Phát biểu cảm nghĩ bài Cảnh Khuya của tác giả Hồ Chí Minh
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảnh khuya” của tác giả Hồ Chí Minh.
Bài làm
“Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh”
Mấy câu thơ kết trong bài “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ khiến em nhớ đến thi phẩm “Cảnh khuya” do chính Hồ Chí Minh sáng tác. Chân dung con người vĩ đại Hồ Chí Minh được lột tả qua bài thơ “Cảnh khuya” khiến chúng ta thực sự cảm phục tấm lòng và nhân cách vĩ đại của Người:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Bài thơ “Cảnh khuya” là bức tranh đêm rừng Việt Bắc quen thuộc suốt quãng thời gian Hồ Chí Minh cùng cơ quan đầu não của quân ta lấy làm cứ địa hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì.
Bài thơ “Cảnh khuya” mang đến thi đàn Việt Nam lời ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc nói riêng và thiên nhiên Việt Nam nói chung đồng thời cho thấy tâm hồn nghệ sĩ tài hoa và nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.
Trước hết, hai câu thơ đầu cho thấy bức tranh thiên nhiên Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.”
Bức tranh gồm âm thanh và hình ảnh. Âm thanh tiếng suối được tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác (“trong”) để thể hiện vẻ đẹp trong lành, tinh khiết của tiếng suối. Cách ví von tiếng suối với tiếng hát tạo nên cặp bổ ngữ nghĩa cho nhau. Nhờ suối trong mà tỏ ý ngợi ca tiếng hát con người đẹp và tinh túy. Nhờ tiếng hát mà tiếng suối trở nên dịu hiền và thân thuộc với tâm hồn con người. Bức tranh vì thế vừa gần vừa xa vừa thực vừa ảo.
Phát biểu cảm nghĩ bài Cảnh Khuya
Hình ảnh ánh trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ Bác và thường ở vị thế của một tri âm, tri kỉ. Tuy nhiên ở bài “Cảnh khuya” thì ánh trăng lại trở nên kì vĩ và lớn lao vô cùng nhờ cách thể hiện của tác giả. Hồ Chí Minh đã tạo ra ba tầng hình ảnh là trăng trên trời, ánh trăng lọt qua kẽ cây cổ thụ và ánh trăng in bóng tựa thảm hoa trên mặt đất bằng cách sử dụng điệp từ lồng ở từ số 2 và số 6 trong cùng một câu thơ 7 chữ. Nhờ đó cảnh rừng vừa cao vừa rộng và vừa sâu vô tận.
Giữa bức tranh ấy, nhân vật trữ tình hiện lên trong trạng thái thật đặc biệt:
“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Từ “chưa ngủ” gợi trạng thái trằn trọc không yên của người nghệ sĩ đồng thời như muốn thay người nghệ sĩ nói lên tiếng lòng: vì một lẽ gì đó mà con người chẳng thể có được một giấc ngủ an yên. Có hai lí do được nói đến. Thứ nhất, là vì cảnh khuya hôm nay đẹp quá, cứ như ai đó cố tình tạo nên vậy khiến người nghệ sĩ bần thần đắm chìm chẳng lỡ đi ngủ, bỏ lại tuyệt mĩ kì quan. Thứ hai, là vì đất nước còn đang bị đô hộ, kẻ thù đang giày xéo quê hương, nhân dân còn đang đói khổ thì làm sao mà Người có thể ngủ ngon. Ba chữ “nỗi nước nhà” nói lên cõi lòng đau đáu nghĩ suy cho Tổ quốc của Bác. Cả đời Người vì dân chưa có một giấc ngủ yên bình, thế nên hai chữ “chưa ngủ” được lặp lại những hai lần để nhấn mạnh điều đó.
Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh đã góp thêm vào cảnh quan tươi đẹp của thiên nhiên Việt Nam những câu thơ đầy sức sáng tạo và sức liên tưởng, tưởng tượng. Mặt khác, ngôn từ quen thuộc lại được diễn đạt rất mới lại tạo nên chất thú vị cho bài thơ. Các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh… được sử dụng linh hoạt trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn. Đặc biệt, tác giả rất tài hoa khi xây dựng không gian thơ vừa trữ tình thơ mộng vừa kì vĩ, vừa hiện thực vừa mờ ảo. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh – tình – người từ đó bộc lộ nhân cách và tâm hồn vĩ đại Hồ Chí Minh.
“Cảnh khuya” không đơn thuần còn là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh của lòng người. Giờ đã về cõi xa xăm, có lẽ Người đã có cho mình một giấc ngủ yên bình nhất, giống như Viễn Phương đã viết:
“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
(“Viếng lăng Bác”)
Hoài Lê