Phát biểu cảm nghĩ về bài Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Các nhà thơ, nhà văn thường lấy con chữ để gửi gắm nỗi lòng. Hồ Chí Minh không có ý định trở thành nhà thơ, nhà văn nhưng Người đã lấy nó để dốc bầu tâm sự. Bài thơ “Cảnh khuya” (1947) ra đời trong một đêm trăng nơi núi rừng Việt Bắc để nói lên tâm sự sâu kín trong lòng tác giả:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Bài thơ “Cảnh khuya” là một trong số rất nhiều thi phẩm đặc sắc của Hồ Chí Minh. Bài thơ gây ấn tượng bởi hình ảnh phong phú, hàm súc và cách thể hiện nội tâm khá độc đáo của tác giả. Giọng thơ trầm bổng và nội dung ngôn từ ưởng như xa xôi, kì vĩ nhưng cũng thật gần gũi, thân thương. Hai câu thơ đầu tiên, Hồ Chí Minh đã lấy cảnh đêm nơi núi rừng làm phông nền cho chân dung con người xuất hiện ở hai câu thơ cuối.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,”
Câu thơ như xa như gần, xa vì tiếng suối xa, gần vì tiếng hát quen thuộc. Nguyễn Trãi trong “Côn Sơn ca” có viết:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Nếu như Nguyễn Trãi chú trọng thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật của tiếng suối thì Hồ Chí Minh ở đây lại thiên nhiều về vẻ đẹp bình dị. Bởi khi ví von với tiếng hát, tác giả gợi nhắc đến hình ảnh người em gái thôn sơn quê nhà yêu kiều, đằm thắm có tiếng hát cất lên từ tấm lòng thơm thảo, nghĩa tình, Ở vùng núi, con người thường hát khi lao động sản xuất, lễ hội hoặc hát ru. Có lẽ tác giả đang nghĩ về tiếng hát ru ời ơi xa vời đâu đó từ thôn bản. Do vậy mới có cách ví von này. Mặt khác tác giả khá điệu nghệ khi ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ âm thanh tiếng suối (thính giác) sang màu sắc trong (thị giác) làm nên nét thú vị cho tứ thơ và thể hiện sự trong trẻo, thanh khiết của bức tranh núi rừng.
Phát biểu cảm nghĩ về bài Cảnh Khuya
“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.”
Hồ Chí Minh lấy ánh trăng – thực thể quen thuộc thường gặp trong thơ Bác. Ánh trăng kết hợp với “cổ thụ” và “hoa” tạo nên một không gian vừa rộng vừa hoang sơ. Theo lí luận thông thường, rất có thể tác giả miêu tả một bức tranh hùng vĩ đến mức khiến lòng người cô quạnh như thường thấy ở thơ ca của nhiều nhà thơ khác, tuy nhiên ở đây hoàn toàn ngược lại. Hai chữ “lồng” kết hợp với các hình ảnh trăng, cây cổ thụ, hoa đã tạo nên một bức tranh vừa rộng vừa sâu bởi khi kết hợp tất cả lại sẽ tạo nên một bức tranh nhiều tầng: trăng lồng vào tán cây, lọt qua kẽ lá xuống mặt đất, bóng cây và ánh trăng in trên mặt đất một bức tranh hoa tuyệt đẹp. Không gian chi chít trăng và bóng làm sao mà cô đơn cho được.
Thậm chí, bức tranh cảnh khuya đẹp tới mức khiến người ta “chưa ngủ”:
“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”
Tác giả dùng từ “chưa ngủ” để thể hiện nỗi suy tư, trằn trọc trong lòng. Quả thực dễ hiểu thôi, cảnh đẹp quá khiến người ta đắm chìm tới mức quên cả ngủ là chuyện thường nhưng vì cảnh đẹp quá mà không yên lòng thì chỉ có Hồ Chủ tich bởi đất nước còn nô lệ thì thiên nhiên đẹp đến mấy vẫn không thể đẹp một cách tự do và người cũng chẳng thể an lòng mà thưởng thức cảnh đẹp.
Từ “chưa ngủ” được lặp lại nối liền xuống câu thơ dưới:
“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Thêm một lí do khác cho sự “chưa ngủ” là vì “nỗi nước nhà”. Đất nước còn nô lệ, cuộc kháng chiến còn dang dở khiến lòng Người chẳng thể nào yên. Tấm lòng Hồ Chí Minh thật cao cả và vĩ đại. Người cả đời suy nghĩ cho dân tộc, đau đáu vì non sông gấm vóc, Người yêu thiên nhiên lắm nhưng cả đời chưa bao giờ được thỏa mái thưởng thức cảnh sắc một lần bởi tấm lòng lo nghĩ cứ sục sôi trong tim, trong óc và trong cả giấc ngủ.
Bài thơ “Cảnh khuya” một lần nữa chứng minh cho tài năng cũng như tấm lòng yêu thiên nhiên và yêu quê hương của Hồ Chí Minh. Giờ ở nơi nào đó, Người có được an yên bầu bạn với ánh trăng tri kỉ hay không?
Hoài Lê