tha với tiếng Việt lắm thì Nguyễn Tuân mới làm nên được những áng văn đậm đà điệu hồn dân tộc và tinh hoa văn hóa con người Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan