Phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương – Văn mẫu lớp 7 đặc sắc nhất


Đề bài: Bánh trôi nước là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và thể hiện sự cảm thông của tác giả Hồ Xuân Hương với thân phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Dựa vào văn bản thơ đã được học, em hãy phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ “Bánh trôi nước”: “Bánh trôi nước” là một trong những bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương- người được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm” trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã làm nổi bật vẻ đẹp thể chất lẫn tâm hồn, đồng thời cho thấy số phận bấp bênh và đầy truân chuyên của người phụ nữ. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc.

2. Thân bài

– Bài thơ “Bánh trôi nước” là lời khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ về cả hình thể và tâm hồn.

+ Trong câu thơ đầu tiên, tác giả đã miêu tả về màu sắc, hình dáng của chiếc bánh trôi để gợi lên vẻ đẹp về hình thể của người phụ nữ: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”.

+ Ở câu thơ thứ hai, số phận bấp bênh lênh đênh của người phụ nữ đã được làm nổi bật: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.

+ Trong câu thơ thứ ba, số phận người phụ nữ được nhấn mạnh ở sự phụ thuộc và không có tiếng nói riêng: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.

+ Câu thơ cuối khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn (nội dung tự chọn) sử dụng từ gần nghĩa

– Thông qua việc làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ thông qua số phận bấp bênh, chìm nổi, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo, nhân văn vô cùng sâu sắc:

+ đó là sự ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ.

+ thấy được thái độ đồng cảm, trân trọng, đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ.

3. Kết bài

Khái quát ý nghĩa của bài thơ: Như vậy, bài thơ “Bánh trôi nước” đã thể hiện rõ vẻ đẹp của người phụ nữ về cả hình thể và tâm hồn, cũng như số phận lênh đênh, chìm nổi bấp bênh nhưng vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy thủy chung trong sáng.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước

` “Bánh trôi nước” là một trong những bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương- người được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm” trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã làm nổi bật vẻ đẹp thể chất lẫn tâm hồn, đồng thời cho thấy số phận bấp bênh và đầy truân chuyên của người phụ nữ. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc.

Bài thơ “Bánh trôi nước” là lời khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ về cả hình thể và tâm hồn. Trong câu thơ đầu tiên, tác giả đã miêu tả về màu sắc, hình dáng của chiếc bánh trôi để gợi lên vẻ đẹp về hình thể của người phụ nữ: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Màu sắc, hình dáng của bánh hiện lên với sự hài hòa giữa “trắng” và “tròn” kết hợp với hai từ “thân em” đứng ở đầu câu đã diễn tả một vẻ ngoài xinh xắn, duyên dáng, đầy đặn, tròn trịa và phúc hậu của người phụ nữ. Vẻ đẹp của người phụ nữ đã được tác giả diễn tả một cách tinh tế, nhẹ nhàng.

phan tich y nghia bai tho banh troi nuoc cua ho xuan huong – van mau lop 7 d - Phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương – Văn mẫu lớp 7 đặc sắc nhất
Phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương – Văn mẫu lớp 7 đặc sắc nhất

Ở câu thơ thứ hai, số phận của người phụ nữ đã được làm nổi bật: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Câu thơ mang nét nghĩa thực nhưng đồng thời cũng mang nghĩa biểu tượng. Thông qua việc mô tả quá trình luộc bánh: nước sôi, thả bánh vào, bánh sẽ chìm xuống, khi nào nổi lên là chín, tác giả đã liên hệ đến số phận lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ. Hành trình, số phận truân chuyên đó được nhấn mạnh hơn nữa bằng việc sử dụng sáng tạo thành ngữ “ba chìm bảy nổi”, tạo nên cách nói đầy ấn tượng “bảy nổi ba chìm”. Cách nói đầy mới mẻ này không kết thúc ở “nổi” mà ở “chìm” làm cho thân phận người phụ nữ thêm cay cực, xót xa.

Trong câu thơ thứ ba, số phận người phụ nữ được nhấn mạnh ở sự phụ thuộc và không có tiếng nói riêng: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Trong chế độ xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ luôn phải tuân thủ những nguyên tắc như “công, dung, ngôn, hạnh” hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” khiến họ bị tước đoạt đi những quyền lợi cơ bản nhất và sự may rủi hoàn toàn phụ thuộc vào tay kẻ khác. Trong kho tàng ca dao của nền văn học nước ta, cũng có rất nhiều câu ca miêu tả về số phận của người phụ nữ:

>> Xem thêm:  Nêu cảm nghĩ của em về thầy (cô) giáo đã dạy em

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Hay như:

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”

Tuy vậy, nhưng người phụ nữ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắt. Đây cũng là nội dung chính của bài thơ, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Sóng gió cuộc đời có phũ phàng, vùi dập thân phận “bảy nổi ba chìm” thì vẫn không thể tàn phá nổi vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ. Điều này được nhấn mạnh hơn nữa qua cách sử dụng cặp quan hệ từ “mà…vẫn” để làm tăng thêm sự tự tin, tự hào.

Thông qua việc làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ thông qua số phận bấp bênh, chìm nổi, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo, nhân văn vô cùng sâu sắc. Trước hết, đó là sự ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ. Qua đó chúng ta thấy được thái độ đồng cảm, trân trọng, đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ. Và điều này càng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong xã hội phong kiến với tư tưởng nam quyền trọng nam khinh nữ.

Như vậy, bài thơ “Bánh trôi nước” đã thể hiện rõ vẻ đẹp của người phụ nữ về cả hình thể và tâm hồn, cũng như số phận lênh đênh, chìm nổi bấp bênh nhưng vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy thủy chung trong sáng.

Bài viết liên quan